ASEAN quyết định sử dụng 10,5 triệu USD mua vaccine cho các nước thành viên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đưa ra khi trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 54 và các hội nghị liên quan vừa diễn ra.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng.

Theo đó, trả lời câu hỏi về việc sử dụng Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19 để mua sắm, chuyển giao công nghệ về vaccine, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết, Quỹ ASEAN Ứng phó COVID-19 đã được thiết lập trong năm ngoái.

Cho đến nay đã có 20,8 triệu USD đóng góp của các nước thành viên và các nước Đối tác của ASEAN.

“ASEAN đã quyết định sử dụng 10,5 triệu USD để mua vaccine cho các nước thành viên thông qua hợp tác với UNICEF. Hiện nay, thỏa thuận giữa ASEAN và UNICEF đang được hoàn tất. Chúng tôi hy vọng là sẽ sớm hoàn tất để có thể triển khai và thông qua UNICEF, dùng tiền đó để mua vaccine cho các nước ASEAN”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng thông tin.

Nói về điểm nhấn của các hội nghị vừa diễn ra, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định, điểm nhấn mà Hội nghị đạt được là càng trong khó khăn, càng thấy nổi bật giá trị của ASEAN và nhận thức của các nước về giá trị này cũng ngày càng gia tăng.

Bên cạnh đó, quyết tâm của các nước thành viên ASEAN ngày càng mạnh mẽ, được cộng hưởng với sự ủng hộ và cam kết cao của các nước đối tác trong khu vực, tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực này. Tôi cho rằng đây là kết quả rất là tốt.

Điểm thứ hai, theo ông Dũng, là về vấn đề gay cấn nhất ở khu vực hiện nay, đó là vấn đề Myanmar.

“Hội nghị lần này đã quyết tâm triển khai thực hiện Đồng thuận 5 điểm của các Nhà lãnh đạo ASEAN. Dù rất khó khăn, nhưng ASEAN đã đạt được đồng thuận cử được Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN về Myanmar, đó là Bộ trưởng Ngoại giao thứ 2 của Brunei. Đồng thời, ASEAN cũng đã quyết định triển khai các hoạt động hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar, thông qua Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai (AHA) do Tổng thư ký ASEAN đứng ra gánh vác, điều phối”, Thứ trưởng Ngoại giao thông tin.

Về COVID-19, ASEAN khẳng định nỗ lực triển khai các sáng kiến chung, tiếp tục các kế hoạch hợp tác trong ứng phó dịch bệnh. ASEAN cũng nhận được nhiều cam kết hợp tác, hỗ trợ của các Đối tác để vượt qua dịch bệnh, với số lượng vaccine dành cho các nước ASEAN càng ngày càng nhiều cùng các kế hoạch phục hồi kinh tế hậu dịch đang được tích cực thúc đẩy.

Về đối ngoại, ASEAN cũng đã đạt được dấu mốc rất quan trọng, đó là việc đồng ý chấp thuận để Anh trở thành Đối tác đối thoại của ASEAN.

Nói về sự tham gia của Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, Việt Nam tham gia Hội nghị lần này với tâm thế là vừa hoàn thành nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2020 với rất nhiều kết quả, đề xuất, sáng kiến mà chúng ta đề ra được coi là tài sản chung của ASEAN.

Trên tinh thần đó, chúng ta tiếp tục phát huy vai trò trong thúc đẩy triển khai các kết quả đã đạt được trong năm ASEAN 2020, duy trì được các nội dung là quan tâm của chúng ta trong chương trình nghị sự của ASEAN, trong đó có vấn đề gắn sự hợp tác tiểu vùng với các chương trình hợp tác của ASEAN.

Chúng ta cũng đã phát huy vai trò rất tích cực trong việc giải quyết các vướng mắc, khó khăn, bế tắc vì các quan điểm khác nhau, ý kiến khác nhau trong hội nghị.

“Và chính chúng ta là người đã đưa ra đề xuất và vận động các nước để đi đến thỏa thuận cử Đặc phái viên về Myanmar, cũng như đạt được đồng thuận để Anh trở thành Đối tác đối thoại của ASEAN”, ông Dũng thông tin.

Ngoài ra, chúng ta cũng đề xuất, thúc đẩy các Đối tác của ASEAN tăng cường hợp tác, cam kết và hỗ trợ ASEAN về cung cấp vaccine, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin cho các nước ASEAN.

Về vấn đề Biển Đông, theo Thứ trưởng Ngoại giao, tình hình Biển Đông có những phức tạp nhất định.

Trong tình hình đó, ASEAN vẫn duy trì quan điểm nhất quán của mình. Đó là ủng hộ, nhấn mạnh hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở khu vực và xây dựng lòng tin. Và các nước phải kiềm chế, không có hành động làm theo thang căng thẳng, hoặc các hành động quân sự hóa hay tái tạo đảo, hoặc những hoạt động gây tổn hại quyền lợi chính đáng của các nước ở ven biển.

“Các nước nhất trí rất cao, đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, trong đó UNCLOS. Đặc biệt là nhấn mạnh UNCLOS là khuôn khổ để điều chỉnh các hoạt động của các nước trên biển và trên đại dương. Điều đó rất quan trọng”, ông Dũng nói.

Điều quan trọng nữa là các nước nhất trí rằng COC phải thực chất, tổng thể, phù hợp luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

“Điểm mới là, trước đây, đây chỉ là quan điểm của ASEAN thì nay Trung Quốc cũng đã chấp nhận quan điểm đó. Điều đó sẽ định hướng quá trình thương lượng COC thời gian tới”, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh.

Đọc thêm