Theo đó, Chính phủ thống nhất thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Có nhiều nhiệm vụ được giao cho các bộ như Bộ KH&ĐT hoàn chỉnh dự thảo cơ chế, chính sách đặc thù; Bộ Tư pháp thẩm định, hoàn thiện trình Chính phủ cho ý kiến, chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội...
Còn nhiều việc để làm, tuy nhiên, phải thừa nhận “khung khổ” cơ chế chính sách đang “bó” TP HCM. Hay nói cách khác, “tấm áo” cơ chế chính sách “khoác” lên TP HCM đã chật.
Trong 5 năm thực hiện thí điểm (theo Nghị quyết 54/2017/QH14), bên cạnh thành tựu, TP HCM đang đối diện với nhiều thách thức mới, ngày càng gia tăng. Theo ghi nhận, đà tăng trưởng của TP HCM đã chậm lại, nhiều động lực giảm sút, giai đoạn gần nhất 2016 - 2020 tốc độ tăng trưởng chỉ còn 6,41%/năm.
Chất lượng tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra, hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; khó khăn trong việc thăng tiến lên nấc cao hơn của chuỗi giá trị và xác lập cơ cấu kinh tế hiện đại; trong đó có yếu tố hoạt động của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao chưa có sự đột phá, chưa thu hút được nhiều tập đoàn lớn. TP chưa phát huy được thế mạnh của một trung tâm khoa học - công nghệ trong việc nâng cao năng suất và chất lượng phát triển, chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Sự vượt trội của TP HCM so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, hệ thống giao thông, hạ tầng chưa có bước đột phá, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương và phục vụ đời sống nhân dân. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan (nhất là đại dịch COVID-19) còn có nguyên nhân chủ quan, đặc biệt, vướng mắc liên quan cơ chế, chính sách, thiếu quy định hướng dẫn.
Nói đến TP HCM là chúng ta nói đến một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; là đầu tàu, là động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước.
Tại buổi làm việc với Thành ủy TP HCM ngày 23/9/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành liên quan ở Trung ương theo chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ của mình, sớm nghiên cứu, xem xét và làm việc trực tiếp với TP để giải quyết cụ thể những đề xuất, kiến nghị của TP với tinh thần "TP HCM vì cả nước" và "Cả nước vì TP HCM"; tạo điều kiện tốt nhất có thể để TP HCM phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.
Thực tiễn đang đòi hỏi cần thiết phải có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14, tạo điều kiện cho TP HCM khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển trở lại, lan tỏa, dẫn dắt kinh tế cả nước.