Ảo tưởng cô dâu ngoại!

Bắt đầu từ tháng 8 tới, đàn ông Hàn Quốc muốn lấy vợ nước ngoài phải theo học lớp “đạo đức hôn nhân” và phải vượt qua kỳ thi cuối khóa.

Bắt đầu từ tháng 8 tới, đàn ông Hàn Quốc muốn lấy vợ nước ngoài phải theo học lớp “đạo đức hôn nhân” và phải vượt qua kỳ thi cuối khóa.

Cưới vợ chứ không phải mua vợ
Trong số 309.759 cặp vợ chồng kết duyên với nhau ở Hàn Quốc hồi năm ngoái, có tới 33.300 cặp (chiếm khoảng 10%) khác nhau về chủng tộc.

Thạch Thị Hồng Ngọc, cô dâu vừa bị chồng người Hàn Quốc đánh chết, trong ngày cưới.

Hiện ở Hàn Quốc có khoảng 136.000 người vợ nhập cư, trong đó có khoảng 110.000 phụ nữ đến từ Trung Quốc, Mông Cổ và các nước Đông Nam Á. Trong khi đó, ở các khu vực nông thôn nước này, cứ 10 người đàn ông thì có 4 người có vợ mang quốc tịch châu Á.

 Tuy nhiên, rất nhiều phụ nữ kết hôn với đàn ông Hàn Quốc chỉ vừa mới quen người chồng tương lai của mình ngay trước đám cưới và chẳng bao lâu sau họ đã phải nghĩ tới một cuộc ly hôn cay đắng. 

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Tư pháp Hàn Quốc hôm 12/7 thông báo một kế hoạch mới, bắt buộc những người đàn ông Hàn Quốc muốn lấy vợ nước ngoài phải theo học các khóa học về “đạo đức hôn nhân”.

Các khóa học sẽ bắt đầu vào tháng 8 tới tại các văn phòng nhập cư trước khi những người đàn ông này tới Trung Quốc hoặc các nước trong khu vực Đông Nam Á để tìm kiếm nửa kia của cuộc đời mình.

Mỗi một khóa học này sẽ kéo dài 3 tới 4 tiếng đồng hồ. Giáo viên sẽ tập trung vào việc giảng cho những “học sinh” nam biết họ sẽ sai nếu nghĩ rằng họ sắp mua một cô vợ và che giấu các thông tin về bản thân trước khi kết hôn, chẳng hạn như hoàn cảnh gia đình, sức khỏe…

 Chính phủ Hàn Quốc sẽ không cấp visa cho những cô dâu nước ngoài nào chấp nhận lấy những người đàn ông không vượt qua được các khóa học này.

Chính phủ can thiệp
Những câu chuyện về các vụ bạo hành đối với các cô dâu nước ngoài ngày càng tăng lên ở Hàn Quốc đã thúc giục một ủy ban của LHQ năm ngoái khuyến nghị Chính phủ Hàn Quốc phải hành động.

Và ngay sau vụ một cô dâu Việt bị người chồng Hàn Quốc giết hại cuối tuần trước, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra biện pháp mới trên đây. Cho dù đã muộn để có thể cứu một số cô dâu bất hạnh, song biện pháp này phản ánh một sự thay đổi trong chính sách của Hàn Quốc đối với vấn đề hôn nhân quốc tế.

Cho đến nay, Chính phủ nước này chưa từng can thiệp vào các cuộc hôn nhân quốc tế, mà vẫn coi đó là vấn đề cá nhân của những người liên quan. Việc duy nhất mà Chính phủ Hàn Quốc đã làm trong thời gian qua là yêu cầu các bà vợ người nước ngoài theo học các khóa học về văn hóa Hàn Quốc.

Theo đánh giá của báo chí Hàn Quốc, quy định mới trên đây là cần thiết để điều chỉnh vấn đề hôn nhân quốc tế ở nước này.

