ASEAN giải quyết tranh chấp trên biển bằng UNCLOS

Theo một bản dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) được tiết lộ ngày 10/7, các quốc gia Đông Nam Á xác định Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) sẽ là nền tảng nhằm giải quyết những tranh chấp ở biển Đông.

Theo một bản dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) được tiết lộ ngày 10/7, các quốc gia Đông Nam Á xác định Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) sẽ là nền tảng nhằm giải quyết những tranh chấp ở biển Đông.

Các Ngoại trưởng tại Hội nghị APT. Ảnh: Reuters
Các Ngoại trưởng tại Hội nghị APT. Ảnh: Reuters

Theo Hãng tin AFP, bản dự thảo phác thảo lập trường của ASEAN đã kêu gọi mọi bên “cam kết giải quyết những tranh chấp lãnh thổ (trên biển Đông) bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, gồm cả UNCLOS”.

UNCLOS là công ước quốc tế vạch ra những ranh giới mà một quốc gia giáp biển có thể xem đó là lãnh hải hoặc vùng đặc quyền kinh tế của họ. Trung Quốc là một nước ký kết UNCLOS song các chuyên gia nhận định rằng tuyên bố chủ quyền phi lý, với “đường 9 đoạn”, chiếm gần như tòan bộ khu vực biển Đông của nước này không phù hợp với các điều khoản của công ước.

Bản dự thảo COC của ASEAN kêu gọi mọi bên giải quyết tranh chấp mà “không dùng đến việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực” và “cam kết tôn trọng tự do hàng hải và tự do hàng không”. ASEAN đề xuất mọi bên trước hết nỗ lực giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác – một hiệp định vốn cấm sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp của ASEAN.

Theo bản dự thảo, nếu không thể thực hiện điều này, các bên có thể sử dụng “cơ chế giải quyết tranh chấp theo luật quốc tế, bao gồm UNCLOS”. Bản dự thảo cũng kêu gọi thực thi các hoạt động hợp tác và xây dựng lòng tin.

Trước đó, các nước Đông Nam Á ngày 9/7 đã đạt được sự đồng thuận về những nội dung cơ bản của bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) và sẵn sàng thảo luận với Trung Quốc về văn kiện nhằm ngăn chặn những tranh chấp hàng hải này.

Tại cuộc họp báo diễn ra sau ngày họp thứ nhất của Ngoại trưởng các nước ASEAN lần thứ 45 (AMM 45) ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao nước chủ nhà Kao Kim Hourn khẳng định rằng các Bộ trưởng ASEAN đã cơ bản đạt được nhất trí về văn kiện quy định các hành xử của các nước có tranh chấp trên biển Đông.

“Các ngoại trưởng ASEAN đã đồng ý với nhau về COC và từ nay, các quan chức cấp cao ASEAN sẽ bắt đầu thảo luận với Trung Quốc về COC” – ông Kao Kim Hourn cho biết. Tuy nhiên, chi tiết của văn kiện chính thức vẫn chưa được công bố và ASEAN cũng chưa thể đưa ra tuyên bố chung vì vẫn chưa hoàn toàn thống nhất về ngôn từ ở một vài chỗ.

Trung Quốc ngày 9/7 nói rằng nước này sẵn sàng thảo luận về vấn đề này với ASEAN “khi các điều kiện đã chín muồi” nhưng nói rằng bộ quy tắc ứng xử tiềm năng sẽ không được sử dụng để giải quyết các tranh chấp. “Bộ quy tắc ứng xử COC không phải để giải quyết tranh chấp, mà là nhằm xây dựng niềm tin và đẩy mạnh hợp tác” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân nói. Lập trường này nhất quán với mong muốn lâu nay của Bắc Kinh là giải quyết tranh chấp với các bên bằng biện pháp song phương.

Trong khi đó, báo chí Trung Quốc vẫn tiếp tục trò đánh lừa dư luận. Tờ Thời báo Hoàn cầu hôm qua vẫn tiếp tục nói rằng ASEAN chỉ đóng một vai trò trung gian và không có quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến việc phân định ranh giới lãnh thổ. Tờ báo này cho rằng, ASEAN sẽ không chấp thuận đề nghị quốc tế hóa các tranh chấp của Việt Nam và Philippines một khi “còn lý trí”. Tờ báo này cũng ngang ngược cho rằng vấn đề biển Đông sẽ tồi tệ hơn hiện nay nếu Trung Quốc không kiềm chế và rằng dư luận Trung Quốc đang rất sôi sục trước những hành động “khiêu khích” của Việt Nam và Philippines.

Hãng tin Kyodo hôm qua dẫn các nguồn tin chính phủ cho hay, Nhật Bản đã quyết định sẽ chủ trì một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt với ASEAN vào cuối năm 2013 để tăng cường hợp tác an ninh hàng hải trong bối cảnh Trung Quốc đang mở rộng năng lực hải quân tại các vùng biển thuộc châu Á. Nhật Bản và các nước thành viên ASEAN dự kiến sẽ ra một thông cáo chung, là những hướng dẫn mới để tăng cường an ninh hàng hải và một kế hoạch hành động tiếp theo tại cuộc họp giữa các ngoại trưởng diễn ra ngày 10/7 tại Campuchia.

Minh Ngọc (Theo AFP)

Đọc thêm