Bắc Giang nỗ lực 'dọn ổ' đón 'đại bàng' FDI

Bắc Giang nỗ lực 'dọn ổ' đón 'đại bàng' FDI

(PLVN) -  Hàng tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ về Bắc Giang khiến nhiều chuyên gia kinh tế gọi đây là một “hiện tượng”, một cạnh quan trọng trong “tam giác FDI” phía Bắc, “Thủ phủ” mới của dòng vốn FDI. Điều gì đã khiến Bắc Giang có sự bứt tốc ngoạn mục này, Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn.

Thưa ông, nhiều chuyên gia gọi Bắc Giang là “đất lành” và cho rằng, Bắc Giang hội tụ đủ 3 điều kiện cốt lõi để thu hút đầu tư là: Vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng và chất lượng lao động. Ông có thể cho biết rõ hơn về những lợi thế nổi trội của Bắc Giang trong việc thu hút đầu tư?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn: Tỉnh Bắc Giang có vị trí địa lý thuận lợi, khí hậu ôn hòa, thuộc vùng Đông Bắc của Việt Nam, thuộc vùng thủ đô Hà Nội và nằm trên hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Bắc Giang có hệ thống giao thông tương đối thuận lợi. Trong đó: Đường bộ bao gồm cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn và 5 tuyến Quốc lộ; Đường sắt gồm các tuyến Hà Nội - Lạng Sơn (thông thương sang Trung Quốc); Hà Nội – Bắc Giang (Kép) - Quảng Ninh- Thái Nguyên. Ga Kép (thuộc địa bàn huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) được đưa vào khai thác hoạt động liên vận quốc tế, góp phần nâng cao năng lực vận tải cho toàn tuyến Hà Nội - Lạng Sơn qua Trung Quốc và đi các nước châu Âu. Vị trí trung tâm Thành phố Bắc Giang cách Sân bay Quốc tế Nội Bài 50 phút di chuyển bằng xe ô tô.

Ngoài ra, Bắc Giang cách không xa các trung tâm công nghiệp, đô thị lớn của “Tam giác kinh tế phát triển”: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, nơi tập trung tiềm lực khoa học kỹ thuật của cả nước, nơi tập trung đầu mối kinh tế đối ngoại, giao lưu kinh tế, khoa học, công nghệ, thu hút đầu tư của cả nước, nơi tập trung đông dân cư, với tốc độ đô thị hoá nhanh và là thị trường tiêu thụ lớn sẽ là điều kiện thuận lợi để Bắc Giang phát triển kinh tế - xã hội.

Bắc Giang là địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh, đây là điều kiện rất thuận lợi để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và mục tiêu phát triển công nghiệp nói riêng.

Bắc Giang là địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh, đây là điều kiện rất thuận lợi để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và mục tiêu phát triển công nghiệp nói riêng.

Đặc biệt, Bắc Giang là địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh (Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/02/2022), đây là điều kiện rất thuận lợi để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và mục tiêu phát triển công nghiệp nói riêng. Theo đó quy hoạch 10 nghìn ha đất phát triển công nghiệp cho giai đoạn 2021-2030 (với 29 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 7.000ha, 63 cụm công nghiệp với diện tích hơn 3.000ha). Phương án phát triển công nghiệp được gắn liền với phát triển đô thị, dịch vụ.

Hiện nay, tỉnh Bắc Giang có dân số trên 1,9 triệu người, trong đó có khoảng 1,1 triệu người lao động trong độ tuổi lao động, nên nguồn lao động rất dồi dào. Trên địa bàn tỉnh cũng có 1 trường Đại học, 5 trường Cao đẳng nghề, 6 trường trung cấp nghề và 25 trung tâm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mỗi năm đào tạo khoảng 29.000 học sinh, sinh viên đảm bảo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Đến hết năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 74%, tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 32% (cao hơn bình quân chung của cả nước 5%)... Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh có khả năng kết nối, cung ứng cho doanh nghiệp trong tỉnh trên 25.000 lao động/năm.

