Argentina: Nữ cựu Tổng thống giết người diệt khẩu?

(PLO) -Việc lần đầu tiên có chánh án xác định đây là một vụ giết người đã khiến cho những cáo buộc pháp lý đối với nữ cựu Tổng thống Cristina Fernandez Kirchner càng trở nên “hấp dẫn và thú vị”....
Bà Kirchner mừng đắc cử Thượng nghị sĩ
Bà Kirchner mừng đắc cử Thượng nghị sĩ

Tuyên bố tại phiên tòa hôm 26-12-2017, Chánh án liên bang Julian Ercolini khẳng định, có đầy đủ chứng cứ để kết luận, viên đạn trong đầu công tố viên trưởng Alberto Nisman không phải do tự sát – ông đã bị giết. 

Cái chết nhiều uẩn khúc

Theo bản cáo trạng dày 656 trang, Chánh án liên bang Julian Ercolini tuyên bố, cái chết của ông Alberto Nisman không thể là tự sát, và sau cái chết của công tố viên trưởng, nhiều sự kiện xảy ra khiến nhiều quan chức công khai đề cập tới ý tưởng “công tố viên trưởng Alberto Nisman tự tìm đến cái chết”.

Một ngày trước khi ông Alberto Nisman đến tòa để trình bày cáo trạng, tố cáo bà Cristina Fernandez Kirchner và các quan chức cấp cao bao che Iran, người ta tìm thấy công tố viên trưởng chết trong bồn tắm tại nhà riêng, với một viên đạn vào đầu (tháng 1-2015). Ông Alberto Nisman bị giết trước khi chính thức tố cáo bà Cristina Fernandez Kirchner bao che vụ Iran đánh bom một trung tâm cộng đồng của người Do Thái ở thủ đô Buenos Aires hôm 18-7-1994, khiến 85 người chết và 300 người bị thương. Vì cái chết của ông Alberto Nisman, người đầu tiên thụ lý vụ án này nên phiên tòa phải tạm ngưng vì thiếu bằng chứng. 

Theo giới truyền thông, vì dám tố cáo bà Cristina Fernandez Kirchner phản quốc, nên ông Alberto Nisman mới bị giết. Khi đó, Israel cáo buộc Iran đứng sau cái chết của 85 người và đó là vụ tấn công tàn bạo nhất nhằm vào người Do Thái kể từ sau Thế chiến II.

Khi tại nhiệm bà Cristina Fernandez Kirchner đã ký một thỏa thuận với Iran, trong đó cho phép các quan chức cấp cao Iran bị cáo buộc tổ chức vụ đánh bom trung tâm AMIA của người Do Thái này được điều tra ở nước họ, thay vì ở Argentina. Đổi lại, Argentina được hưởng nhiều ưu đãi trong hợp đồng mua dầu mỏ từ quốc gia Trung Đông này. Theo tờ The Guardian, thỏa thuận khi đó giữa bà Cristina Fernandez Kirchner với Iran được Quốc hội Argentina thông qua, nhưng Tehran không phê duyệt nên không có hiệu lực.

Ông Nisman trước khi bị giết
Ông Nisman trước khi bị giết

“Kịch bản” diệt khẩu

Chánh án liên bang Julian Ercolini cũng tuyên chuyên gia máy điện toán Diego Lagomarsino là đồng phạm trong vụ giết ông Alberto Nisman - ông Alberto Nisman bị giết bởi vũ khí của Diego Lagomarsino, và chuyên gia máy điện toán là người cuối cùng vào căn hộ của công tố viên trưởng. Diego Lagomarsino từng là trợ lý của ông Alberto Nisman thú nhận, đã cho công tố viên trưởng mượn khẩu súng để tự vệ và bảo vệ các con sau khi nhận nhiều lời dọa giết.

Ngoài ra, Chánh án liên bang Julian Ercolini còn buộc tội 4 vệ sĩ Ruben Bernitez, Nestor Duran, Armando Niz và Lunis Minao đã cẩu thả, khi để lọt khẩu súng vào nhà công tố viên trưởng, và tham gia vào vụ dàn dựng kịch bản ông Alberto Nisman tự sát. 4 vệ sĩ kể trên bị cáo buộc không phát hiện vụ nổ súng và để thủ phạm rời khỏi hiện trường và trì hoãn việc phát hiện xác nạn nhân. Tuy đã cáo buộc Diego Lagomarsino dính líu tới vụ giết người, nhưng Chánh án liên bang Julian Ercolini vẫn chưa thể tìm ra bọn giết người. Tổng thống Mauricio Macri cũng tin ông Alberto Nisman bị giết, không phải tự sát.

Trước tuyên bố hôm 26-12-2017 của Chánh án liên bang Julian Ercolini, Tòa phúc thẩm đã quyết định giữ nguyên phán quyết hồi tháng 4-2017 đối với bà Cristina Fernandez Kirchner liên quan đến các tội danh như thông đồng và tham nhũng trong thời gian tại nhiệm (2007-2015). Và lệnh phong tỏa số tài sản trị giá 565 triệu USD của nữ cựu Tổng thống cũng được giữ nguyên.

Theo đó, bà Cristina Fernandez Kirchner bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm hình sự trong việc thành lập bất hợp pháp công ty bất động sản gia đình mang tên Los Sauces để gian lận trong kinh doanh và rửa tiền khi còn làm Tổng thống. Hơn 1 năm trước (29-12-2016), Chánh án liên bang Julian Ercolini từng quyết định xét xử bà Cristina Fernandez Kirchner vì thành lập công ty Los Sauces để kiếm hợp đồng xây dựng công trình công cộng, và đã ra lệnh phong tỏa khối tài sản trị giá 10 tỷ pesos của nữ cựu Tổng thống.

Theo ông Julian Ercolini, cơ quan chức năng đã thu thập đủ bằng chứng để đưa bà Cristina Fernandez ra xét xử với cáo buộc tham nhũng. Giới chuyên môn cho rằng, vì được bầu vào Quốc hội sau cuộc bầu cử hôm 22-10-2017 nên bà Cristina Fernandez Kirchner được hưởng quyền miễn trừ khỏi án tù, nếu bị kết tội.

Đọc thêm