Sáng kiến “Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam”
Con số thống kê năm 2019 cho thấy, Việt Nam hiện có 24 triệu người thuộc nhóm yếu thế của xã hội, trong đó có hơn 6 triệu người khuyết tật, riêng người mù và người khiếm thị hơn 3 triệu người.
Theo các báo cáo hiện nay, 90% người mù ở Việt Nam gặp khó khăn trong việc tự tham gia các hoạt động xã hội một mình. Hơn 70% người mù và người khiếm thị gặp chấn thương khi di chuyển do thiếu thiết bị hỗ trợ. Rất nhiều người mù đến từ các hộ nghèo. Hơn 90% người mù cho biết họ cần gậy trắng để hỗ trợ di chuyển nhưng không đủ khả năng tài chính, hoặc họ không thể sử dụng hiệu quả do không có tập huấn và hướng dẫn đầy đủ...
Ở một góc độ khác, thực tế lâu nay cho thấy, pháp luật về giao thông cho người khuyết tật nói chung và người mù, người khiếm thị nói riêng không chỉ thiếu các quy tắc riêng để hướng dẫn, điều chỉnh hành vi cho an toàn, mà còn rất thiếu chế tài để bảo đảm thực thi các quyền chính đáng của họ. Điều này khiến họ gặp nhiều rào cản khi tiếp cận giao thông...
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, ở một số công trình công cộng, tuyến đường mới đã thực hiện thiết kế xây dựng đường dành cho người mù, người khiếm thị nhưng sự cẩu thả trong thi công, giám sát thực thi và sự lơ là trong việc bảo đảm công năng sử dụng đã làm mất chức năng của những công trình này.
Tại các trường phổ thông đặc biệt ở TP HCM và Hà Nội, một trong những môn học được chú trọng dạy cho học sinh mù và khiếm thị môn thực hành định hướng và di chuyển. Trong môn học này giáo viên sẽ luôn nhắc nhở học sinh khi ra ngoài phải cầm gậy màu trắng (biểu tượng của người khiếm thị - PV) để lái xe dễ nhận thấy và nhường đường.
Khi thực hành môn học, học sinh sẽ đi ra đường thực tế, dọc đường, sẽ gõ gậy vào trụ điện, cột đèn và chăm chú phân biệt từng âm thanh phát ra như một trong những cách nhận diện điểm mốc, xác định vị trí trên lộ trình.
Dài dòng như vậy để thấy tầm quan trọng của cây gậy trắng dẫn đường đối với người mù, người khiếm thị để giúp họ hòa nhập với cuộc sống. Về lịch sử, mặc dù cây gậy dò đường đã làm bạn đồng hành của người mù, người khiếm thị từ rất lâu, nhưng phải đến năm 1930 khi nhận màu của chiếc gậy là đen sẽ khiến người lái xe hầu như không thể nhìn thấy nó trên mặt đường tối, nên người ta quyết định sơn từ màu đen sang màu trắng để dễ nhìn hơn. Kể từ đó đến nay, một chiếc gậy trắng là vật dụng được nhiều người mù, người khiếm thị sử dụng. Có ít nhất năm loại gậy, mỗi loại phục vụ một nhu cầu khác nhau…
Tại Việt Nam, sáng kiến tặng cây gậy trắng cho người mù đã liên tục được thực hiện trong một thời gian dài. Năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát động sáng kiến “Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam” với thông điệp “Cả nước chung tay mang lại hạnh phúc cho người mù”. Tháng 11/2022, sơ kết 3 năm thực hiện sáng kiến cho thấy, hơn 20.300 cây gậy trắng đã được trao tặng cho người mù tại 55 tỉnh, thành phố và Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn đang tiếp tục đặt hàng để trao tặng cho người mù các tỉnh, thành phố trong cả nước.
“Trao gậy trắng - Dẫn dắt tương lai”
Người mù, người khiếm thị được tập huấn, hướng dẫn sử dụng cây gậy trắng. Ảnh minh họa. (Nguồn Báo ND). |
Là dự án vừa được Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD) vừa khởi động để hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”, với sự tài trợ của Quỹ Hy vọng Tập đoàn Tài chính Shinhan và điều phối của Hiệp hội Quyên góp phúc lợi xã hội Hàn Quốc (Community Chest of Korea - CCK) và tổ chức United Way Worldwide. Thông qua dự án này, 300 chiếc gậy trắng, 150 gói bảo hiểm y tế, 30 gói hỗ trợ thực phẩm, 300 bộ sách giáo khoa chữ nổi sẽ được trao tặng tới các em khiếm thị tại Hà Nội và TP HCM.
