Ba kịch bản ngăn dịch viêm phổi cấp xâm nhập Việt Nam

(PLVN) - Ngày 14/1, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam đã phát hiện 2 trường hợp quốc tịch Trung Quốc, cư trú tại TP Vũ Hán (Trung Quốc) nhập cảnh vào Việt Nam có biểu hiện sốt tại sân bay Quốc tế Đà Nẵng qua máy đo thân nhiệt từ xa và đã được cách ly.
Máy đo thân nhiệt từ xa tại sân bay Đà Nẵng đã phát hiện hai trường hợp sốt bất thường
Máy đo thân nhiệt từ xa tại sân bay Đà Nẵng đã phát hiện hai trường hợp sốt bất thường

Các mẫu bệnh phẩm đã được lấy gửi về Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh, đồng thời lập danh sách những người tiếp xúc gần để theo dõi sức khỏe. Bộ Y tế lập tức tổ chức Đoàn công tác làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Đà Nẵng để tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tại buổi họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi chiều qua (15/1), ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hai trường hợp nghi sốt qua máy đo thân nhiệt từ xa là nam giới SN 1997 và một trẻ nam SN 2016, nhập cảnh vào sân bay quốc tế Đà Nẵng vào rạng sáng ngày 14/1. Đến 7h sáng qua, hai hành khách này đã giảm sốt, kết quả sinh hóa máu trong giới hạn bình thường, kết quả chụp X-quang không có biểu hiện viêm phổi cấp.

20 người tiếp xúc gần với hai trường hợp trên đã được lập danh sách và theo dõi sức khỏe chặt chẽ. Tại Việt Nam, địa phương có đường bay thẳng từ TP Vũ Hán của Trung Quốc đến là Đà Nẵng, TP HCM, Khánh Hòa.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Cục phó Cục Quản lý Khám chữa bệnh (QLKCB), Bộ Y tế cho biết, hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới. Việc chẩn đoán điều trị giống SARS và MERS-CoV. Sắp tới Bộ sẽ ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh. Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị cơ sở vật chất, sẵn sàng thu dung điều trị bệnh nhân. Đồng thời vì đây là virus mới nên cần tăng cường giám sát để cách ly ngay trường hợp đầu tiên.

Việc tiếp nhận thu dung điều trị bệnh nhân liên quan đến virus corona hiện được phân 3 cấp. Trong đó tuyến cuối gồm 10 bệnh viện tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và TP HCM. Lãnh đạo Cục QLKCB cũng yêu cầu các cơ sở duy trì đường dây nóng để tuyến trên hỗ trợ kịp thời.

“Các biện pháp phòng lây nhiễm bệnh vẫn áp dụng như với MERS-CoV, cúm gia cầm A(H5N1). Với mức độ lây nhiễm như hiện tại thì cách thức ứng phó như hiện nay là phù hợp. Người dân không nên quá hoang mang nhưng cảnh giác. Ngành y tế cũng đã triển khai các biện pháp ứng phó”, ông Khoa cho biết.  

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh viêm phổi cấp do virus corona
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh viêm phổi cấp do virus corona 

Ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng thông tin, hiện nước ta vẫn duy trì giám sát thường xuyên các ca viêm phổi nặng tại tất cả các cơ sở y tế. Các bệnh viện tuyến Trung ương, địa phương đã và đang tích rà soát, gửi mẫu bệnh phẩm đến các Viện Vệ sinh dịch tễ. Trong 10 ngày đầu năm 2020, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiếp nhận 12 mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp nặng nghi do virus. Kết quả có 7 mẫu dương tính do virus cúm, không có tác nhân nào khác.

Theo ông Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, đây là virus mới nên khuyến cáo dịch tễ lâm sàng, biện pháp phòng chống, đường lây truyền thông tin dịch tễ chưa đầy đủ. Ca bệnh cuối cùng do virus mới này tại Trung Quốc khởi phát vào ngày 5/1. Đến nay đã được 10 ngày chưa ghi nhận ca bệnh mới. Chợ hải sản có thể là nguyên nhân lây truyền virus mới này ở TP Vũ Hán cũng đã đóng cửa 15 ngày. Như vậy có thể đã kiểm soát được nguồn bệnh. “Nếu phát hiện thêm các trường hợp mắc mới thì khả năng xâm nhập vào nước ta là có thể”, ông Lân nhận định.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, hiện Bộ Y tế đã xây dựng 3 tình huống ứng phó với dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới. 

