Anh lên kế hoạch thay thế hàng ngàn luật của EU

(PLO) - Anh sẽ phải soạn ra các luật để thay thế hàng nghìn luật của EU bao trùm tất cả các vấn đề, từ các quyền của người lao động cho tới môi trường vốn sẽ bị hủy bỏ khi nước này rời khỏi khối. 
Chính phủ Anh lên kế hoạch chuyển đổi từ luật EU sang luật Anh
Chính phủ Anh lên kế hoạch chuyển đổi từ luật EU sang luật Anh

Theo BBC, chi tiết về Dự luật bãi bỏ lớn sẽ được giới chức Anh công bố sau khi nước này chính thức bắt đầu tiến trình 2 năm rời khỏi EU. Trong đó, các bộ trưởng của Anh sẽ phải diễn giả các đạo luật chung của EU thành luật riêng của Anh để tránh “lỗ đen” pháp lý khi Brexit diễn ra. 

Theo Thủ tướng Anh Theresa May, Dự luật Bãi bỏ lớn sẽ đưa Anh trở thành một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Dự luật này sẽ bao gồm việc bãi bỏ Luật Cộng đồng châu Âu, theo đó khẳng định luật EU là tối cao với Anh; đảm bảo Anh không thuộc thẩm quyền xem xét của Tòa án công lý châu Âu; sửa đổi các luật của EU hiện có thành luật của Anh. Dự luật này sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày Anh rời EU.

Động thái công bố dự luật của Anh diễn ra trong lúc giới chức nước này bác bỏ tuyên bố cho rằng Anh và EU đang có những tranh cãi về các vấn đề liên quan đến an ninh EU. Trong lá thư về việc kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon được gửi đi ngày 29/3, Thủ tướng Anh Theresa May ngụ ý cho rằng hợp tác với EU trong cuộc chiến chống tội phạm và khủng bố sẽ có nguy cơ không được đảm bảo nếu Anh không nhất trí về một thỏa thuận Brexit trong thời hạn 2 năm.

Phát biểu của Thủ tướng Anh đã dấy lên phản ứng giận dữ từ một số quan chức EU cho rằng vấn đề an ninh là một vấn đề vô cùng quan trọng và Anh không thể sử dụng an ninh như một điều kiện để mặc cả trong các cuộc thương thảo về thương mại tới đây. Tuy nhiên, Bộ trưởng Brexit David Davis khẳng định đó không phải là lời đe dọa.

“Tuyên bố đó nêu ra một sự thực là cả 2 bên đều sẽ bị tổn hại nếu chúng ta không đạt được thỏa thuận. Đó là một lập luận cho thấy sự cần thiết phải có một thỏa thuận” – ông Davis nói và khẳng định Anh ủng hộ một thỏa thuận toàn diện với EU trên tất cả các vấn đề liên quan đến thương mại, an ninh, mối quan hệ giữa Anh với EU cũng như bảo đảm lợi ích tối đa của các bên. 

Vẫn theo ông Davis – người đứng đầu nhóm đàm phán của Anh ở Brussels, quyền lợi của những người Anh ở nước ngoài sẽ là ưu tiên đầu tiên trong các cuộc đàm phán về Brexit. Ông Davis khẳng định Anh có nghĩa vụ phải chấm dứt sự bất ổn mà những người Anh đang sống ở EU cũng như những công dân EU đang sống ở Anh đang đối mặt. Ngoài ra, ông cũng cho biết Anh muốn đạt được một thỏa thuận về tình hình biên giới Bắc Ireland càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, ông Davis thừa nhận Anh đang tranh cãi với EU về yêu cầu tiến hành đàm phán về các điều khoản của Anh rời khỏi khối và một thỏa thuận thương mại. Eu muốn có một thỏa thuận về việc Anh rời khỏi khối với các điều khoản như khoản tiền mà Anh phải trả cho các nghĩa vụ hiện có của nước này trước khi bàn đến dàn xếp thương mại nhưng Anh muốn xem xét cả gói thỏa thuận cùng lúc.