Ba tuyến Metro đầu tiên của Hà Nội khó kết nối?

(PLVN) - Hà Nội đang chuẩn bị xây thêm một tuyến đường sắt đô thị (Metro) thứ ba. Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 8 tuyến Metro. Tuy nhiên, làm thế nào để tăng kết nối giữa các tuyến Metro, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội tương xứng với số tiền đã bỏ ra đang là bài toán được đặt ra.
Ảnh minh họa

Ba tuyến Metro đầu tiên chạy song song

Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt đô thị Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc (tuyến số 5), tuyến đường sắt được đề xuất xây dựng với chiều dài 38,4 km. Tổng mức đầu tư dự kiến 65.404 tỷ đồng. Thời gian xây dựng 2021-2025, đưa vào khai thác, vận hành cuối năm 2025.

Như vậy, nếu năm sau tuyến Metro trên được xây dựng thì trước mắt Hà Nội sẽ có 3 tuyến đường sắt đô thị là: Tuyến Cát Linh – Hà Đông (dự kiến khai thác thương mại vào đầu năm 2021); Tuyến Nhổn – Ga Hà Nội (dự kiến khai thác vào quý IV năm 2021); và tuyến Văn Cao – Hòa Lạc (dự kiến khai thác năm 2025). 

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, mạng lưới đường sắt đô thị gồm 8 tuyến với tổng chiều dài khoảng 318 km.

Dự kiến, khi mạng lưới đường sắt đô thị TP Hà Nội hoàn thiện sẽ gia tăng tỉ lệ người dân sử dụng phương tiện hành khách công cộng tới 35-45%, giảm thị phần người sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông xuống 30%; đóng góp vào sự phát triển kinh tế của khu vực và cải thiện môi trường đô thị nhờ giảm thiểu tắc nghẽn giao thông và tình trạng ô nhiễm.

Cũng theo quy hoạch, 8 tuyến Metro trên sẽ kết nối với nhau, tạo thuận lợi cho người dân sử dụng. Tuy nhiên, nếu lưu ý ba tuyến Metro đầu tiên được Hà Nội ưu tiên xây dựng là tuyến Cát Linh – Hà Đông, Ga Hà Nội – Nhổn và Văn Cao – Hòa Lạc sẽ thấy cả ba tuyến Metro này gần như chạy song song với nhau, tất cả đều có trục hướng từ phía Đông Hà Nội về trung tâm Hà Nội. Như vậy có thể thấy, để ba tuyến Metro đầu tiên này kết nối với nhau là rất khó khăn.

Nên quy hoạch lại?

Theo chuyên gia giao thông đô thị, TS Nguyễn Xuân Thủy, phát triển Metro là việc nên làm. Tuy nhiên, với nguồn lực ngân sách hạn hẹp như nước ta, suất đầu tư Metro rất đắt, mỗi tuyến ít nhất phải trên 2 tỷ USD thì nên cân đối tuyến nào nên làm trước, tuyến nào làm sau.

“Mà Hà Nội không cần phải xây quá nhiều tuyến trong thời gian tới, nguồn lực mình còn yếu, chỉ nên xây vài 3-4 tuyến trước đã, khi hiệu quả rồi hãy mở rộng ra, làm tiếp”- ông Thủy nói và cho rằng, để các tuyến Metro hiệu quả thì cần nhiều yếu tố, trong đó vấn đề kết nối là rất quan trọng.

Kết nối Metro thì có hai dạng cơ bản: Kết nối giữa các tuyến Metro với nhau; Và kết nối giữa các nhà ga Metro với hệ thống đường bộ phía dưới mặt đất như kết nối với hệ thống xe buýt, xe công nghệ; các phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô... Ông Thủy đánh giá, hiện nay hai tuyến Metro Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – Ga Hà Nội dù đã chuẩn bị vận hành thương mại nhưng việc kết nối vẫn còn yếu. 

Cũng theo chuyên gia này, Hà Nội đã có quy hoạch về các tuyến đường sắt đô thị, tuy nhiên quy hoạch này đã lâu, nay cần cân nhắc việc tuyến nào nên làm tuyến nào không nên làm và có giải trình về lưu lượng khách, nhu cầu đi lại, khả năng giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm. “Quy hoạch trước đây chúng ta làm chưa được tốt nên khi làm, tính thuyết phục không được cao, cần xem xét lại”- ông Thủy nhận định.

Cũng theo ông Thủy, Hà Nội và Bộ GTVT nên mở các cuộc hội thảo để mổ xẻ, phân tích để trả lời câu hỏi tại sao các dự án đường sắt đô thị lại đội vốn, chậm tiến độ, từ đó đưa ra những giải pháp để những dự án tới đây tránh gặp phải.

Quy hoạch 8 tuyến Metro của Hà Nội

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, mạng lưới đường sắt đô thị gồm 8 Tuyến với tổng chiều dài khoảng 318 km.

Tuyến số 1: Ngọc Hồi – Như Quỳnh, dài khoảng 38,7 Km; Tuyến số 2: Nội Bài –Thượng Đình, dài 35,2 Km, là xương sống cho khu vực đô thị hiện tại và tương lai, kết nối với tuyến số 2A; Tuyến số 3: Nhổn – Ga Hà Nội, dài khoảng 21 Km, sau đó phát triển tuyến số 3 tới Sơn Tây, tổng chiều dài dự kiến là 48 km;

Tuyến số 4: Đông Anh – Sài Đồng – Vĩnh Tuy/Hoàng Mai – Thanh Xuân – Từ Liêm – Thượng Cát – Mê Linh, chiều dài khoảng 53,1 km, có dạng vòng tròn, kết nối với các tuyến số 1, số 2, số 3 và số 5; Tuyến số 5: Văn Cao – Hòa Lạc; Tuyến số 6: Nội Bài – Khu đô thị mới phía Tây Ngọc Hồi, kết nối với Tuyến số 4 tại Cổ Nhuế, dài  43 Km;

Tuyến số 7: Mê Linh – Đô thị mới phía Tây Nhổn – Vân Canh – Dương Nội, kết nối với tuyến số 4 tại đoạn Đại Mạch và Tây Tựu, với tuyến số 6 tại đoạn Dương Nội, chiều dài khoảng 35 Km; tuyến số 8: Cổ Nhuế – Vành đai 3 – Lĩnh Nam – Bát Tràng – Dương Xá, chiều dài khoảng 28 Km.

Đọc thêm