Một giàn khoan dầu tại khu vực Almetyevsk, Nga. Ảnh: TASS/TTXVN
Giá dầu thô Brent - tiêu chuẩn định giá toàn cầu - đã tăng vọt lên 124 USD/thùng vào đầu tuần này. Đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu tháng 3 sau khi Liên minh châu Âu (EU) thông báo mục tiêu cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu của Nga vào cuối năm nay.
Kể từ đó, giá nhiên liệu trên đã giảm nhẹ trở lại khoảng 117 USD/thùng, phần lớn là nhờ kỳ vọng rằng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC sẽ bơm thêm dầu ra thị trường, song thực tế lại không đủ để xoa dịu nỗi đau của người tiêu dùng, hoặc chế ngự lạm phát toàn cầu. Lệnh cấm vận của EU và sự phục hồi về nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - sẽ giữ chân giá nhiên liệu ở mức đắt đỏ đối với hầu hết khách hàng.
Nhà phân tích hàng đầu về dầu mỏ châu Mỹ tại công ty Kpler, ông Matt Smith nhận định với CNN Business rằng giá dầu ở ngưỡng ba con số sẽ tiếp tục tồn tại. Ông nói: “Nếu nhu cầu của Trung Quốc tăng mạnh trở lại sau thời kỳ phong tỏa và Nga tiếp tục chứng kiến sản lượng sụt giảm, thì khả năng lập lại kỷ lục 139USD hồi đầu năm nay là hoàn toàn có thể”.
Châu Âu từ bỏ dầu của Nga
Ngay cả khi lạm phát tăng vọt và tăng trưởng kinh tế chậm chạp làm dấy lên bóng ma suy thoái, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu khó có thể giảm đủ để làm hạ nhiệt như cuộc khủng hoảng năm 2008. Chuyên gia Smith nói: “Vì đó là vấn đề từ phía nguồn cung nên điều đáng lo lần này là ngay cả khi chúng ta đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế, thì giá cả không nhất thiết sẽ giảm đáng kể”.
Công nhân vận hành đường ống dẫn khí tại Công ty nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Hungary "MOL", gần làng Vecses, ngoại ô Budapest. Ảnh: AFP/TTXVN
Giới chức EU tuần trước đã chính thức thông qua lệnh cấm vận đối với 75% dầu mỏ nhập khẩu từ Nga, liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine. Hầu hết các nước EU hiện có thời hạn 6 tháng để loại bỏ dần nhập khẩu dầu thô của Nga và 8 tháng đối với tất cả các sản phẩm dầu khác.
Hiện tại, nhà phân tích tại Kpler tin rằng khối EU sẽ tiếp tục mua một lượng dầu từ Nga, song đồng thời đã mua nhiên liệu của các nhà cung cấp khác. Theo dữ liệu của Kpler, hoạt đông nhập khẩu dầu thô từ Angola đã tăng gấp ba lần kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, trong khi sản lượng nhập khẩu của Brazil và Iraq lần lượt tăng 50% và 40%.
Ông Roslan Khasawneh, nhà phân tích cấp cao về thị trường nhiên liệu tại công ty dữ liệu Vortexa, cho biết việc các nước EU tìm nguồn cung ứng từ những nơi xa xôi hơn sẽ làm giá dầu bị đội chi phí. Tuy vậy, theo ông Khasawneh, ác chính phủ có thể thực hiện một số biện pháp để giảm giá, như trợ giá nhiên liệu và đặt mức giá trần tại điểm bán lẻ. Nhưng điều mà thế giới đang thực sự cần để hạ nhiệt tình hình – nhiều nguồn cung hơn nữa - là điều khó xảy ra.
Không đủ phương án thay thế
Năm ngoái, chiến lược sản xuất của Nga – quốc gia chiếm 14% nguồn cung dầu toàn cầu - và các gói trừng phạt của phương Tây đang tạo ra một lỗ hổng đáng kể trên thị trường. Nga đã giảm sản lượng dầu gần 1 triệu thùng/ngày trong tháng 4 và con số này có thể đạt khoảng 3 triệu thùng/ngày vào nửa cuối năm 2022, theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác, gọi là OPEC+, đã nhất trí bơm thêm 648.000 thùng dầu/ngày ra thị trường toàn cầu trong tháng 7 và tháng 8 - nhiều hơn 200.000 thùng so với kế hoạch.
Biểu tượng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Ảnh: REUTERS/TTXVN
IEA dự đoán rằng sản lượng dầu toàn cầu, ngoại trừ thị phần của Nga, sẽ tăng hơn 3 triệu thùng/ngày trong thời gian còn lại của năm nay, giúp cân bằng tác động của các lệnh trừng phạt.
Nhưng ông Matt Smith nghĩ rằng triển vọng này có thể khó đạt được. Ông nói, ngay cả trước cuộc chiến ở Ukraine, các nhà sản xuất dầu đã giảm bớt đầu tư vào sản xuất khi họ chuyển hướng sang năng lượng tái tạo. Và OPEC cũng có những hạn chế riêng. OPEC + đang phải vật lộn để bắt kịp với thỏa thuận hiện tại - ngay cả các thành viên chủ chốt của OPEC như Saudi Arabia, UAE và Kuwait cũng xuất khẩu ít hơn đáng kể trong tháng trước so với tháng 4.
Trong khi đó, Chiến lược gia tại ngân hàng đầu tư UBS Giovanni Staunovo nhận thấy nhiều quốc gia thành viên OPEC + đã đạt đến mức giới hạn về năng lực sản xuất. Điều đó có nghĩa là mức tăng sản lượng có thể chỉ bằng khoảng một nửa mức tăng trong mục tiêu.
Các thùng dầu thô tại cơ sở của Tập đoàn Năng lượng Vermilion của Canada ở Parentis-en-Born, Pháp. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ
Nhiều tháng qua, các đợt phong tỏa nghiêm ngặt để chống COVID-19 ở Thượng Hải, Bắc Kinh và nhiều thành phố lớn khác của Trung Quốc đã làm suy giảm nhu cầu tiêu thụ của quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới này.
Nhưng khi Chính phủ Trung Quốc bắt đầu nới lỏng hạn chế, nhu cầu sử dụng tăng vọt có thể đẩy giá lên. Trung Quốc cũng có thể tăng cường nhập khẩu dầu từ Nga, nơi có dầu thô Urals đang được giao dịch với mức chiết khấu là 34 USD/thùng so với Brent.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại ga tàu hỏa ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 22/5/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Vortexa ước tính rằng Trung Quốc đã nhập khẩu 1,1 triệu thùng dầu của Nga mỗi ngày qua đường biển trong tháng 5, tăng khoảng 37% so với mức trung bình năm ngoái.
Nhu cầu về nhiên liệu ở Mỹ dường như khá ổn định, bất chấp giá cả đang đắt đỏ kỷ lục. Trong tuần lễ kết thúc hôm 4/6, lượng xăng được bán ra tại các trạm xăng ở Mỹ chỉ giảm 5% so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái.
Mức hụt ít ỏi đó xảy ra trong bối cảnh giá xămh trung bình toàn quốc tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,60 USD/gallon vào cuối tháng 5.