Một điểm nổi trội trong bức tranh thu hút đầu tư của Bắc Giang là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với sự “hội ngộ” của nhiều ông lớn, trong đó có các tập đoàn công nghệ lớn Foxconn, Luxshare, Yadea… Bắc Giang đã làm những gì, có kế hoạch, chiến lược cụ thể như thế nào để những “đại bàng” chọn làm tổ, thưa ông?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn: Để xây dựng hình ảnh tỉnh Bắc Giang là điểm đến đầu tư hấp dẫn, tin cậy, an toàn và triển vọng của các Nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài,nhất là trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, tỉnh Bắc Giang luôn thực hiện thống nhất phương châm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ pháp luật cho các nhà đầu tư. Bằng những hành động cụ thể, Bắc Giang đã và đang quyết tâm xây dựng, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo động lực cho đầu tư và phát triển doanh nghiệp, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thứ nhất, Tập trung xây dựng môi trường kinh tế, môi trường đầu tư và kinh doanh nhằm khuyến khích phát triển tất cả các thành phần kinh tế dựa trên nguyên tắc bình đẳng và minh bạch.

Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 105-NQ/TU ngày 28/4/2021 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025. Sau khi Nghị quyết được ban hành, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo ban hành Kế hoạch nhằm cụ thể hóa từng nhiệm vụ mà Nghị quyết đã nêu và đã giao 73 nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện cụ thể cũng như định kỳ hàng năm.

UBND tỉnh đã quán triệt sâu sắc các sở, ngành, địa phương thường xuyên nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; nhất là trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục ngay tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", đùn đẩy trách nhiệm, chuyển từ duy “cho phép", “cấp phép” sang tư duy “phục vụ"; quy rõ trách nhiệm và thời gian giải quyết của từng nội dung, công việc liên quan đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Hằng năm tiến hành tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu và sáng kiến về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Bắc Giang” và cho tiến hành Khảo sát, đánh giá Năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và huyện, thành phố thuộc tỉnh Bắc Giang (DDCI). Đặc biệt, từ năm 2021 kết quả xếp loại DDCI cũng như nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đã được đưa là một tiêu chí đánh giá để bình xét thi đua, khen thưởng trong hướng dẫn tổng kết công tác thi đua, khen thưởng hàng năm để các cơ quan, địa phương thực hiện.

Thứ hai, Chủ động đã ban hành các các quy định, văn bản hướng dẫn trong triển khai thực hiện các nội dung có liên quan đến thu hút đầu tư đầu tư ngoài ngân sách; tạo hành lang pháp lý, khuyến khích, thúc đẩy các Nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, đặc biệt quan tâm đến các nhà đầu tư nước ngoài (FDI). Đồng thời, kịp thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật gây khó khăn cho các cơ quan, doanh nghiệp ở địa phương trong việc áp dụng thi hành.

Thứ ba, Tiếp tục tập trung cao cho đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ để phục vụ thu hút đầu tư. Trong đó ưu tiên hạ tầng giao thông trọng điểm, trọng tâm là các tuyến đường tạo không gian phát triển mới về công nghiệp, dịch vụ và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại, hạ tầng xã hội quanh các khu công nghiệp (chợ, trường học, nhà ở công nhân); hạ tầng thủy lợi trọng yếu; hạ tầng đô thị và du lịch, hạ tầng giáo dục và y tế thiết yếu, hạ tầng công nghệ thông tin - công nghệ số ...

Đến nay, Bắc Giang đã có 9 KCN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1.967,11ha, tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt khoảng 75,6%, trong đó:

6 KCN đang hoạt động, trong đó có 5 KCN đã lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp, bao gồm: KCN Đình Trám (127,4ha), KCN Quang Châu (516ha) KCN Song Khê - Nội Hoàng (149,8ha), KCN Vân Trung (349,6ha), KCN Việt Hàn (diện tích 50ha) và KCN Hòa Phú (207,5ha) tỷ lệ lấp đầy 90%.

3 KCN đang thực hiện GPMB và đầu tư xây dựng hạ tầng KCN: Trong đó có KCN Tân Hưng (diện tích 105,3ha) đã hoàn thành công tác GPMB, đang san lấp mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật (đã thu hút đầu tư đạt tỷ lệ lấp đầy 63%); KCN Yên Lư (diện tích 377ha), KCN Hòa Phú phần mở rộng giai đoạn 1 (diện tích 85ha) đang tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

Thứ tư, Tập trung cao, quyết liệt giải quyết tốt các điểm nghẽn, các nút thắt, các rào cản để tạo thuận lợi nhất cho công tác thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, như: Cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện tái cấu trúc quy trình giải quyết nhằm cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ...; Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kiến thiết hạ tầng cơ sở,...; Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân; tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khai thác thông tin;...