Bên cạnh quy định bắt buộc đối với những người đàn ông muốn kết hôn với người nước ngoài, việc giám sát chặt chẽ hơn các công ty môi giới cũng hết sức quan trọng để đảm bảo rằng các công ty này không chỉ tuân thủ các thủ tục về nhập cư mà còn tuân thủ các tập quán xã hội.

Ngoài ra, những người đàn ông Hàn Quốc thực hiện những chuyến đi ra nước ngoài tìm vợ cũng phải cung cấp thông tin chính xác về bản thân mình cho những người vợ tương lai của mình biết rõ. Những ai đã bị kết tội bạo hành hoặc bị phá sản và những người muốn tìm vợ trẻ tuổi hơn rất nhiều đều bị cấm lấy vợ ngoại quốc.

Cảnh giác với các ông mai, bà mối
Những phụ nữ nước ngoài muốn kết hôn với đàn ông Hàn Quốc thường tìm kiếm chú rể qua những người môi giới hôn nhân. Các ông mai, bà mối sẽ thu xếp các cuộc gặp gỡ, thường là trong khách sạn, theo từng nhóm, đôi khi có thể lên tới 100 phụ nữ.

Thông thường, các công ty môi giới thu khoảng 10 triệu won tiền hoa hồng mỗi vụ. Một khi được lựa chọn, người phụ nữ nước ngoài sẽ “được” kết hôn chóng vánh, rồi tới Hàn Quốc sinh sống với vị hôn phu của mình với bao niềm hy vọng về một tương lai sáng sủa.

 Thậm chí, sau khi gặp gỡ chỉ vài ngày, một đám cưới đã có thể được tổ chức tại nhà của cô dâu và sau đó chú rể trở lại Hàn Quốc trong khi công việc hoàn tất giấy tờ lại do cô dâu đảm nhiệm.

Trong những vụ hôn nhân kiểu này, các công ty môi giới thường xuyên che giấu thông tin không hay về chú rể, chẳng hạn như tuổi của người đàn ông hay những điểm yếu của họ. Có tới hơn 1.200 người môi giới kết hôn đăng ký ở Hàn Quốc, song 77% số này hoạt động nhỏ lẻ.

Câu chuyện về vụ cô dâu trẻ Việt Nam xấu số (cô Thạch Thị Hồng Ngọc) bị người chồng Hàn Quốc giết hại chỉ 8 ngày sau khi đặt chân tới đất nước kim chi mới đây lại một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh báo đối với những phụ nữ nước ngoài muốn lấy chồng Hàn Quốc, nhưng không biết nhiều về vị hôn phu của mình.

Cô gái trẻ, mới 20 tuổi, có thể không bao giờ đồng ý kết hôn một người chồng 47 tuổi, nếu như cô biết người đàn ông này bị bệnh tâm thần từ 8 năm nay và trong khoảng thời gian đó đã nhập viện để điều trị tâm lý 57 lần, thậm chí là ngay trước khi sang Việt Nam ông ta đã phải nằm viện 5 ngày.

Có 3 tội phạm có âm mưu đẩy người phụ nữ trẻ này rơi vào một bi kịch khi cung cấp thông tin sai về chồng cô: sự vô lương tâm của người đàn ông Hàn Quốc và gia đình ông này, những người mai mối mờ mắt vì tiền, và trách nhiệm của chính quyền./. 

Phúc Lợi (Theo Koreaherald, Koreatimes)
 

Con số thống kê chính thức cho thấy, 47% các cô dâu ngoại tới Hàn Quốc năm ngoái là người Việt, 26% từ Trung Quốc và 10% từ Campuchia. Một số nhà hoạt động xã hội cho biết, các cô dâu ngoại ảo tưởng bởi những lời quảng cáo và hứa hẹn về một cuộc sống sung sướng, nhưng thực tế lại cưới phải những người đàn ông Hàn Quốc nghèo nghèo khó, nghiện rượu, bệnh tật hoặc mắc bệnh tâm thần.

Đọc thêm