'Ánh sáng' từ lớp học xóa mù chữ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Biết đọc, biết viết là “chìa khóa” mở ra cánh cửa tương lai mỗi người. Vậy mà ở trên các rẻo cao hay vùng nông thôn nghèo, còn đó những người đã lớn tuổi nhưng vẫn không biết chữ. Mỗi ngày, bên ánh đèn sáng, không phân biệt tuổi tác, giới tính, người dân lại cùng nhau đến lớp xóa mù chữ. Nơi đây đã trở thành căn nhà ánh sáng, mang đến hy vọng về tương lai cho họ.
Lớp học xóa mù chữ đem lại hy vọng cho những người DTTS, nông dân ở vùng quê nghèo.
Lớp học xóa mù chữ đem lại hy vọng cho những người DTTS, nông dân ở vùng quê nghèo.

Những lớp học đặc biệt

Mỗi ngày, cứ đều đặn vào buổi tối, ở thôn Khe Táu, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái), lớp học xóa mù chữ lại sáng đèn. Phần lớn học sinh trong lớp là những người phụ nữ dân tộc. Họ đều đã qua lứa tuổi cắp sách đến trường. Thậm chí nhiều người còn đạt đến ngưỡng 40, 50 tuổi. Nhưng vẫn quyết tâm “cắp sách đến trường” để học con chữ.

Được biết, tại thôn Khe Táu, chủ yếu là người dân tộc Mông sinh sống. Cuộc đời của họ vốn chỉ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, quanh năm suốt tháng làm nương rẫy để mưu sinh. Chính vì vậy, đây là xã có tỷ lệ người không biết chữ, tái mù chữ cao nhất huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái). Thực hiện chương trình xóa mù chữ, cấp ủy, chính quyền địa phương này đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các nhà trường mở các lớp xóa mù chữ. Riêng năm 2023, xã đã mở được 3 lớp với 90 học viên (độ tuổi từ 16 - 60) tham gia lớp xóa mù chữ giai đoạn 2 năm 2023, trong đó nhiều chị em đã tham gia các chương trình tiểu học sau xóa mù chữ.

Theo UNESCO, xóa nạn mù chữ góp phần đem lại hòa bình cho nhân loại thông qua việc giúp mỗi người được hưởng tự do cá nhân và hiểu tốt hơn về thế giới cũng như dự phòng hay giải quyết các cuộc xung đột. Mối liên hệ giữa việc xóa nạn mù chữ và hòa bình là hiển nhiên trong các nền dân chủ không ổn định hoặc các quốc gia bị tác động bởi khủng hoảng hay khó khăn khi thiết lập hoặc duy trì một môi trường học tập.

Không chỉ mở các lớp xóa mù chữ, chính quyền địa phương cùng các thầy, cô giáo còn tích cực vận động, tuyên truyền đến từng gia đình tầm quan trọng của việc học chữ. Để vận động phụ nữ đến trường học chữ, các thầy cô, cán bộ địa phương đã nỗ lực thay đổi nếp nghĩ, tư duy của chị em. Đi từng bước xoá bỏ hủ tục lạc hậu và suy nghĩ phụ nữ chỉ có nhiệm vụ sinh con, làm nương, chăm sóc gia đình, sống phụ thuộc hoàn toàn vào chồng. Muốn “đả thông” tư tưởng chị em thì phải thông suốt tư tưởng của các ông chồng. Để nâng cao chất lượng dạy học, địa phương đã chỉ đạo bố trí những giáo viên có kinh nghiệm đến lớp, đặc biệt là những giáo viên bám bản, vừa có kiến thức vừa biết tiếng Mông, hiểu phong tục, tập quán để việc dạy học đạt hiệu quả cao.

Nhờ sự cố gắng trong nhiều năm, hiện tại, ở thôn Khe Táu, phần lớn cộng đồng đã nhận ra được tầm quan trọng của con chữ. Người dân ngày càng chăm chỉ đi học. Thầy cô của họ là những người dạy ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) TH Phong Dụ Thượng. Để đến được lớp học “đặc biệt” này, các thầy cô đã phải đi xa đến hàng chục km, vượt qua đường sá nguy hiểm, cheo leo để giúp bà con nơi đây biết đọc, biết viết.

Lớp học xóa mù chữ mang lại tương lai tươi sáng cho những người dân.

Lớp học xóa mù chữ mang lại tương lai tươi sáng cho những người dân.

Câu chuyện thứ hai, ở cửa biển Sào Lưới, xã Nguyễn Việt Khái (huyện Phú Tân), tỉnh Cà Mau, từ năm 2022, lớp học xóa mù chữ được diễn ra đều đặn 3 buổi/tuần. Người đứng lớp là cô Đào Thị Thanh An - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nguyễn Việt Khái. Cô An đã có kinh nghiệm gần 20 năm gắn bó với nghề giáo trước khi nghỉ hưu. Lớp xóa mù chữ đầu tiên vị Chủ tịch Phụ nữ xã mở chỉ có 3 người học, nhưng cô vẫn kiên trì dạy và tiếp tục vận động để người dân thấy việc học là nhiệm vụ cao cả, là quyền lợi của mỗi người, không có gì phải xấu hổ. Nhờ tích cực vận động và thấy những người đi trước học biết chữ có lợi, nên sĩ số lớp tăng theo từng năm, trung bình từ 15 - 18 người, có năm lên hơn 20 người.

Lớp học hiện tại của cô An phần lớn là những người dân miền biển. Họ dành cả cuộc đời để lênh đênh trên các thuyền chài. Vì vậy, nhiều người không được đi học. Việc không biết chữ, khiến họ gặp khó khăn như đọc biển báo, xem đơn thuốc khi đi khám bệnh,...