Thứ năm, Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp. Trong đó tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý về phát triển nhân lực; Triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hệ thống các cơ sở đào tạo nghề; đẩy mạnh liên doanh, liên kết và có chính sách đặc thù đào tạo nghề với các doanh nghiệp trong và ngoài nước…; khuyến khích phát triển cơ sở đào tạo tại doanh nghiệp, các hoạt động đào tạo nghề tại dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp, đảm bảo trang bị cho người lao động những kỹ năng mà doanh nghiệp cần đồng thời nâng cao năng lực công nghệ cho chính doanh nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng các chính sách về việc làm, thu nhập và các điều kiện sinh sống, định cư cho người lao động trên địa bàn tỉnh.

Thứ sáu, Chủ động hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh thường xuyên duy trì các cuộc gặp mặt, đối thoại trực tiếp lắng nghe ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh.UBND tỉnh sẵn sàng thành lập các Tổ công tác để hướng dẫn và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp FDI gặp phải.

Một trong những e ngại chính của các nhà đầu tư khi đến một địa phương đó là mặt bằng và thủ tục hành chính. Bắc Giang đã giải bài toán này như thế nào, thưa ông?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn: Vấn đề mặt bằng và hoàn thiện đồng bộ hạ tầng luôn là nút thắt đối với việc phát triển và mở rộng các KCN nói riêng và công tác thu hút đầu tư nói chung. Trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh Bắc Giang đã có những bài học kinh nghiệm và có những biện pháp cụ thể để khắc phục vấn đề nêu trên.

Theo đó, Việc lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng các KCN luôn được tỉnh coi trọng, ưu tiên lựa chọn những nhà đầu tư hạ tầng KCN có năng lực kinh nghiệm triển khai các dự án thực tế và đảm bảo năng lực tài chính để đảm bảo thực hiện nhanh chóng trong công tác đền bù GPMB và xây dựng hạ tầng.

Đối với công tác GPMB, tỉnh đề cao công tác tuyên truyền, kịp thời giải quyết những quyền lợi chính đáng của người dân có đất thu hồi thực hiện dự án để tạo sự đồng thuận của người dân; chủ động xây dựng các cơ chế hỗ trợ cho các hộ dân nhận tiền đền bù sớm; đồng thời, hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu về đất đai nhằm tạo điều kiện thuận lợi công tác quy chủ, kiểm đếm phục vụ tốt hơn cho công tác đền bù GPMB.

Ngoài ra, Bắc Giang xây dựng cụ thể kế hoạch triển khai thực hiện cho từng KCN, phân công rõ trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, chủ đầu tư, định kỳ hàng tháng tổ chức kiểm điểm tiến độ thực hiện.

Về thủ tục hành chính, tỉnh Bắc Giang quyết liệt thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện tái cấu trúc quy trình giải quyết nhằm cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc.

Thời gian qua, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện tập trung vào các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng nhằm cắt giảm thời gian giải quyết TTHC cho doanh nghiệp. Và qua đánh giá cho thấy, việc thực hiện phân cấp, ủy quyền được thực hiện rất hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần rất lớn vào việc xây dựng và tạo lập môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch. Đồng thời, cũng nâng cao trách nhiệm của cá nhân, tập thể được phân cấp, ủy quyền.

Năm 2022, Bắc Giang bứt phá vươn lên vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố xếp hạng chỉ số PCI với điểm số ấn tượng là 72,8. Kết quả này thể hiện bước tiến mạnh mẽ của Bắc Giang trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cấp tỉnh khi thứ hạng cải thiện 29 bậc và tăng 8,06 điểm so với PCI năm 2021. Chỉ số PAR INDEX năm 2022 Bắc Giang đạt 88,54/100 điểm, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc so với năm trước. Chỉ số SIPAS xếp thứ 44/63 tỉnh, thành phố (năm 2021 xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố).

Thực tiễn cho thấy, nhiều vướng mắc trong quá trình doanh nghiệp đầu tư nằm ở yếu tố “con người”. Được biết, lãnh đạo tỉnh luôn chủ động nắm bắt và gỡ vướng những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, ông có thể cho biết cách làm của Bắc Giang?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn: Xét về chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp thì Bắc Giang áp dụng đầy đủ các chính sách do Trung ương quy định. Điều cốt lõi giúp Bắc Giang thành công và được các nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận, ưu tiên tìm hiểu, khảo sát và thực hiện đầu tư chính là công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong suốt quá trình thực hiện đầu tư và sản xuất kinh doanh tại tỉnh, đặc biệt là trong thời gian vừa qua.

