Đổi thay ở Lục Yên nhờ vốn tín dụng chính sách

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Những con đường bê tông hóa, rừng xanh phủ kín đồi, mô hình chăn nuôi, trồng trọt vươn lên làm giàu... là minh chứng rõ nét cho sự đổi thay ở Lục Yên (Yên Bái) sau hơn 20 năm đồng hành cùng nguồn vốn tín dụng chính sách. Từ vùng đất nghèo khó, nơi đây đang dần trở thành điểm sáng phát triển kinh tế - xã hội vùng cao.

Tín dụng chính sách phủ kín khắp bản làng vùng sâu vùng xa

Là một huyện miền núi, Lục Yên có tới 18 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 80% cùng 3/4 thôn bản ở vùng sâu, vùng xa, đây còn là nơi có địa hình phức tạp với những đèo cao, rừng thẳm hiểm trở dễ gây nhiều khó khăn về giao thông, sản xuất và đời sống nhân dân

Chính vì vậy công cuộc xóa đói giảm nghèo, từng bước vươn lên phát triển ở miền núi cao Lục Yên là cả một hành trình nỗ lực, sự chung sức chung lòng của cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc nơi đây.

Ban đại diện HĐQT - NHCsXH huyện Lục Yên họp triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Ban đại diện HĐQT - NHCsXH huyện Lục Yên họp triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Bí thư Huyện ủy Lục Yên - ông Đinh Khắc Yên khẳng định, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng, thiết thực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tạo sinh kế việc làm cho người dân đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 7,06% cuối năm 2023 xuống 2,77% vào cuối năm 2024.

Theo báo cáo của Ban đại diện HĐQT - Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Lục Yên, trong 22 năm (2003-2025) hoạt động NHCSXH Lục Yên luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Lục Yên, sự phối hợp của các phòng ban, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân cùng với sự nỗ lực của tập thể Phòng giao dịch đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch được giao, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm và an sinh xã hội tại địa phương.

Cũng trong 22 năm qua, NHCSXH huyện Lục Yên đã tổ chức tiếp nhận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH cấp trên và huy động từ các tổ chức cá nhân, đặc biệt từ ngân sách địa phương; đồng thời sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Tổng nguồn vốn đến 30/4/2025 đạt 873.105 triệu đồng, tăng so với đầu năm là 28.544 triệu đồng, tăng hơn 33 lần so với năm 2003.

Giám đốc NHCSXH huyện Lục Yên - ông Dương Quốc Tuấn.

Giám đốc NHCSXH huyện Lục Yên - ông Dương Quốc Tuấn.

Giám đốc kiêm Bí thư chi bộ Đảng NHCSXH huyện Lục Yên - ông Dương Quốc cho biết, hơn hai thập kỷ hoạt động, tín dụng chính sách xã hội đã khẳng định vai trò quan trọng của mình trong tiến trình phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện. Điều đó được thể hiện bằng hiệu quả từ nguồn vốn đầu tư, dư nợ của NHCSXH huyện đến đầu tháng 5/2025 là gần 874 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tín dụng trên địa bàn. Qua đó cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của NHCSXH trong việc đầu tư phát triển kinh tế, tạo sự cân bằng giữa tín dụng chính sách và tín dụng thương mại trên địa bàn huyện.

Đặc biệt, trong 22 năm hoạt động của NHCSXH đã cho vay được trên 30 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có cơ hội tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh với mục đích không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn vươn lên làm giàu chính đáng. Từ năm 2024 đến nay, tổng số tiền cho vay lên 246.053 triệu đồng với 4.400 lượt khách hàng được vay vốn chủ yếu tập trung ở các chương trình hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, sản xuất kinh doanh, nước sạch vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm…

Với hiệu quả đầu tư trồng mới và cải tạo 3.845 ha rừng các loại; chăn nuôi 6.040 con gia súc, gia cầm; 486 mô hình vay vốn các dự án cơ sở sản xuất, dịch vụ ăn uống, buôn bán các mặt hàng thế mạnh của huyện như đá phong thủy, làm tranh đá quý, các sản phẩm nông nghiệp giá trị cao, tạo việc làm ổn định cho trên 500 lao động; sửa chữa và xây mới 1.382 công trình nước sạch, 1.382 công trình vệ sinh; cho vay 3 hộ gia đình có người vừa chấp hành xong án phạt tù để khôi phục, phát triển kinh tế gia đình, tái hòa nhập cuộc sống trong cộng đồng…

Từ nguồn vốn ưu đãi cuộc hành trình vì an sinh và công bằng xã hội nơi miền núi cao Lục Yên đang về tới đích thành công; đồng bào các dân tộc ngày càng no đủ, tươi sáng. Huyện đã khai thác tiềm năng thế mạnh trong nông nghiệp, thực hiện nhiều giải pháp xây dựng kế hoạch về tiêu chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, chuyển các vùng sản xuất phù hợp sang nông nghiệp hữu cơ, VietGap…

Hiện nay, huyện đã hình thành vùng sản xuất lúa trên 600 ha, vùng ngô diện tích ổn định trên 5.100 ha, vùng lạc 100 ha và trên 1.000 ha cây ăn quả có múi; có 3 HTX được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGap; toàn huyện có trên 5.000 ha quế; trên 900 ha tre lấy măng; 16 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh…

Điểm giao dịch xã của NHCSXH Lục Yên giải ngân tháng 4/2025.

Điểm giao dịch xã của NHCSXH Lục Yên giải ngân tháng 4/2025.

