APEC tìm hướng phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số

(PLO) - Ngày 11/5, tại Hà Nội, Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM 2) APEC và các cuộc họp liên quan diễn ra với 11 phiên thảo luận của các nhóm làm việc. 
Ban Chủ tọa tại Hội thảo.
Ban Chủ tọa tại Hội thảo.

Cách mạng công nghệ - thách thức và lợi ích song hành

Trong chuỗi sự kiện Đối thoại Chính sách cao cấp APEC 2017 về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực đã tổ chức Hội thảo về Thế giới việc làm và thông tin thị trường lao động trong kỷ nguyên kỹ thuật số.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Doãn Mậu Diệp cho biết, toàn cầu hóa và cách mạng công nghệ đang đặt ra những thách thức ngày càng to lớn đối với các nền kinh tế APEC nói chung và Việt Nam nói riêng. 

Theo Bộ LĐTB&XH, tại Việt Nam, 75% lao động trong ngành điện tử và 86% trong ngành dệt may, da giày đang đối mặt với nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa. Trong bối cảnh như vậy, theo Thứ trưởng Diệp, Chính phủ Việt Nam đã xác định nhiệm vụ phải đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đồng thời phát huy tiềm lực khoa học, công nghệ, tăng nhanh năng suất lao động xã hội và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho rằng chuyển dịch cơ cấu lao động vẫn là hướng chính để tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, tính đến năm 2016, trong tổng số 54,36 triệu lao động cả nước chỉ có hơn 11,21 triệu lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ, chiếm 20,6%. Bên cạnh đó, cơ cấu lao động qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, chưa cân đối giữa các ngành đào tạo, đặc biệt là lao động được đào tạo trong các ngành kỹ thuật – công nghệ còn chiếm tỷ trọng thấp. Hiện nay, Việt Nam đang thiếu hụt lao động có trình độ cao, công nhân lành nghề cũng như nhân lực trình độ cao làm việc trong các ngành, các lĩnh vực có tác động mạnh tới tốc độ tăng trưởng cao và bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. 

Cho rằng trách nhiệm của các nền kinh tế APEC là làm sao để người lao động có thể tiếp cận được, có thể sống được, hòa nhập được khi thế giới trải qua cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Thứ trưởng Diệp bày tỏ hy vọng các nền kinh tế thành viên APEC thông qua đối thoại sẽ tạo ra được một khuôn khổ hợp tác về phát triển nhân lực trong kỷ nguyên số.

Các ý kiến được đưa ra tại Hội thảo nhất trí cho rằng công nghệ và số hóa sẽ có những đóng góp quan trọng trong quá trình cải thiện năng suất, tăng sản lượng kinh tế và tạo công ăn việc làm. Tuy nhiên, quá trình này cũng tiềm ẩn những nguy cơ như làm cho một số công việc trở nên lỗi thời, tăng tính dễ bị tổn thương và việc làm phi chính thức. Các đại biểu cũng chia sẻ các kinh nghiệm, mô hình đào tạo nghề, chính sách về thị trường lao động, an sinh xã hội và những giải pháp để các nền kinh tế chủ động hợp tác trong tiến trình phát triển bền vững.

Tăng cường kết nối khoa học, công nghệ trong khu vực

Cũng trong ngày 11/5, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì cuộc họp thứ 10 Nhóm Cơ chế Đối tác chính sách Khoa học, công nghệ và đổi mới APEC (PPSTI-10). Phát biểu khai mạc cuộc họp, TS.Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - bày tỏ mong muốn các nền kinh tế thành viên APEC sẽ cùng nhau tăng cường phát triển, thúc đẩy các chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho nghiên cứu khoa học, đổi mới dựa vào thị trường, tạo điều kiện cho việc xây dựng năng lực, kết nối khoa học công nghệ khu vực. 

Tại Đối thoại Chính sách Thương mại (TPD) về dịch vụ môi trường do Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI) tổ chức cùng ngày, các đại biểu đã chia sẻ các thông tin liên quan tới việc phân loại dịch vụ môi trường; các kết quả nghiên cứu về sự kết hợp giữa các sản phẩm môi trường và các dịch vụ môi trường; thảo luận về các vấn đề APEC có thể hỗ trợ các quốc gia thành viên trong công tác thúc đẩy đàm phán về dịch vụ môi trường. Ông Mitsuhiro Fukuyama - Giám đốc phụ trách kinh tế, thương mại và công nghiệp của APEC - cho rằng, các nền kinh tế APEC cần chú trọng đến việc phát triển các dịch vụ môi trường để vừa thúc đẩy tăng trưởng bền vững vừa đảm bảo môi trường trong sạch.

Tham tán thương mại và môi trường của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) Karsten Steinfatt cũng nhận định, trong bối cảnh hiện nay, cần phải hài hòa các lợi ích thương mại và môi trường; như vậy, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội để đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ môi trường vì lĩnh vực này đóng một vai trò quan trọng thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài cũng như tạo lợi thế cạnh tranh trong hoạt động xuất khẩu của các nước.

Các đại biểu dự đối thoại cũng đề cập đến một số vấn đề liên quan đến kinh doanh năng lượng tái tạo, trong đó có những thách thức về mặt quy định có thể cản trở sự phát triển của ngành năng lượng này.