ASEAN thúc đẩy thông qua COC

Tranh chấp trên biển Đông là chủ đề nóng trong các cuộc họp thượng đỉnh của ASEAN trong suốt 3 tháng qua. Philippines và Việt Nam đều đã lên tiếng phản đối những hành động gây hấn của Trung Quốc. Manila đang nỗ lực tăng cường đoàn kết của các nước thành viên ASEAN nhằm thuyết phục Trung Quốc chấp thuận một Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông, nhưng Bắc Kinh lại luôn muốn giải quyết các bất đồng trong tuyên bố lãnh thổ bằng các cuộc đối thoại song phương.

Hôm qua (9/7), Hội nghị Bộ trưởng các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 45 (AMM 45) đã khai mạc tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Hun Sen nói rằng ông muốn thấy một kết luận cuối cùng về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen phát biểu khai mạc AMM 45. Ảnh AFP

Ngoại trưởng 10 nước thành viên ASEAN đang có mặt tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia để tham dự hội nghị thường niên của khối, trước khi tham gia Diễn đàn an ninh Khu vực ASEAN lần thứ 19 (ARF 19) với sự có mặt của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và đại diện 16 nước khác trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vào cuối tuần này. Căng thẳng ở biển Đông được dự đoán sẽ là trọng tâm thảo luận của hội nghị an ninh sắp tới.

Phát biểu tại phiên khai mạc AMM 45, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói rằng, ASEAN cần phải chứng minh được rằng tổ chức này có thể là một “động lực thúc đẩy các cuộc đàm phán và hợp tác” về các vấn đề chính trị và an ninh trong khu vực. “Duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực là việc không thể thiếu để đảm bảo sự thịnh vượng của ASEAN” – Thủ tướng nước đang đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN nói.

Thủ tướng Hun Sen cũng đã thúc giục các đại biểu “chú trọng” làm việc để hướng tới một bộ quy tắc ứng xử trên biển – bộ quy tắc sẽ đưa ra các chỉ dẫn để giải quyết các tranh chấp trên khu vực lãnh thổ đang có tuyên bố chồng lấn liên quan đến một số thành viên của khối.

“Chúng ta nên nhấn mạnh vào việc thực thi Tuyên bố ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC), bao gồm cả kết luận cuối cùng về “Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC)” – Thủ tướng Hun Sen phát biểu. Theo ông Hun Sen, việc đưa ra kết luận cuối cùng về một bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc tại vùng biển có tranh chấp là mục tiêu chủ yếu của cả 10 nước thành viên ASEAN.

Tranh chấp trên biển Đông là chủ đề nóng trong các cuộc họp thượng đỉnh của ASEAN trong suốt 3 tháng qua. Philippines và Việt Nam đều đã lên tiếng phản đối những hành động gây hấn của Trung Quốc. Manila đang nỗ lực tăng cường đoàn kết của các nước thành viên ASEAN nhằm thuyết phục Trung Quốc chấp thuận một Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông, nhưng Bắc Kinh lại luôn muốn giải quyết các bất đồng trong tuyên bố lãnh thổ bằng các cuộc đối thoại song phương.

Một số nhà ngoại giao đang tham dự cuộc họp ở Campuchia cho biết, ASEAN vẫn đang tranh luận về cách tiếp cận vấn đề với Trung Quốc. Theo một nhà ngoại giao giấu tên, ASEAN vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về việc có đưa vụ đối đầu gần đây giữa tàu Trung Quốc và tàu Philippines ở bãi cạn Scarborough vào tuyên bố chung hay không.

Trong phiên tham vấn không chính thức về COC ngày 8/7, các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc cũng nhấn mạnh vào cam kết của họ tiếp tục thực thi DOC đạt được năm 2002 và kết luận các điểm then chốt trong quá trình soạn thảo COC. Các bên đều thống nhất thực thi DOC một cách toàn diện và hiệu quả cũng như trong các dự án hợp tác khác nằm trong khuôn khổ của DOC với mục tiêu duy trì hòa bình và ổn định tại biển Đông.

Ngoại trưởng Insonesia ngày 8/7 cũng tuyên bố ông sẽ tiếp tục nỗ lực để cho ra đời một bộ quy tắc hướng dẫn nhằm giải quyết các tranh chấp trên biển. “Nếu không phải bây giờ thì là khi nào? Ý tôi là, đó chính là lý do chúng tôi ở đây hôm nay” – Ngoại trưởng Marty Natalegawa nói.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 8/7 cũng đã kêu gọi các quốc gia trong khu vực cần có “tiến bộ” trong việc thiết lập một bộ quy tắc ứng xử ở vùng biển tranh chấp. Sự cạnh tranh chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh dự kiến sẽ được thể hiện tại ARF 19, sau khi Mỹ công bố chiến lược quân sự tập trung vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là việc Washington tăng cường hợp tác quân sự với Philippines và Việt Nam. Tuy nhiên giới phân tích nhận định rằng bà Hillary Clinton sẽ tránh không gây không khí căng thẳng với Trung Quốc.  

Phát biểu khai mạc hội nghị AMM 45 ngày 9/7, Thủ tướng Hun Sen cho rằng, sau 45 thành lập, ASEAN ngày nay đã trở thành một thực thể hội nhập chặt chẽ về chính trị và kinh tế, có ảnh hưởng trong khu vực châu Á và là một đối tác chiến lược không thể thiếu đối với các cường quốc và các tổ chức trên thế giới. Với uy tín và tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của mình, Thủ tướng Campuchia cho rằng ASEAN cần tiếp tục phát huy các tất cả các nỗ lực trong việc thực hiện các vấn đề ưu tiên trong Kế hoạch Cộng đồng Chính trị và An ninh ASEAN.

Theo đó, ASEAN nên thúc đẩy việc vận hành hiệu quả các công cụ và cơ chế hiện có để đảm bảo hòa bình và an ninh trong khu vực như Hiệp ước Hữu nghị và Thân thiện (TAC), Hiệp ước về Khu vực không vũ khí hạt nhân tại Đông Nam Á (SEANWFZ), Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông DOC, Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF)…” - ông Hun Sen nói.

Thanh Tâm (Theo AFP, Asean, TTX)

Đọc thêm