Anh nông dân nghèo giúp "cả làng" thoát khổ

Ít ai biết "cha đẻ" của chiếc máy tuốt tiêu đang được sử dụng rộng rãi trên toàn quốc chính là một nông dân nghèo ở miền quê Quảng Trị. Mới đây, ông còn trình làng chiếc máy nhổ sắn giúp giải phóng sức lao động của bà con. Người nông dân đam mê sáng tạo ấy là ông Phan Văn Lệ. 

Ít ai biết "cha đẻ" của chiếc máy tuốt tiêu đang được sử dụng rộng rãi trên toàn quốc chính là một nông dân nghèo ở miền quê Quảng Trị. Mới đây, ông còn trình làng chiếc máy nhổ sắn giúp giải phóng sức lao động của bà con. Người nông dân đam mê sáng tạo ấy là ông Phan Văn Lệ.

Ông Phan Văn Lệ bên chiếc máy nhổ sắn

Tìm nhà ông Phan Văn Lệ (sinh năm 1959, trú tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) không khó. Hễ chúng tôi dừng xe hỏi đường, ai cũng đon đả: "Ông Lệ, nhà phát minh ấy à?. Ngoài máy tuốt tiêu, nghe đâu ông ấy mới sáng chế thêm máy nhổ sắn nữa đấy. Nhờ ông Lệ mà bà con đỡ vất vả". Cứ thế, sau vài bận hỏi đường, chúng tôi có trong tay kha khá thông tin về người nông dân mà bà con âu yếm gọi là nhà phát minh chân đất.

Gặp ông Lệ trong công xưởng của gia đình, ông vui vẻ chia sẻ: "Từ lúc chiếc máy tuốt tiêu ra đời, bà con cứ gọi mình là... nhà phát minh. Đầu tiên nghe cũng ngượng, giờ thì thấy vui vì bà con công nhận thành quả lao động của mình mà".

Mấy năm nay, một niềm vui không nhỏ khác đối với ông Phan Văn Lệ là chiếc máy tuốt tiêu đã được ứng dụng ở nhiều địa phương sau khi được giới thiệu tại Triển lãm Công nghệ và thiết bị Việt Nam. Có lẽ người tiêu dùng không thể ngờ chiếc máy tuốt khoảng 1 tấn hạt tiêu/giờ này là "con đẻ" của một nông dân mới học xong lớp 7.

Thấy bà con vất vả mỗi độ thu hoạch hồ tiêu, ông Phan Văn Lệ nảy ra ý tưởng về một chiếc máy có thể tách tiêu ra khỏi cuống và phân chia từng loại hạt. Với số tiền 3 triệu đồng vay từ hàng xóm, ông hì hục suốt mấy tháng ròng để biến ý tưởng thành hiện thực.

Thế rồi, chiếc máy tuốt tiêu đã ra đời với chiều dài 1m, rộng 0,5m, cao 0,7m, nặng 50 kg. Cấu tạo chính của máy gồm trục xoắn, máng chứa và sàng lọc. Khi người sử dụng cho tiêu vào miệng máng, tiêu sẽ chảy xuống trục cuốn. Tại đây, dưới lực ép của máy, tiêu được tách ra khỏi cuống, rồi giữ lại để phân loại, sau đó lọt qua sàng và trôi máng chứa. Điều đặc biệt là máy vẫn hoạt động ngon lành dẫu mất điện vì nhờ có bộ phận tay quay.

Với công dụng đặc biệt, cách sử dụng khá đơn giản và giá cả hiện chỉ 6 triệu đồng/chiếc, "Máy tuốt tiêu Ông Lệ" nhanh chóng được ưa chuộng. Để đáp ứng nhu cầu của bà con, ông Lệ phải thuê thêm 4 nhân công làm việc thường xuyên để "nhân giống máy". Ông phấn khởi cho biết: “Sở Khoa học công nghệ tỉnh mới thông báo là có mối đặt 50 chiếc máy cơ đấy. Mình cũng vừa bàn giao 20 máy cho bà con vùng Cùa, huyện Cam Lộ xong”.

Ông Phan Văn Lệ bên chiếc máy tuốt tiêu

Tưởng chừng chỉ làm máy tuốt tiêu để bán cũng đủ ngốn hết quỹ thời gian của ông Lệ, thế mà mới đây người nông dân mê sáng tạo này lại có thêm phát minh thứ hai. Sau chuyến thăm người thân ở huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị), thấy bà con khó khăn lắm mới "kéo được sắn từ dưới đất lên", ý tưởng mới lại lóe sáng trong tâm trí ông Lệ: "Tại sao không có một chiếc máy nhổ sắn để bà con đỡ vất vả nhỉ?".

Nghĩ là làm, ông về nhà hì hục vạch ý tưởng và cặm cụi sáng chế bất kể ngày đêm. Thấy ông hăng say đến độ mất ăn, mất ngủ, vợ con lo ngay ngáy. Thế mà, chỉ sau một tháng, ông Lệ đã hớn hở trình làng "đứa con thứ hai của mình".

Máy nhổ sắn được cấu tạo như một chiếc xe đẩy, bánh xe đặc để dễ di chuyển ở nhiều địa hình. Cấu tạo chính của máy gồm tay lái và thân máy được thiết kế linh hoạt, hai má kềm dùng để cắt và nhổ sắn. Ông Lệ cho biết: "Tính năng nổi trội của chiếc máy này là nhổ sắn nhanh, không kén địa hình, dễ sử dụng, đỡ hao sức...

Đặc biệt là máy hoạt động cơ học, không tốn điện hay xăng dầu". Chiếc máy nhổ sắn hiện được sử dụng thử nghiệm, bước đầu cho hiệu quả tốt. Được biết, Sở Khoa học công nghệ tỉnh sắp tới sẽ vào kiểm tra và làm hồ sơ để đưa "máy nhổ sắn Ông Lệ" tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao đối với nhà phát minh chân đất ở miền quê Quảng Trị.

Quang Hiệp

Đọc thêm