Ảnh hưởng bão số 2, nhiều khu vực đề phòng ngập úng, sạt lở

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bão số 2 gây mưa lớn tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc từ chiều tối mai, 22/7 đến 24/7. Nhiều khu vực cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất, úng ngập.
Ảnh minh họa: Ngọc Nga
Ảnh minh họa: Ngọc Nga

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, 19h hôm nay, 21/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 110,9 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 110km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10, di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 15km/h.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 2 di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 15 km/h đi vào vịnh Bắc Bộ. Đến 16h ngày 22/7, vị trí tâm bão ở trên vùng biển phía Đông vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Trong 48 giờ tiếp theo, bão số 2 di chuyển theo hướng Tây Bắc, với tốc độ khoảng 10 km/h. Đến 16h ngày 23/7, vị trí tâm bão ở trên đất liền phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Trong 72 giờ tiếp theo, bão số 2 di chuyển theo hướng Tây Bắc, với tốc độ khoảng 5 km/h và suy yếu dần thành vùng áp thấp. Đến 16h ngày 24/7, vị trí vùng áp thấp ở trên đất liền phía Nam tỉnh Quảng Tây. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh dưới cấp 6

Dự báo tác động của bão vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa), vùng biển phía Đông khu vực Quảng Trị đến Quảng Ngãi và phía Đông khu vực Nam vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, biển động mạnh. Từ sáng 22/7, vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh.

Từ gần sáng 23/7, vùng ven biển tỉnh Quảng Ninh khả năng chịu tác động của gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa), vùng biển phía Đông của khu vực Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Nam vịnh Bắc Bộ sóng biển cao 2-4m, vùng gần tâm bão 3-5m. Từ sáng 22/7, vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) độ cao sóng tăng dần lên 2-4m, ven biển Quảng Ninh sóng 1,5-2,5m.

Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia cảnh báo, từ đêm 22/7 đến ngày 24/7, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xảy ra mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to.

Khu vực ven biển Bắc Bộ và khu vực Đông Bắc Bắc Bộ có tổng lượng mưa từ 100-200mm, có nơi trên 250mm.

Các nơi khác ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có tổng lượng mưa từ 50-100mm, có nơi trên 150mm.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn và mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp. Đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị

Dự báo thời tiết đêm nay, 21/7 và ngày 22/7:

Hà Nội

Có mây, đêm nay và chiều tối mai có lúc có mưa rào và dông. Gió Bắc đến Tây Bắc cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Nhiệt độ thấp nhất: 25-27 độ C.

Nhiệt độ cao nhất: 31-33 độ C.

Phía Tây Bắc Bộ

Có mây, đêm nay và chiều tối mai có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to; ngày nắng. Gió nhẹ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Nhiệt độ thấp nhất: 24-24 độ C, có nơi dưới 24 độ C.

Nhiệt độ cao nhất: 31-34 độ C, có nơi trên 34 độ C.

Phía Đông Bắc Bộ

Có mây, đêm nay và chiều tối mai có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to; ngày nắng gián đoạn. Gió Bắc đến Tây Bắc cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Nhiệt độ thấp nhất: 24-27 độ C, vùng núi có nơi dưới 24 độ C.

Nhiệt độ cao nhất: 31-34 độ C.

Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế

Có mây, có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to. Gió nhẹ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Nhiệt độ thấp nhất: 24-27 độ C.

Nhiệt độ cao nhất: 30-33 độ C, có nơi trên 33 độ C.

Đà Nẵng - Bình Thuận

Có mây, có mưa rào và dông vài nơi, riêng phía Bắc chiều và tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to. Gió Tây Nam cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Nhiệt độ thấp nhất: 25-28 độ C.

Nhiệt độ cao nhất: 31-34 độ C.

Tây Nguyên

Có mây, có mưa rào và dông vài nơi, riêng chiều và tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to. Gió Tây Nam cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Nhiệt độ thấp nhất: 21-24 độ C.

Nhiệt độ cao nhất: 26-29 độ C.

Nam Bộ

Có mây, có mưa rào và dông vài nơi, riêng chiều và tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to. Gió Tây Nam cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Nhiệt độ thấp nhất: 23-26 độ C.

Nhiệt độ cao nhất: 30-33 độ C.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 70/CĐ-TTg ngày 21/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó bão số 2 và mưa lũ.

Công điện nêu rõ, sáng nay (21/7/ 2024), áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã mạnh lên thành bão (cơn bão số 2 trong năm 2024). Dự báo trưa và chiều mai (22/7/2024) bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Bắc Bộ gây gió mạnh trên biển; bão có thể gây mưa to đến rất to tại các địa phương khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, đặc biệt là khu vực phía Đông Bắc Bộ trong những ngày tới.

Để chủ động ứng phó với bão số 2 và mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó bão, mưa lũ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn, nhất là các hộ dân tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét.

Các địa phương bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống; triển khai biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập, đê điều, hạn chế thiệt hại đối với nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng.

Đọc thêm