Nhiều tháng nay, cứ vào buổi tối, lớp học xóa mù chữ Lản Nhì Thàng được mở tại Trường PTDTBT Tiểu học Lản Nhì Thàng (xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) luôn vang lên tiếng ê, a học chữ.
Gọi là lớp học đặc biệt bởi những học viên đang theo học tại đây 100% là người đồng bào dân tộc Dao và ở độ tuổi “dừ”, có người đã ở tuổi làm ông bà, người trẻ nhất cũng đã gần 30 tuổi. Lớp được dạy vào buổi tối bởi các học viên đều là lao động chính trong mỗi gia đình, ban ngày phải làm nương rẫy, trồng ngô, trồng lúa, làm kinh tế để nuôi gia đình.
Bà Tẩn Sen Cuổi vui mừng khi được tham gia lớp học. |
Thầy giáo Vũ Duy Khoa (SN 1983) - giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Lản Nhì Thàng được giao phụ trách lớp học đặc biệt này chia sẻ lớp có 31 học viên. Lúc mới huy động ra lớp học, do tuổi đã cao nên nhiều học viên tỏ ra rụt rè, e ngại.
Các giáo viên nơi đây đã phải nỗ lực vận động, giải thích cho bà con lợi ích của việc học giúp cho bản thân biết đọc viết, làm được các phép tính toán. Qua đó, học viên có thể tự đọc sách, báo, tìm hiểu về thông tin để vận dụng vào sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế của gia đình. Dần dần, bà con cũng mạnh dạn hơn và dần làm quen được với môi trường.
Thời gian đầu, việc giảng dạy và học tập cũng gặp rất nhiều khó khăn. Có học viên chưa được cầm bút bao giờ, giáo viên phải cầm tay hướng dẫn lại từ điểm đặt bút, cách viết. Thêm nữa, đa số học viên đều nói ngọng nên giáo viên phải viết lên bảng và dạy họ phát âm từng câu, từng từ, uốn nắn từng chữ.
Một điều đáng mừng là dù phải lao động vất vả cả ngày, tối lại phải cắp sách đến lớp nhưng các học viên luôn duy trì được tỉ lệ chuyên cần. Ai cũng rất có ý thức cố gắng kiên trì để lấy con chữ.
"Sau mấy tháng học tập, hầu hết các học viên từ không biết gì, đến nay mọi người đều đã biết đọc, viết và biết tính toán các bài toán đơn giản", thầy Khoa chia sẻ.
Thầy Khoa bên lớp học thân thương của mình. |
Là học viên lớn tuổi nhất lớp, bà Tẩn Sen Cuổi (50 tuổi, trú tại xã Lản Nhì Thàng) chia sẻ: “Trước đây, do cuộc sống khó khăn phải đi làm nương rẫy theo bố mẹ nên không được đi học. Khi đi họp bản phải ký tên nhưng do không biết viết chữ nên không biết ký. Được nhà trường mở lớp xóa mù chữ tại bản, tôi đã đăng ký theo học. Bây giờ tôi đã biết đọc, viết và biết làm được các phép tính cộng, trừ”.
Thầy Lý Duy Khánh - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, xã Lản Nhì Thàng có 3 lớp dạy xóa mù chữ lần lượt ở các điểm bản Hồng Thu, Lản Nhì Thàng, Cung Mù Phìn với tổng số 94 học viên. Để thuận lợi cho việc dạy học, nhà trường lựa chọn những giáo viên có kinh nghiệm và ưu tiên thầy cô dạy học tại các điểm bản mở lớp xóa mù chữ. Bởi vì thầy cô sẽ quen địa bàn, quen người dân nên giao tiếp dễ hơn. Trong thời gian nghỉ hè, trường hợp giáo viên đứng lớp xóa mù chữ có nhu cầu nghỉ phép thì nhà trường sẽ bố trí người dạy thay.
Theo kế hoạch, thời gian giảng dạy chương trình xóa mù chữ bắt đầu từ tháng 3/2024 và kết thúc vào tháng 9/2025 gồm 5 kỳ học, nội dung dạy học tương đương với kiến thức của học sinh từ lớp 1 đến lớp 5.