Theo lệnh cấm vừa được giới chức Mỹ, Anh công bố, hành khách chỉ được mang điện thoại di động và các thiết bị điện tử cỡ nhỏ lên khoang hành khách còn các thiết bị cỡ lớn hơn như laptop, máy tính bảng, máy ảnh, máy in di động và máy chơi game có kích thước lớn hơn điện thoại di động phải gửi theo hành lý ký gửi. Tổng cộng, các sân bay ở 10 nước, trải dài từ Bắc Phi tới Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm mới nói trên.
Trong đó, cả Anh và Mỹ đều áp đặt lệnh cấm đối với các chuyến bay từ một số sân bay ở Ai Cập, Jordan, Ả rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài các nước này, Washington áp dụng lệnh cấm với một số chuyến bay từ Kuwait, Morocco, Qatar và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE). Còn London áp đặt hạn chế với một số sân bay ở Lebanon và Tunisia có đường bay thẳng tới nước này. Tuy nhiên, giới chức Mỹ khẳng định họ chưa phát hiện bất cứ tín hiệu về một mối đe dọa tấn công khả tín và cụ thể nào.
Theo Bộ An ninh nội địa Mỹ, lệnh cấm này không áp dụng đối với thành viên phi hành đoàn và cũng chỉ áp dụng đối với các chuyến bay của các hãng hàng không nước ngoài chứ không ảnh hưởng tới các hãng hàng không của Mỹ vì các hãng này không có đường bay thẳng tới Mỹ từ các sân bay bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm. Giới chức Mỹ cũng không cho biết lệnh cấm sẽ được duy trì trong bao lâu cũng như việc liệu các sân bay khác có được thêm vào danh sách trong thời gian tới hay không.
Theo lệnh cấm của Mỹ, tổng cộng khoảng 50 chuyến bay tới Mỹ mỗi ngày sẽ bị ảnh hưởng. Trước khi lệnh cấm này được ban hành, Sân bay Abu Dhabi – một trong những sân bay đông đúc nhất thế giới – cũng đã áp đặt quy định theo đó yêu cầu các hành khách tới Mỹ phải trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt do chính giới chức hải quan Mỹ tiến hành trước khi lên máy bay.
Lệnh cấm của Anh được đưa ra sau Mỹ chỉ vài giờ và ảnh hưởng đến cả các hãng hàng không nội địa lẫn nước ngoài, trong đó có hãng hàng không lớn nhất nước này British Airways. Các hãng hàng không nước ngoài bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm của Anh bao gồm Turkish Airlines, EgyptAir và Royal Jordanian. Lệnh cấm của Anh sẽ có hiệu lực từ ngày 25/3.
New York Times dẫn các nguồn tin từ giới chức Mỹ cho biết động thái của giới chức nước này được đưa ra trong bối cảnh các thông tin tình báo thu được cho thấy tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang phát triển bom giấu trong các thiết bị điện tử xách tay, mà cụ thể là pin laptop. Trước đó, Al Qaeda trong nhiều năm trở lại đây cũng được cho là đang tìm cách chế các loại thuốc nổ khó phát hiện, trong đó có những quả bom đặt trong những thiết bị như điện thoại di động.
Còn phía Anh lý giải lệnh cấm của nước này xuất phát từ mối đe dọa đang ngày càng gia tăng từ các nhóm cực đoan cộng với sự phổ biến của các thiết bị điện tử mà hành khách hay mang lên máy bay. Các lệnh cấm này cũng đã vấp phải sự phản đối từ các hành khách với lý do họ sẽ phải bay trong nhiều giờ mà không có máy tính bảng hay laptop.
Bà Banu Akdenizli – một giáo sư về truyền thông tại trường Đại học Northwestern – cho biết lệnh cấm sẽ ảnh hưởng tới việc làm của bà trong chuyến bay dài từ Qatar tới Mỹ vào tháng 4 tới. “Đó là một chuyến bay kéo dài đến 20 giờ. Tôi nghĩ với một học giả hay một nhà làm kinh doanh thì việc làm việc trên máy bay là rất cần thiết” – bà nói.