Cụ thể, tình huống 1 - Chưa ghi nhận trường hợp bệnh tại Việt Nam: Phát hiện sớm trường hợp viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân về Việt Nam từ vùng có dịch. 

Tình huống 2 - Xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam: Khoanh vùng xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng. 

Tình huống 3 - Dịch bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng: Đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng.

Ông Tuyên đề nghị Cục Y tế dự phòng thường xuyên cập nhật thông tin theo cấp độ, đặc biệt thông tin triệu chứng cụ thể của dịch bệnh và cách phòng chống bệnh cụ thể tới người dân. Tăng cường giám sát dịch bệnh tại cửa khẩu và cộng đồng, giám sát các đối tượng đi về từ ổ dịch.

Hiện Bộ Y tế đã thành lập hai đoàn kiểm tra 6 tỉnh có cửa khẩu biên giới hoặc cảng hàng không đi trực tiếp tới Trung Quốc, như Lạng Sơn, Lào Cai... Các đoàn sẽ thực hiện kiểm tra ngay trong thời gian tới.

Ông Tuyên cũng nhấn mạnh, dịch ở đâu tập trung điều trị ở đó, hạn chế chuyển người bệnh về tuyến trên, để phòng bệnh không lây lan rộng. Theo đó, tuyến trên có trách nhiệm phải tăng cường về tuyến dưới để giúp tuyến dưới khoanh vùng và điều trị cho bệnh nhân ngay tại chỗ. 

Cục QLKCB phải chỉ đạo và kiểm tra, kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế. Đồng thời phải phổ biến hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh viêm phổi cấp do virus corona tới các cơ sở y tế.  

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại TP Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) đã ghi nhận các trường hợp viêm phổi cấp do chủng coronavirus mới. Trường hợp bệnh đầu tiên khởi phát vào ngày 12/12/2019, tính đến ngày 13/01/2020 đã ghi nhận 59 trường hợp mắc, 7 trường hợp nặng, một trường hợp tử vong, 2 trường hợp đã hồi phục hoàn toàn, các bệnh nhân khác trong tình trạng ổn định và chưa ghi nhận trường hợp cán bộ y tế bị nhiễm bệnh. Từ ngày 13/1 đến nay, TP Vũ Hán chưa ghi nhận trường hợp mắc mới.

Trường hợp tử vong là nam 61 tuổi, thường xuyên đến mua hàng tại chợ Huanan ở Vũ Hán (nơi có nhiều trường hợp mắc bệnh được ghi nhận) và có tiền sử bị u ổ bụng và bệnh gan mạn tính. Ngày 9/1, Trung Quốc đã xác định được chủng virus mới thuộc họ coronavirus, đã có 41 trường hợp xét nghiệm dương tính với nCoV (bao gồm cả trường hợp tử vong).

Coronaviruses (CoV) là một họ các virus có thể gây ra các bệnh lý của đường hô hấp trên và đường tiêu hóa ở người và một số loài động vật. Virus corona thường lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường hô hấp của người bệnh. Bệnh thường hay xảy ra vào mùa Đông và đầu mùa Xuân.

Ở người, virus corona có thể gây bệnh nhẹ từ cảm lạnh thông thường đến các bệnh nghiêm trọng hơn như Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (MERS-CoV) và Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV). Chủng virus mới thuộc họ corona (nCoV) là chủng mới chưa xác định trước đây ở người.

Nguy cơ dịch bệnh lây truyền vào Việt Nam là hoàn toàn có thể do nước ta có giao lưu thương mại, du lịch rất lớn với Trung Quốc. Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh xâm nhập và sẵn sàng thu dung, điều trị, quản lý tốt các trường hợp bệnh ngay khi phát hiện.

Đọc thêm