Rời khỏi phòng xét xử của TAND TP Hà Nội, trong lòng chúng tôi ngổn ngang suy nghĩ. Thương bà mẹ bị cáo lam lũ nghèo khổ đến từ vùng đất Ba Vì đã phải khóc cạn nước mắt vì con. Thương ánh mắt đầy vẻ sững sờ xen lẫn u buồn của đứa trẻ mới 4-5 tuổi ở bên ngoài phòng xét xử.
Và thương cả những hối hận, giày vò của những bị cáo trót đẩy mình vào vòng lao lý khi nông nổi, nhất thời gây án giết người.
Tu tỉnh lại không lâu thì can án...
Người đàn bà nhỏ nhắn ngồi ngay bên dưới vành móng ngựa chăm chú nhìn đứa con trai đang ngồi trước mắt. Thỉnh thoảng bà lại rơi lệ, nấc lên những tiếng nghẹn ngào. Khi bình tĩnh được, bà lại ra ngoài xem xét tình hình đứa cháu nội và không quên nhìn dáng vẻ buồn bã, chịu đựng của người chồng ngồi cách bà 2 hàng ghế. Bà là mẹ của bị cáo Nguyễn Văn Tuấn (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội).
Bà kể trong nước mắt: “Hôm đó thằng Tuấn có điện thoại, đến cả chục cuộc gọi nhưng nó không nghe vì nó không muốn dây vào đám bạn ham chơi, lười làm ấy nữa. Hơn nữa, nó còn phải đi ngủ sớm vì sáng sớm hôm sau còn phải đi Thanh Hóa làm cây cảnh... Nhưng vì đứa con của nó vô tình chạm vào điện thoại, buộc nó phải nghe. Nghe xong, nó đưa con cho tôi, bảo con phải đi ngăn bạn lại, sợ nó xô xát gây ra tội. Không ngờ nó lại bị vướng vào án giết người cô ạ”.
Theo lời bà kể, Tuấn cũng từng theo chúng bạn chơi bời lêu lổng, làm bố mất lòng tin. Nhưng rồi Tuấn bập vào nghề cây cảnh như “cá gặp nước”. Mỗi tháng Tuấn được người ta trả cho 20 triệu tiền chăm cây, tạo thế và thiết kế bố trí cây cảnh. Ở nhà Tuấn cũng đã chỉn chu làm ăn, chăm lo cho gia đình, con cái, đã mua được ti vi, máy giặt, mua được bình nóng lạnh và điều hòa để gia đình có cuộc sống tốt hơn.
Bà kể: “Mỗi tuần nó cho tôi 1 triệu, đủ cả 4 tuần. Tôi có tiêu mấy đâu nhưng nó cứ bảo tôi cầm, thích gì thì mua. Bố nó thấy nó thay đổi mới tin tưởng và gần gũi con hơn. Thế nhưng chưa được bao lâu thì dính phải án chết người. Tôi sống thế nào đây, còn con nhỏ của nó nữa, vợ nó thì đã bỏ đi... Tôi nghe nó nói, nó sắp ký được hợp đồng ba trăm triệu để bao tiêu chăm cả vườn cho người ta. Chưa kịp ký thì đã vào tù. Bao nhiêu hy vọng vừa được nhen lên thì tắt ngấm”. Chúng tôi không biết phải động viên bà như thế nào, ngoài việc vin vào 2 từ “số phận” để an ủi người mẹ đau khổ ấy.
Luật sư Đào Thị Liên (Cty TNHH Luật Tiên Phong, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), người nhận bào chữa cho bị cáo Tuấn tại phiên phúc thẩm cho biết, mỗi lần gặp gỡ Tuấn trong nhà giam để tìm hiểu thông tin là mỗi lần chị thấy xót xa, trăn trở bởi xét về tuổi Tuấn còn trẻ (25 tuổi) nhưng chắc do va vấp nhiều nên rất hiểu đời và có cái nhìn nhân hậu với cuộc đời này.
Trăn trở của một luật sư...
Luật sư Đào Thị Liên xúc động kể lại, bị cáo Tuấn tâm sự với chị rằng, mỗi lần nhờ được điện thoại gọi về gặp con, nghe con bảo “mẹ đi đâu không về với con ba ơi” là tim Tuấn đau nhói nhưng Tuấn chưa bao giờ có ý nghĩ trách giận vợ mình sau một năm ở tù suy ngẫm về cuộc đời và duyên phận.
Hai vợ chồng Tuấn cưới nhau khi Tuấn mới 18 tuổi, còn cô vợ mới 16 tuổi. Từ ngày về làm dâu nhà Tuấn, vợ Tuấn được chiều chuộng, chỉ ở nhà bán hàng cùng mẹ chồng và thoải mái lấy tiền để tiêu xài, làm đẹp. Suốt 5-6 năm sống chung, chưa bao giờ vợ Tuấn xưng hô tao mày, tôi với Tuấn dù nhiều lần Tuấn gây chuyện.
Tuấn chua xót: “Lúc em hư nó lại không bỏ em đi, lúc em ngoan ngoãn, chịu làm ăn, bắt đầu kiếm được tiền thì nó lại cặp kè với thằng khác. Lạ thật. Nhưng nói gì thì nói mình cũng sai rồi, không giữ được vợ là sai, không đáp ứng được tình cảm cho vợ, tiền kiếm nhiều cũng chả làm gì”.