Xác định mục tiêu quan trọng trong thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư các dự án FDI, tỉnh thường xuyên có các nội dung chỉ đạo cụ thể và mạnh mẽ để nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, đặc biệt là nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc, giải quyết thủ tục hành chính và các nội dung liên quan tới doanh nghiệp; thường xuyên chỉ đạo thực hiện rà soát toàn bộ thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian giải quyết, loại bỏ yếu tố mà cán bộ, công chức còn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp.

Đồng thời, chú trọng tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Để làm được điều này, các cấp các ngành đều thực hiện công khai, minh bạch tất cả các thông tin, nhất là về quy hoạch, đất đai, các dự án đầu tư, đấu giá tài sản... Bên cạnh đó, tỉnh cũng luôn sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong khuôn khổ quy định của pháp luật, đặc biệt là việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng…để nhà đầu tư sớm triển khai dự án và đi vào sản xuất ổn định.

Đối với các dự án có tác động lớn đến KT-XH của địa phương, tỉnh đều thành lập các tổ công tác do 1 đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh làm tổ trưởng để hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án. Chúng tôi xây dựng các chương trình kế hoạch cụ thể, mời gọi doanh nghiệp đến khảo sát, cùng bàn bạc, trao đổi các vấn đề và cùng đi đến thống nhất. Với Bắc Giang, lãnh đạo tỉnh, sở ngành đều chủ động tìm doanh nghiệp, mời doanh nghiệp, giới thiệu họ về để khảo sát đầu tư chứ không để doanh nghiệp phải loay hoay đi tìm chính quyền.

Hàng tháng, tỉnh có các cuộc họp để cùng kiểm điểm, lắng nghe lại các kế hoạch. Vấn đề nào hoàn thành tốt thì tiếp tục phát huy, vấn đề nào còn chưa hoàn thành thì phải nêu được lý do tại sao chậm, khắc phục thế nào? Phương pháp, cách thức làm việc để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là xây dựng được sự an tâm của các Nhà đầu tư nước ngoài, tạo lòng tin đôi bên và sự chủ động của chính quyền địa phương. Hoạt động này được duy trì đều đặn, ngày càng cải tiến thiết thực hơn, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Đặc biệt là tỉnh Bắc Giang thực hiện linh hoạt và hiệu quả các biện pháp bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp an toàn trước các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh; tổ chức thực hiện đồng bộ các chế độ, chính sách hỗ trợ, khắc phục khó khăn do dịch bệnh, nhất là các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; chính sách gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất; chính sách miễn giảm thuế, tiền chậm nộp;… Điều này đã được thể hiện rất cụ thể và rõ ràng trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp tại Việt Nam nói chung và Bắc Giang giai đoạn 2020-2021.

Trong 10 chỉ số thành phần PCI 2022, Bắc Giang có 9 chỉ số thành phần tăng điểm. Trong đó, chỉ số “Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh” là chỉ số thành phần tăng điểm cao nhất và thay đổi thứ hạng nhiều nhất trong các chỉ số của tỉnh Bắc Giang năm 2022. Cụ thể, tăng 1,96 điểm, xếp hạng 3/63 tỉnh, thành phố (tăng 58 bậc so với năm 2021). Điều này phản ánh chủ trương nhất quán đồng hành cùng DN của chính quyền tỉnh.

Một trong những vấn đề đặt ra trong việc thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp và được người dân rất quan tâm đó là yêu cầu “phát triển bền vững”, bảo đảm môi trường sinh thái. Xin cho biết những định hướng trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt FDI của Bắc Giang trong thời gian tới?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn: Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục có các chính sách để đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI gắn với phát triển bền vững; trong đó tập trung hướng tới mô hình “Hệ sinh thái công nghiệp” với những định hướng chính như sau:

Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và cải cách hành chính. Đây chính là khâu cần tập trung và là vấn đề đặt ra đối với tỉnh hiện nay. Trong đó, tập trung vào việc nghiên cứu, ban hành hoặc đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến việc xác định vùng động lực, sản phẩm chủ lực; kết cấu hạ tầng, thu hút nhà đầu tư lớn, sản xuất công nghiệp phụ trợ, cung cấp nguyên liệu đầu vào; chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu lao động…

Bắc Giang nhất quán quan điểm phát triển công nghiệp hướng tới mô hình “Hệ sinh thái công nghiệp” trong giai đoạn tới. Theo đó, gắn kết khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh với khu đô thị, khu dịch vụ, với kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.