Với nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình chị Mã Thị Nhật và anh Nông Văn Trà ở xã Lâm Thượng từ hộ cận nghèo vươn lên thành hộ khá của xã.

Tương tự, vợ chồng chị Nông Thị Nhiệm, thôn Trang, xã Tân Lĩnh vốn chỉ sản xuất nông nghiệp và buôn bán nhỏ nên thu nhập bấp bênh, bao năm cái nghèo vẫn quẩn quanh. Năm 2018, chị Nhiệm được Hội LHPN xã ủy thác với NHCSXH cho vay 50 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, mua 700 con gà về nuôi.

Chị Nông Thị Nhiệm tâm sự: “Từ nguồn vốn vay cộng với tích cóp của gia đình, tôi đã phát triển kinh tế từ chăn nuôi gà. Đây là giống gà ri Tam Hồng gia đình mua từ địa chỉ uy tín tại Vĩnh Phúc. Gà nuôi theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1, úm 20-25 ngày cho ăn cám viên và cho thuốc phòng dịch, giai đoạn 2, gà ăn ngô lúa thả vườn nên thịt thơm ngon, bán được giá, từ đó gia đình được công nhận thoát nghèo, nay còn vươn lên trở thành hộ khá giả của xã”.

Cùng với xã Tân Lĩnh thời gian qua, Hội Phụ nữ xã An Phú đã hỗ trợ nhiều hộ hội viên phát triển kinh tế. Chị Sầm Thị Mới – Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: “Từ nguồn vốn vay ưu đãi và vận động các nguồn lực xã hội hóa, năm qua Hội Phụ nữ xã quyết tâm hỗ trợ 4 hộ thoát nghèo, vượt chỉ tiêu giao 2 hộ. Trong đó, 3 hộ các chị: Hoàng Thị Trấn, Lê Thị Vị, Lạc Thị Đằng, cùng ở thôn Cao Khánh khó khăn về nhà ở được hỗ trợ xóa nhà dột nát từ nguồn xã hội hóa đến nay đã xong nhà.

Tín dụng chính sách củng cố lòng tin của dân với Đảng và Nhà nước

Qua 22 năm triển khai tín dụng chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, đặc biệt sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đến nay NHCSXH huyện Lục Yên đang thực hiện 13 chương trình tín dụng chính sách với mạng lưới 24 Điểm giao dịch lưu động tại xã và 344 tổ Tiết kiệm và vay vốn có dư nợ của NHCSXH.

Nhờ nguồn vốn tín dụng, nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo.

Nhờ nguồn vốn tín dụng, nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo.

Hoạt động của NHCSXH đã giúp các hộ nghèo và các gia đình đồng bào DTTS khó khăn có điều kiện thuận lợi tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện chính sách phát triển kinh tế gắn liền với giảm nghèo của huyện bảo đảm an sinh xã hội, đã tạo dựng được lòng tin trước Đảng, chính quyền các cấp, các ngành và đông đảo đồng bào dân tộc bước đầu tạo thế và lực cho NHCSXH Lục Yên vững bước đi lên.

Giám đốc NHCSXH huyện Lục Yên - ông Dương Quốc Tuấn cho biết thêm: Từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan ban ngành đã tạo điều kiện cho NHCSXH tập trung huy động các nguồn lực tài chính về một đầu mối, trong đó chú trọng khai thác nguồn vốn ngân sách tại địa bàn hoạt động, nâng tổng nguồn vốn hoạt động lên 873 tỷ đồng.

Cán bộ tín dụng chính sách vùng cao Lục Yên luôn bám sát cơ sở , gắn bó với hộ dân nghèo trong việc hướng dẫn họ vay vốn , sử dụng vốn hiệu quả.

Cán bộ tín dụng chính sách vùng cao Lục Yên luôn bám sát cơ sở , gắn bó với hộ dân nghèo trong việc hướng dẫn họ vay vốn , sử dụng vốn hiệu quả.

Nổi bật vào những ngày cuối thu năm ngoái, những cán bộ tín dụng chính sách Lục Yên đã lăn lộn hối hả chuyển tải gần 30 tỷ đồng tới tận tay hơn 450 hộ dân vay vốn, sử dụng vốn ưu đãi khắc phục bão lũ số 3, phủ xanh lại hàng nghìn ha ngô lúa, rừng cây, quế, keo lá chàm. Riêng tháng tư mới đây, cùng những cán bộ tín dụng ấy còn tận tâm, bám sát cơ sở thôn bản giúp dân vay nhanh chóng, thuận lợi 19.892 triệu đồng góp lực nâng tổng dư nợ đến 30/4/2025 đạt 872.397 triệu đồng, để đầu tư phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới, thực hiện giảm nghèo nhanh, bền vững.

Cán bộ tín dụng chính sách Lục Yên gắn bó bám sát cơ sở và hộ nghèo vay vốn ưu đãi.

Cán bộ tín dụng chính sách Lục Yên gắn bó bám sát cơ sở và hộ nghèo vay vốn ưu đãi.

Đúng như đánh giá của lãnh đạo Ngân hàng cấp trên và địa phương. Kết quả giảm nghèo ấn tượng của huyện Lục Yên từ 7,06% cuối năm 2023 xuống 2,77% vào cuối năm 2024, giảm tỷ lệ hộ cận nghèo từ 6,74% cuối năm 2023 xuống 5,27% vào cuối năm 2024 có phần chung sức, đồng lòng của NHCSXH trong vai trò “trụ cột” cùng những cán bộ tín dụng chính sách được ví như những “sứ giả” tín dụng chính sách góp khúc khải hoàn ca giữa miền Tây Bắc.

Đọc thêm