Lớp học ở cửa biển Sào Lưới, có rất nhiều lứa tuổi, từ các cô, các chị cho đến các ông bà cụ đã 60, 70 tuổi. Cứ đến 5 - 6 giờ chiều, họ lại đều đặn đến lớp. Ban đầu lớp học của cô An chỉ có 5 người. Nhưng dần dần, người người truyền tai nhau, hiện tại lớp cô đã có sĩ số lên đến 9 người. Phần lớn mọi người đều chăm chỉ học hành.

Khó khăn nhất trong lớp học xóa mù chữ, là các học sinh lớn tuổi thường khó tiếp thu hơn trẻ nhỏ, học trước, quên sau. Vì vậy, cô An phải có phương pháp dạy học đặc biệt, từ tốn, chậm rãi, dễ hiểu. Cô thường xuyên gợi nhắc kiến thức cũ, lồng ghép câu chuyện sinh động, vui nhộn vào trong bài giảng. Lớp học của cô luôn luôn rộn vang tiếng cười.

Thực tế, đất nước ngày một phát triển, xã hội không ngừng đi lên. Hiện nay, đa phần người dân đều đạt được trình độ giáo dục phổ thông. Vì vậy, người “mù chữ” sẽ chịu thiệt thòi lớn. Có rất nhiều nguyên nhân khiến họ không được đến trường như hoàn cảnh khó khăn, buộc phải đi làm sớm,... Cho nên, những lớp học xóa mù chữ mở ra, như một cánh cửa để giúp họ hòa nhập với xã hội, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đem lại niềm hy vọng cho mỗi người

Điều đặc biệt ở những lớp học xóa mù chữ, đó là đem lại niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng cho người dân ở thôn quê nghèo. Đó có thể là một cơ hội kinh doanh, khởi nghiệp. Hay đơn giản, là giúp cuộc sống của họ nhẹ nhàng khi biết đọc, biết viết để giao tiếp với mọi người trong xã hội.

Lấy ví dụ như câu chuyện ở ở thôn Khe Táu, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái). Phần lớn những bà con dân tộc Mông tìm đến lớp học chữ để có thêm cơ hội kinh doanh, vay vốn, tìm việc làm nhằm cải thiện thu nhập cho gia đình. Như anh Tràng A Páo hơn 50 tuổi, nhưng cả hai vợ chồng đều cùng đăng ký lớp học xóa mù chữ. Để có thời gian học, hai vợ chồng phải làm nương rẫy từ sớm. Sau khi đã biết đọc, biết viết, anh học cả tính toán để thuận lợi cho việc đi chợ. Nhờ biết chữ, làm các phép tính cơ bản, anh và vợ đã mở một cửa hàng nhu yếu phẩm nho nhỏ, buôn bán cho bà con trong buôn làng.

Nhận thấy sự thay đổi tích cực của những người theo học lớp xóa mù chữ. Hiện tại, thay vì phải vận động Nhân dân trong thôn đi học, người dân đã hình thành tư duy muốn đi học. Việc chủ động học tập giúp cho người theo học lớp xóa mù chữ chăm chỉ đến lớp, không ngại mưa gió, nắng nóng.

Việc biết đọc, biết viết đem lại rất nhiều ý nghĩa thiết thực cho mỗi người.

Việc biết đọc, biết viết đem lại rất nhiều ý nghĩa thiết thực cho mỗi người.

Còn ở vùng cửa biển Sào Lưới, tỉnh Cà Mau, lớp xóa mù chữ của cô An đã giúp người theo học có cuộc sống dễ dàng hơn. Như có những ông bà cụ đã có thể tự đọc được bảng hiệu chỉ dẫn đường trong bệnh viện. Họ không phải liên tục hỏi những người xung quanh nữa. Có cụ bà vô cùng sung sướng, hạnh phúc khi đã phân biệt được nhà vệ sinh nam, nữ. Cũng có những chị, những mẹ trước đây không dám qua nhà hàng xóm hát karaoke do “mù chữ”. Giờ đây họ đã tự tin hòa ca cùng bạn bè.

Ngoài ra, ở lớp của cô An, kết thúc mỗi khóa học, các học sinh trong lớp sẽ làm những bài kiểm tra đánh giá. Mặc dù kỳ thi chủ yếu để động viên, khuyến khích các “em” học sinh lớn tuổi chăm chỉ ôn bài. Tuy nhiên, các ông bà cụ trong lớp lại hồi hộp, hào hứng tham gia. Đối với những người có thành tích tốt, điểm cao, lên lớp sẽ được UBND xã tặng Giấy khen xem như khích lệ tinh thần học tập. Để tạo điều kiện cho những “học trò đặc biệt” của mình học tập tốt, cô An cũng đã vận động nhà hảo tâm tặng mỗi người một cặp kính lão để nhìn chữ, viết chữ rõ hơn.

Năm 1965, UNESCO đã chọn ngày 8/9 hàng năm là Ngày Quốc tế xoá nạn mù chữ. Ngày này được kỷ niệm hàng năm nhằm nâng cao tầm quan trọng của việc biết đọc, biết viết đối với sự phát triển của mỗi cá nhân và cộng đồng trong xã hội. Tại Việt Nam, ngày 8/9/1945, Chính phủ đã ban hành ba sắc lệnh về chống nạn thất học, đặt sự nghiệp bình dân học vụ vừa là một phong trào cách mạng, vừa là thiết chế giáo dục của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kể từ đó, công cuộc học tập của Nhân dân Việt Nam đã bước lên tầm cao mới. Để hôm nay, phong trào học tập thường xuyên, học tập suốt đời đã lan tỏa, góp phần xây dựng xã hội học tập trong cả nước.

Đọc thêm