Anh tiến hành cuộc trưng cầu ý dân lịch sử

(PLO) - Hàng triệu người Anh ngày 23/6 đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân có thể đưa đến việc nước này rời khỏi khối Liên minh châu Âu (EU) và đưa đến tình hình khẩn cấp nghiêm trọng nhất trong lịch sử 60 năm của khối.
Thủ tướng Anh và phu nhân rời điểm bỏ phiếu. Ảnh: AFP
Thủ tướng Anh và phu nhân rời điểm bỏ phiếu. Ảnh: AFP

Theo AFP, đã có 46,5 triệu cử tri Anh đăng ký đi bỏ phiếu để quyết định tương lai của nước này trong khối EU. Sáng 23/6, trên hầu khắp các khu vực ở phía Đông Nam nước Anh, nhiều cử tri đã bất chấp mưa lớn và sấm sét để tới các điểm bỏ phiếu. Tại đây, họ sẽ đưa ra câu trả lời của riêng mình cho câu hỏi: “Nước Anh nên tiếp tục là thành viên của EU hay rời khỏi EU?”. 

Theo Reuters, các điểm bỏ phiếu tại 382 khu vực bỏ phiếu ở Anh mở cửa lúc 06h00 GMT và đóng cửa lúc 21h00 cùng ngày. AFP cho biết, vì không có các cuộc thăm dò sau bỏ phiếu nên kết quả của cuộc trưng cầu dự kiến sẽ được công bố sớm nhất là khoảng 3h00 GMT ngày hôm nay (24/6).

AFP cho biết, giữa những người Anh đang có những quan điểm khác biệt sâu sắc về vấn đề tư cách thành viên của EU. Trong ấn bản phát hành ngày 23/6, tờ Sun chạy dòng tít “Ngày độc lập” để thể hiện sự ủng hộ việc Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit trong khi tờ The Times gọi đây là “Ngày Phán xét”.

Phát biểu ngày 22/6, cựu Thị trưởng London Boris Johnson – người thường được cho là có triển vọng trở thành Thủ tướng tương lai của Anh – khẳng định những người ủng hộ việc Anh rời EU sẽ giành chiến thắng. “Tôi nghĩ rằng chúng ta đang tới gần một sự kiện đặc biệt trong lịch sử đất nước và thực ra là cả châu Âu” – ông Johnson tuyên bố. 

Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron – người đang đối mặt với những kêu gọi từ chức nếu số người bỏ phiếu “Rời khỏi” EU nhiều hơn – trong bài phát biểu cuối cùng trước cuộc trưng cầu đã khẩn nài người dân Anh ở lại EU. “Winston Churchill đã không từ bỏ dân chủ châu Âu và chúng ta không nên rời khỏi. Nền kinh tế của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu chúng ta rời khỏi khối” – ông Cameron nói.

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận trước bỏ phiếu đưa ra các kết quả khác nhau, với độ chênh lệch rất thấp. Một trong những cuộc thăm dò cuối cùng trước bỏ phiếu đã có 48% người (khi được Công ty ComRes tiến hành thăm dò qua điện thoại cho tờ Daily Mail và ITV News) cho biết họ ủng hộ việc Anh tiếp tục “Ở lại” EU trong khi 42% ủng hộ phương án “Rời khỏi”. 10% người còn lại cho biết họ chưa quyết định. Trong khi đó, kết quả 2 cuộc thăm dò khác được công bố ngay trước cuộc trưng cầu cho kết quả số người ủng hộ phương án “Rời khỏi” cao hơn khoảng 1 hoặc 2% so với phương án còn lại.

Giới lãnh đạo châu Âu cũng đã cảnh báo người Anh rằng họ sẽ không thể đổi ý nếu đã bỏ phiếu ủng hộ Anh rời EU. “Rời khỏi là rời khỏi” - Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố ngày 22/6, bác bỏ khả năng tiến hành đàm phán về tư cách thành viên của Anh sau khi có kết quả bỏ phiếu của người dân nước này. Các định chế tài chính trên thế giới cho biết họ đang gấp rút chuẩn bị để đối phó với các tình huống có thể xảy đến.

Cuộc bỏ phiếu ở Anh cũng đã dấy lên những lo ngại về hiệu ứng domino về các cuộc bỏ phiếu tương tự ở các nước khác, gây nguy hiểm tới tính toàn vẹn của khối vốn đang sa lầy trong cuộc khủng hoảng người di cư, khủng hoảng kinh tế và mối đe dọa ngày càng tăng của chủ nghĩa khủng bố. Dự kiến các nhà lãnh đạo EU trong tuần tới sẽ tiến hành cuộc họp 2 ngày tại Brussels để bàn về các biện pháp đối phó với kết quả của cuộc trưng cầu ý dân và cách thức đối phó với khả năng diễn ra những cuộc bỏ phiếu tương tự trong thời gian tới. 

Đọc thêm