Theo AFP, các quy định vừa được giới chức Australia công bố, các nhà đầu tư nước ngoài khi mua những ô đất có giá trị từ 12 triệu USD trở lên sẽ cần phải chứng minh rằng ô đất đó lúc trước đã được chào bán rộng rãi công khai trong vòng 1 tháng để với người dân địa phương có được cơ hội mua đất bình đẳng. Tương tự, việc mua bán cơ sở hạ tầng điện lực có yếu tố nước ngoài cũng sẽ được Chính phủ Australia kiểm soát chặt chẽ hơn với một loạt các biện pháp hạn chế mới, trong đó có việc đánh giá mức độ tích lũy quyền sở hữu trong một lĩnh vực.
Bộ trưởng Ngân khố Australia Scott Morrison khẳng định Australia vẫn chào đón đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực đất nông nghiệp với điều kiện việc đầu tư đó không đi ngược lại lợi ích quốc gia của Australia. “Chính phủ cam kết một cơ chế đầu tư nước ngoài có tính cân bằng trong việc quản lý những rủi ro an ninh quốc gia trong khi vẫn thúc đẩy các cơ hội việc làm và tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế”, ông Morrison nói. Vẫn theo ông Morrison, cơ sở hạ tầng phân phối và truyền tải điện là những tài sản quốc gia rất quan trọng, và bảo đảm sự đa dạng về chủ sở hữu của những tài sản này cũng là một biện pháp chủ chốt để bảo vệ an ninh quốc gia.
Thông báo về việc siết chặt các điều kiện mua bán nói trên được giới chức Australia đưa ra trong lúc những lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc tại nước này đang ngày càng gia tăng dù Trung Quốc không được nêu trong những sửa đổi quy định mới nhất. Trước đó, hồi năm ngoái, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cũng đã loan báo một loạt những cải cách trong các quy định về gián điệp và can thiệp nước ngoài. Việc cải cách được thực hiện sau khi ông Turnbull yêu cầu mở cuộc điều tra sau khi truyền thông nước này đưa tin cơ quan tình báo quốc gia từng cảnh báo các lãnh đạo chính trị trong nước về việc nhận các khoản quyên góp từ 2 tỉ phú người Trung Quốc.
Hôm 31/1, Tổ chức an ninh tình báo Australia – cơ quan tình báo của Australia – cũng cho rằng đe dọa gián điệp nước ngoài hiện còn lớn hơn thời kỳ Chiến tranh Lạnh. “Trong môi trường hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với hàng loạt các nước đang tìm cách tiến hành hoạt động gián điệp và can thiệp nước ngoài”, Phó Giám đốc cơ quan tình báo Australia Peter Vickery nói. Nghị sỹ Australia Sam Dastyari cuối năm ngoái cũng đã phải từ chức sau khi bị phát hiện có mối quan hệ mật thiết với một tỉ phú Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh luôn khuyến khích các công ty Trung Quốc tuân thủ pháp luật và các quy định của địa phương. “Nhưng chúng tôi cũng đồng thời hy vọng rằng các nước tiếp nhận có thể tạo môi trường thuận lợi, cởi mở, công bằng và minh bạch cho các khoản đầu tư và hoạt động của các công ty Trung Quốc ở nước họ”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu tại một cuộc họp báo.
Theo Financial Times, quyết định nói trên của Australia được đưa ra sau khi báo cáo về kết quả bầu cử của Australia được công bố, theo đó cho thấy các công ty do các doanh nghiệp có liên hệ với Trung Quốc đã ủng hộ hàng trăm nghìn USD cho các đảng chính trị ở Australia vào thời điểm trước cuộc bầu cử liên bang năm 2016. Ngoài Australia, một số nước khác như Anh cũng đã công bố kế hoạch thắt chặt việc giám sát đối với các khoản đầu tư nước vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của họ.