"Anti Nữ hoàng đạo lý" Hương Giang và câu chuyện “quyền được chê” nghệ sĩ

(PLVN) - Antifan là lực lượng xuất hiện một cách hiển nhiên trong làng giải trí trong nước và quốc tế, bất cứ nghệ sĩ nào có tiếng cũng phải đối mặt. Antifan nếu hoạt động tiết chế, văn minh còn là “tấm gương” để nghệ sĩ soi mình.
Hương Giang trở thành nghệ sĩ có nhiều antifan số 1 Việt Nam.
Hương Giang trở thành nghệ sĩ có nhiều antifan số 1 Việt Nam.

Mới được lập cách đây vài ngày, nhưng group có tên "Anti Nữ hoàng đạo lý" nhanh chóng gây sốt, giờ đây vượt qua con số 100.000 thành viên, khiến Hương Giang trở thành nghệ sĩ có nhiều antifan số 1 Việt Nam.

Ban đầu, nhóm này được đặt ra vì có một số khán giả không thích việc Hương Giang xuất hiện trên truyền hình với tần suất quá dày đặc, đồng thời chiếm sóng nhiều kênh, trang mạng xã hội, đặc biệt cô rất hay nói những câu kiểu “tuyên ngôn” sống, cẩm nang sống, bí quyết sống tốt… cho mọi người, gây ra phản cảm.

Sau đó, group này càng ngày càng đông bởi nhiều người tìm được không ít lý do để “ghét” hoa hậu. Ví dụ như cô từng “gây hấn” với một nữ nghệ sĩ chuyển giới, “hỗn” với nghệ sĩ Trung Dân, phát ngôn tiền hậu bất nhất, “diễn” quá lố, hay PR cho nhãn hàng kem trộn…

Có thể thấy, vấn đề của nhóm antifan đặt ra, là có chung những lý do để “ghét” hoa hậu chuyển giới. Và những lý do này, đa số được họ cung cấp, trích dẫn từ hình ảnh, lời nói, mọi hoạt động có thật mà Hương Giang đã thực hiện.

Có thể khẳng định, nghệ sĩ nổi tiếng, bên cạnh việc được hâm mộ và những hào quang, lợi lộc từ sự hâm mộ ấy thì hầu như ai cũng sở hữu một lượng antifan, dù ít dù nhiều. Kể cả những nhân vật nổi danh của làng giải trí thế giới, như Tom Cruise, Brad Pitt, Anglelina… cũng đã không ít lần đối mặt với những luồng chỉ trích từ phía những khán giả ghét mình.

Trong showbiz Việt, có không ít nhóm antifan hoạt động rất mạnh, như antifan của nhà văn Gào, antifan của Hồ Ngọc Hà và một số nhóm antifan của nghệ sĩ khác. Họ hoạt động đã rất lâu năm, sức ảnh hưởng không nhỏ, nhưng hầu hết nghệ sĩ, dù không vui, khó mà “kiện tụng” được họ.

Thứ nhất, bởi nhiều nghệ sĩ hiểu tấn công ngược antifan, dù có thắng hay thua thì về hình ảnh cũng ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều quan trọng hơn là thực chất, nhiều người nghĩ rằng antifan là những người trẻ, bồng bột. Thực tế, trong số họ có không ít người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng, có vị trí trong xã hội như luật sư, người làm báo, chuyên gia…

Chính vì thế, với các nhóm antifan bài bản, họ có đặt ra những quy tắc rất rõ ràng, luận điểm có bằng chứng, tranh luận văn minh… Thậm chí, nhiều nhóm hoạt động còn được sự tư vấn kĩ càng của người làm trong ngành luật để tránh vi phạm pháp luật.

Xét cho cùng, antifan nếu hoạt động văn minh, không phạm pháp thì hoàn toàn hợp lý, vì ai mà chẳng có người thương, kẻ ghét, huống chi là người nổi tiếng, mọi hành vi cử chỉ đều phơi bày dưới mắt công chúng.

Thực ra, nếu nghệ sĩ cầu thị, còn có thể nhận ra những lý do mà antifan ghét mình, những điều họ chỉ ra chính là tấm gương soi để nghệ sĩ điều chỉnh bản thân. Không ít nghệ sĩ, với tinh thần cầu thị, cư xử khéo léo còn biến một bộ phận antifan thành fan của mình, khiến nhiều antifan nể phục.

Còn, tấn công ngược hay dọa dẫm những khán giả có lý do để không yêu thích mình, chính là đối đầu với cối xay gió mà thôi.