Được biết, để chuẩn bị cho dự án, trước đó, Viện MSD đã phối hợp với các đối tác là các tổ chức xã hội hỗ trợ trẻ em và người mù/khiếm thị, bao gồm các mái ấm, trường học tình thương, trung tâm bảo trợ xã hội, Hội Người mù thành phố Hà Nội, Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu ở TP HCM và Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội để tiến hành khảo sát về nhu cầu và xác định danh sách các em được nhận gậy trắng và các gói hỗ trợ.
Là đơn vị khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm gậy trắng thông minh Overflow cho người khiếm thị, tham gia dự án, ông Kim Sang Eon - Giám đốc doanh nghiệp Overflow chia sẻ: “Thấu hiểu những khó khăn của người khiếm thị khi di chuyển, nếu khi đi, trên đường có vật cản thì họ có thể bị ngã và gây chấn thương. Hay khi đi lại một mình, người khiếm thị, người mù không có người hỗ trợ đi cùng thì phải có thiết bị hỗ trợ thay thế ví dụ như gậy trắng. Chúng tôi nhận thấy việc tập huấn cho người khiếm thị, người mù sử dụng gậy trắng và xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng là cần thiết”.
Sau khi trải nghiệm những sử dụng gậy trắng để định để định vị đường đi và xác định chướng ngại vật, thầy Lê Hồng Vũ Minh - Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TP HCM chia sẻ: “Chất liệu của chiếc gậy nhẹ hơn so với những chiếc gậy thông thường rất dễ với người khiếm thị và người mù khi phải sử dụng thường xuyên. Đây là cải tiến lớn, rất thuận lợi và dễ sử dụng cả trẻ em và người già”.
Anh Nguyễn Trung Thái - Hội Người mù thành phố Hà Nội, sau khi trải nghiệm cũng cảm thấy giống anh Minh về chất liệu nhẹ và dễ sử dụng. Ngoài ra, anh còn cảm thấy gậy trắng tháo lắp rất dễ dàng. Trước đây anh có dùng nhiều loại gậy, nhưng rất ít gậy có thể thay đổi được các đầu gậy, việc này rất cơ động cho những người như anh khi di chuyển ở các địa hình khác nhau.
Bên cạnh đó, những chiếc gậy trắng này giúp các em di chuyển an toàn và người khác có thể nhận biết được đây là người khiếm thị và hỗ trợ. Em Nguyễn Hữu Khánh là trẻ khiếm thị sau khi trải nghiệm sử dụng gậy trắng dự án tặng cũng cảm thấy chiếc gậy rất dễ sử dụng và thuận tiện cho những bạn có độ tuổi như em và nhỏ tuổi hơn em.
Bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững MSD - United Way Vietnam xúc động khi thấy dự án được triển khai. Bà cho rằng, với sự thiếu thốn về cơ sở hạ tầng tiếp cận, thiếu cả về vật chất và tinh thần thì người khiếm thị là một trong những nhóm chịu thiệt thòi và tổn thương. Họ rất khó có thể tiếp cận được các dịch vụ phù hợp. Vì thế, có rất nhiều trẻ em, thanh niên khiếm thị khó tiếp cận giáo dục, hoà nhập với cộng đồng, tiếp cận các dịch vụ công, các dịch vụ xã hội mà các em đáng được hưởng.
“Nếu được cho cơ hội và sự phục vụ phù hợp thì người khiếm thị có thể phát huy hết tiềm năng của mình. Tôi muốn nhấn mạnh là được phục vụ chứ không phải chỉ là được hỗ trợ, bởi khi người khiếm thị được phục vụ một cách phù hợp, tự bản thân họ sẽ có điều kiện để vượt qua các rào cản tự vươn lên và sống độc lập, bởi người khiếm thị có những quyền và tiềm năng, năng lực nổi trội của riêng mình. Chỉ cần có sự hỗ trợ phù hợp và đúng lúc thì mỗi người có thể phát huy tối đa được những tiềm năng của mình” - bà Linh khẳng định.
Cũng theo bà Linh, dự án White can - Light Hope không chỉ dừng lại ở việc từ thiện mà còn hướng đến việc thắp sáng con đường, dẫn dắt tương lai của các em. Hãy coi những chiếc gậy trắng là những người bạn đồng hành, để các em có thể bước đi trên còn đường ở hiện tại và tương lai, biến ước mơ của các em thành sự thật.
Tham dự chương trình, bà Vũ Thị Minh Phương, Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH tâm sự: “Tôi rất xúc động vì khi tham dự chương trình đầy ý nghĩa này. Chiếc gậy trắng có thể coi là cầu nói của người khiếm thị và cộng đồng. Các hoạt động trong dự án này không mang tính chất từ thiện mà tiến tới hỗ trợ, tạo điều kiện cho người khiếm thị tiếp cận và thực hiện quyền của mình, chăm sóc sức khoẻ, tiếp cận tri thức…”.