Chị Liên vẫn còn giữ nguyên vẻ bất ngờ khi kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện mới xảy ra khi chị vào trại gặp Tuấn. Chị bảo, Tuấn nhờ chị tìm cách liên hệ với vợ, nói với vợ rằng nếu muốn ký giấy ly hôn để đi lấy người khác thì Tuấn sẽ ký. Rồi Tuấn sẽ nhờ luật sư mang ra cho vợ nhưng không quên dặn: “Chị bảo với nó là cứ đi với ai cũng được, không cần ly hôn. Sau này nếu không hạnh phúc lại về nhà em mà ở, em ra trại rồi em tha thứ hết”.
Luật sư Liên không thể quên được vẻ mặt trầm ngâm, trải đời của Tuấn khi nói: “Em nghĩ nhiều rồi, phụ nữ bỏ chồng lấy người khác ít người sướng lắm, sau này khổ mà nó lại bị dở dang, bỏ em rồi thì lại mặc cảm không dám về. Còn em cũng muốn sống với nó vì nó là mẹ của con em. Em giận nó lắm, vì nó bỏ con em không nuôi để con em thiếu thốn tình cảm nhưng chắc chắn em không bao giờ bỏ nó. Nếu nó đã quả quyết thì em mới ký, nhưng nếu nó không quyết thì em không bao giờ ký. Em chỉ muốn nó mang con em đi cùng, con em không được ở gần bố thì cũng phải ở gần mẹ cho đỡ thiệt thòi chị ạ”.
Tuấn còn kể, trong tù, mỗi đêm Tuấn không ngủ được là ngồi thiền. Tuấn cũng tranh thủ chia sẻ những suy nghĩ của mình về chuyện vợ con để động viên những bị can, bị cáo cùng giam chung buồng. Và Tuấn thể hiện rõ sự vui mừng khi khẳng định, 2 bị can cùng phòng với mình hiện giờ đã không còn ý nghĩ thù hận với những người vợ của họ nữa.
Trước khi ra về, Tuấn còn nói với luật sư: “Em thích đọc sách lắm, chị có thể tặng em cuốn sách về Phật được không? Ở trong này có sách ngũ hàn tương sinh tương khắc em đọc và suy ngẫm, cũng xem được nhiều cái đúng. Em tin cuộc sống hôm nay là quả của những ngày trước đó và là nhân của những ngày sau này”.
Luật sư Liên chia sẻ, Tuấn làm chị bất ngờ bởi tuy học không nhiều nhưng đã hiểu lẽ đời, học không cao nhưng suy nghĩ đã sâu, tuổi rất ít nhưng có bản lĩnh. Ở lao tù Tuấn đã học được nhiều. Chị tâm sự, chị mong Tuấn giữ được tâm an để đi qua số phận, đi qua những năm tháng nghiệt ngã lao tù. Bởi bài học của Tuấn thật cay đắng, dù sao thì sự có mặt của Tuấn hôm đó cũng gián tiếp tiếp tay cho tội phạm, dù sao thì hậu quả nghiêm trọng cũng đã xảy ra, đã có một tính mạng bị tước đoạt vì những lỗi vô ý gián tiếp của những kẻ trên bờ, trong đó có Tuấn.
Án mạng bất ngờ...
Theo nội dung cáo trạng, Nguyễn Thế Tình nghi ngờ các anh Nguyễn Danh Cương, Nguyễn Chí Tú, Dương Văn Cường là người đã đánh mình và Quyết ở thị xã Sơn Tây nên đã rủ thêm một số người đến khu vực ven hồ Tản Đà (Ba Vì, Hà Nội) để đánh trả thù. Họ chở nhau trên xe máy, mang theo tuýp inox, gậy gỗ để đuổi đánh. Bị đánh bất ngờ, Cương, Tú, Cường đã bỏ chạy và cùng nhau nhảy xuống đập nước. Cả bọn vẫn đứng bên bờ soi đèn xe máy chiếu xuống hồ, dùng súng cao su bắn xuống nước để đe dọa không cho 3 người bơi vào bờ.
Hậu quả khiến anh Cường tử vong do không biết bơi, còn Kiên, Cương thoát chết do tìm cách bơi được vào bở. Theo kết quả giám định pháp y, trên thân thể Cường không có tổn thương, nguyên nhân chết là do ngạt nước nhưng cáo trạng lý giải, do các bị cáo biết hồ sâu, có biển báo “nguy hiểm cấm bơi” nhưng vẫn tìm cách dọa nạt khiến các bị hại hoảng sợ, không dám tìm cách vào bờ nên vẫn bị truy tố với tội danh giết người.
Theo tính toán của HĐXX sơ thẩm, các bị cáo phải bồi thường 109 triệu đồng cho gia đình bị hại nhưng tính đến ngày xét xử, gia đình các bị cáo đã bồi thường cho gia đình bị hại 130 triệu đồng và cùng thống nhất không đòi lại phần còn thừa. Tuy có điểm được xem xét để xin giảm nhẹ án, cùng với đơn xin giảm nhẹ hình phạt của gia đình bị hại nhưng các bị cáo vẫn bị tuyên phạt từ 12-20 năm tù giam. Hầu hết các bị cáo đều làm đơn kháng cáo vì cho rằng hình phạt quá cao so với tính chất, mức độ hành vi đã gây ra.