ASEAN là ưu tiên chiến lược trong chính sách đối ngoại của Việt Nam

(PLVN) - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định ASEAN là một ưu tiên chiến lược trong chính sách đối ngoại của Việt Nam; nhấn mạnh chủ đề nghị sự của ASEAN trong năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020 đặt trọng tâm vào “Gắn kết và Chủ động thích ứng” đáp ứng yêu cầu, quan tâm chung của các nước ASEAN về xây dựng một Cộng đồng vững mạnh trong bối cảnh thế giới đang biến chuyển nhanh và sâu sắc.
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình phát biểu tại Phiên toàn thể về “Triển vọng Chiến lược ASEAN”.
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình phát biểu tại Phiên toàn thể về “Triển vọng Chiến lược ASEAN”.

Theo tin từ Bộ Ngoại giao, ngày 21/1/2020, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 50 của Diễn đàn Kinh tế thế giới diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ (WEF Davos). 

Hội nghị WEF Davos 2020 là hội nghị lớn và quan trọng nhất của WEF trong năm 2020, thu hút khoảng 3.000 đại biểu tham dự, trong đó khoảng 50 Nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Thụy Sỹ, Thủ tướng Đức, Thủ tướng Italia, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Tổng Giám đốc IMF...; đông đảo lãnh đạo các tập đoàn, tổ chức nghiên cứu và giới khoa học hàng đầu thế giới.

Kỷ niệm 50 năm ngày tổ chức Hội nghị WEF Davos đầu tiên, Hội nghị WEF Davos năm 2020 lấy chủ đề “Hợp tác vì một thế giới gắn kết và bền vững” với mong muốn WEF không chỉ là diễn đàn trao đổi các ý tưởng hợp tác kinh tế và các vấn đề lớn của toàn cầu, mà còn là diễn đàn thúc đẩy các nỗ lực quốc tế trong xử lý các vấn đề toàn cầu trong bối cảnh thế giới đang biến chuyển nhanh và sâu sắc. 

Hội nghị với khoảng 400 phiên họp trong 4 ngày từ 21-24/1/2020, tập trung thảo luận nhiều vấn đề chính trị, kinh tế, môi trường, công nghệ, xã hội, trong đó trọng tâm là thúc đẩy xây dựng một thế giới gắn kết hơn, giữ ổn định kinh tế toàn cầu, hợp tác chống biến đổi khí hậu, xây dựng xã hội bao trùm, quản trị công nghệ mới của cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã cùng nhiều lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và tập đoàn lớn tham dự phiên Khai mạc toàn thể Hội nghị dưới sự chủ trì của Chủ tịch Sáng lập WEF Giáo sư Klaus Schwab; tham dự một số phiên họp quan trọng khác của Hội nghị, phát biểu với tư cách diễn giả chính tại Phiên toàn thể về “Triển vọng Chiến lược ASEAN”, và gặp gỡ nhiều lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và các tập đoàn hàng đầu. 

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình đã tiếp Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Borge Brende và dự Lễ công bố Báo cáo kết thúc Thỏa thuận hợp tác Việt Nam – WEF. 

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đánh giá cao WEF đã phối hợp triển khai thành công Thỏa thuận hợp tác Việt Nam- WEF; nhấn mạnh sau 3 năm triển khai từ khi được ký nhân chuyến tham dự Hội nghị WEF Davos năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thỏa thuận đã mang lại nhiều kết quả thiết thực trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, giáo dục, y tế, góp phần tích cực thúc đẩy hợp tác giữa hai bên ngày càng thực chất và hiệu quả. 

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình cho rằng Thỏa thuận hợp tác với Việt Nam có thể sẽ là một hình mẫu để WEF xem xét mở rộng hợp tác với các nước ASEAN. 

Chủ tịch điều hành WEF Borge Brende khẳng định WEF mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam sau khi kết thúc thành công Thỏa thuận hợp tác, triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể, thiết thực, mong muốn cùng với Việt Nam sớm khởi động Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 theo mô hình liên kết với các trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 của WEF trên thế giới, nhằm góp phần hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh nghiên cứu, nâng cao hiệu quả tham gia cách mạng công nghiệp 4.0. 

Chủ tịch điều hành WEF đã trao cho Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình Báo cáo kết thúc Thỏa thuận hợp tác, với nhiều khuyến nghị, tư vấn cho Việt Nam về phát triển kinh tế- xã hội. 

Chiều 21/1, với tư cách là diễn giả chính, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình đã phát biểu tại Phiên toàn thể về “Triển vọng Chiến lược ASEAN”

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Binh đã nêu bật thông điệp về chủ đề, ưu tiên nghị sự của ASEAN và Việt Nam trong năm 2020; nhấn mạnh ASEAN là cộng đồng của 10 quốc gia Đông Nam Á độc lập, đoàn kết, phát triển năng động, trong đó Việt Nam là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao trên 6% trong 20 năm qua, nằm trong số nền kinh tế tăng trưởng cao nhất Châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới với tốc độ bình quân 7%/ năm trong 2 năm qua. 

Phó Thủ tướng khẳng định ASEAN là một ưu tiên chiến lược trong chính sách đối ngoại của Việt Nam; nhấn mạnh chủ đề nghị sự của ASEAN trong năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020 đặt trọng tâm vào “Gắn kết và Chủ động thích ứng” đáp ứng yêu cầu, quan tâm chung của các nước ASEAN về xây dựng một Cộng đồng vững mạnh trong bối cảnh thế giới đang biến chuyển nhanh và sâu sắc.

Phó Thủ tướng đã nhấn mạnh các ưu tiên của ASEAN như đóng góp vào duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực; thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tranh thủ cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ của ASEAN với các đối tác trên toàn cầu…

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cũng khẳng định với trọng trách kép là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Liên hợp quốc nhằm đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh của khu vực và quốc tế cũng như thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG); nỗ lực thúc đẩy vai trò, tiếng nói của ASEAN tại các diễn đàn đa phương quan trọng khác nhằm góp phần đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. 

Hội nghị đánh giá sau quá trình 50 năm, ASEAN đã trưởng thành, là một trong những tổ chức khu vực thành công nhất thế giới, tuy còn đối mặt với nhiều thách thức, nhưng cũng có rất nhiều cơ hội, trong đó có việc thúc đẩy “bản sắc cộng động”, liên kết kinh tế nội khối, phát huy hơn nữa tính bổ trợ giữa các thành viên.

Đọc thêm