Theo Reuters, tuyên bố chung được đề cập ở đây là Tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM 49) diễn ra ngày 24/7 tại Lào. Tại cuộc họp này, một số nước như Philippines, Việt Nam, Indonesia, Myanmar và Singapore muốn đề cập đến phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực được công bố hôm 12/7, theo đó bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và kêu gọi tuân thủ luật hàng hải quốc tế trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp.
Tuy nhiên, theo các nhà ngoại giao, với việc ủng hộ kêu gọi tiến hành các cuộc thảo luận song phương để giải quyết các tranh chấp do Trung Quốc đưa ra, Campuchia đã phản đối việc đề cập đến phán quyết. Cuối cùng, một nhà ngoại giao ASEAN ngày 25/7 cho hay, Manila đã đồng ý bỏ đoạn đề cập đến phán quyết trong tuyên bố chung nhằm ngăn việc sự bất đồng có thể khiến khối không ra được tuyên bố.
Thay vào đó, tuyên bố chung của AMM 49 đề cập đế sự cần thiết phải tìm kiếm các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp quốc (LHQ) về Luật Biển.
“Chúng tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc về các diễn biến gần đây và đang diễn ra và ghi nhận quan ngại của một số bộ trưởng về hoạt động cải tạo đất và việc leo thang các hoạt động ở khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”, tuyên bố của ASEAN nêu.
Trong một tuyên bố riêng rẽ được đưa ra sau cuộc gặp của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc, ASEAN và Trung Quốc tái khẳng định cam kết đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đồng thời cam kết sẽ kiềm chế các hoạt động có thể làm phức tạp tình hình hay khiến căng thẳng leo thang, trong đó có việc đưa người tới những đảo và đá hiện không có người ở.
Trong khi đó, theo Hãng tin Kyodo của Nhật, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ngày 25/7 đã có cuộc gặp bên lề các hội nghị cấp khu vực đang diễn ra tại Lào. Trong cuộc gặp, ông Kishida thúc giục Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế được đưa ra hôm đầu tháng, theo đó khẳng định các yêu sách chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông là “không có cơ sở pháp lý” và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Khoảng 1 tuần trước, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng đã đưa ra các đề nghị tương tự với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong cuộc gặp của 2 ông ở thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ.
Theo AP, phát biểu sau cuộc gặp với các Ngoại trưởng từ 10 nước ASEAN, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop hôm qua nói rằng phán quyết của Tòa Trọng tài là “cuối cùng và có tính ràng buộc”, đồng thời kêu gọi cả Trung Quốc và Philippines tuân thủ phán quyết và tái thực hiện các biện pháp để giải quyết những khác biệt. Ngoại trưởng Australia cũng cho rằng cách thức xử lý kết quả của phiên tòa trọng tài sẽ là “một phép thử quan trọng cho thấy ASEAN có thể giúp giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình ra sao”.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã đến Lào để tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN và cấp cao Đông Á. Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, ông Kerry sẽ thảo luận về vấn đề hàng hải với ông Vương và các thành viên ASEAN, thúc giục các nước tìm các biện pháp ngoại giao để giảm thiểu căng thẳng ở Biển Đông.