Theo Reuters, tại cuộc hội đàm, các Thủ tướng Anh và Nhật Bản dự kiến đồng ý về nguyên tắc đối với một thỏa thuận quốc phòng cho phép các lực lượng Anh và Nhật Bản hợp tác với nhau.
Cụ thể, ông Johnson dự kiến sẽ công bố Thỏa thuận tiếp cận qua lại như một "quan hệ đối tác quốc phòng mang tính bước ngoặt", theo đó, các Lực lượng Vũ trang của Anh và Nhật Bản sẽ được triển khai cùng nhau để thực hiện các hoạt động huấn luyện, tập trận chung và cứu trợ thảm họa.
Thủ tướng Anh Johnson trong một tuyên bố trước chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản khẳng định, Anh và Nhật Bản đang tập trung thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm kỹ năng cao và đảm bảo 2 nước vẫn là những cường quốc về công nghệ.
"Chuyến thăm của Thủ tướng Kishida sẽ thúc đẩy mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ của chúng tôi và xây dựng trên quan hệ đối tác thương mại của chúng tôi để thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng lớn trên khắp đất nước - hỗ trợ chương trình nghị sự của chúng tôi”, ông Johnson nhấn mạnh.
Ngoài ra, tại cuộc hội đàm, 2 bên dự kiến cũng sẽ bàn thảo về tình hình Ukraine.
Kể từ khi Anh rời Liên minh châu Âu vào tháng 1/2020, Thủ tướng Johnson đã tích cực tăng cường quan hệ giữa Anh với các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi ông Johnson nhận định "ngày càng trở thành trung tâm địa chính trị của thế giới".
Chuyến thăm cũng sẽ nhằm tăng cường quan hệ thương mại, xây dựng trên một thỏa thuận được ký kết vào năm 2020, đánh dấu thỏa thuận thương mại tự do hậu Brexit đầu tiên của Anh. Cựu Bộ trưởng Kinh doanh Greg Clark sẽ được bổ nhiệm làm đặc phái viên thương mại của Anh tại Nhật Bản.
Anh đang đặt mục tiêu tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Nhật Bản là thành viên và cũng là nước chịu trách nhiệm giám sát đơn xin gia nhập Hiệp định của Anh.