Bắc Giang nhất quán quan điểm phát triển công nghiệp hướng tới mô hình “Hệ sinh thái công nghiệp” trong giai đoạn tới. Theo đó, gắn kết khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh với khu đô thị, khu dịch vụ, với kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.

Hiện nay, tỉnh Bắc Giang chủ trương ưu tiên thu hút FDI theo hướng bền vững với quan điểm “1 không” không ô nhiễm, “2 ít” sử dụng ít đất, ít lao động, “3 cao” công nghệ cao, suất vốn cao, hiệu quả kinh tế cao; “5 sẵn sàng” sẵn sàng mặt bằng, nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư, chống dịch bệnh hiệu quả.

Cụ thể là ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực tham gia hiệu quả và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu, gồm: Các dự án sản xuất, chế tạo linh kiện và thiết bị điện tử; linh kiện và thiết bị điện; Các dự án cơ khí chế tạo máy móc, thiết bị và gia công kim loại, trong đó tập trung các ngành sản xuất khuôn mẫu cho công nghiệp điện, điện tử, công nghiệp ôtô; xe máy; thiết bị y tế ...Các dự án sản xuất phần mềm. Đây là một trong số các lĩnh vực có hàm lượng chất xám cao nhất, tạo giá trị gia tăng lớn và không tiêu tốn tài nguyên, năng lượng cũng như không gây ô nhiễm môi trường....

Trong các KCN hiện hữu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tính đến ngày 20/8/2023 đã thu hút 470 dự án còn hiệu lực, trong đó có 357 dự án FDI, 113 dự án DDI. Tổng vốn đầu tư đăng ký là 8,596 tỷ USD và 17.968 tỷ đồng. Vốn đầu tư thực hiện ước đạt khoảng 6,587 tỷ USD, đạt 76,63% tổng vốn đăng ký và khoảng 10.709 tỷ đồng, đạt 59,6% vốn đầu tư đăng ký.

Hiện có 419 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, giá trị SXCN lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 8/2023 ước đạt 258.800 tỷ đồng, bằng 80,12% kế hoạch năm; Giá trị xuất khẩu ước đạt 15.100 triệu USD, bằng 68,64% kế hoạch năm.

Song song với đó là tỉnh Bắc Giang nhất quán quan điểm phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang hướng tới mô hình “Hệ sinh thái công nghiệp” trong giai đoạn tới. Theo đó, gắn kết khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh với khu đô thị, khu dịch vụ, với kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại (cấp thoát nước; bãi đỗ xe; cây xanh; công trình xử lý môi trường; không gian sinh hoạt cộng đồng; các khu dịch vụ; vui chơi giải trí...). Quan tâm phát triển các dịch vụ hậu cần tại các khu, cụm công nghiệp như logistics, ngân hàng, hải quan, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe… với các dịch vụ tiện ích khác biệt, tạo ra môi trường làm việc và môi trường sống văn minh, an toàn, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia, người lao động cả trong và ngoài nước làm việc tại tỉnh. Qua đó, tạo thành một hệ sinh thái công nghiệp bền vững.

Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển, trong đó, tập trung vào hạ tầng giao thông với các tuyến đối ngoại, vành đai kết nối với các địa phương lân cận, kết nối với hệ thống cảng biển, sân bay, kết nối giữa các tuyến đường tỉnh với các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường vành đai; hạ tầng phát triển công nghiệp đồng bộ để thu hút đầu tư; hạ tầng đô thị để đẩy mạnh phát triển dịch vụ và là trung tâm phát triển các khu vực, tiểu vùng; hạ tầng công nghệ thông tin để hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, xã hội số; phát triển hạ tầng xã hội bảo đảm nhu cầu xã hội và đẩy mạnh phát triển dịch vụ xã hội.

Đặc biệt tỉnh Bắc Giang phấn đấu thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp; Đẩy mạnh quá trình chuyển dịch lao động sang các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao. Thực hiện liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trên địa bàn và mạng lưới trung tâm giới thiệu việc làm các tỉnh trong vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng trong hoạt động giới thiệu việc làm. Nâng cao nguồn nhân lực đáp ứng cả số lượng và chất lượng đảm bảo cho nhu cầu thị trường với cơ cấu hợp lý.

Trân trọng cảm ơn ông.

Đọc thêm