Nhiều mô hình, cách làm tốt, đạt hiệu quả cao
Theo báo cáo từ Ban đại diện Hội đồng Quản trị Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bắc Kạn, tổng dư nợ của 16 chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn miền núi nằm sâu giữa vùng Đông Bắc này đến cuối tháng 9/2022 là 2.560 tỷ đồng với 42.300 khách hàng đang vay vốn. Trong đó, dư nợ ủy thác vốn vay của NHCSXH qua các tổ chức chính trị xã hội đạt 2.500 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 98% tổng dư nợ chính sách toàn tỉnh.
Ông Hà Sĩ Côn, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Kạn cho biết cụ thể: trong số 4 tổ chức chính trị xã hội làm nhiệm vụ ủy thác phải kể đến Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hiện có dư nợ ủy thác lớn nhất với 860 tỷ đồng và 14.153 hội viên đã sử dụng vốn ưu đãi đầu tư vào sản xuất kinh doanh; Tiếp đến là Hội Nông dân tỉnh quản lý 722 tỷ đồng và các đơn vị Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên đều có dư nợ ủy thác vốn vay ưu đãi gần 20% trên tổng dư nợ
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Bắc Kạn, bà Hà Thị Liễu khẳng định, việc khai thác quản lý nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã được các cấp hội đẩy mạnh triển khai, tổ chức thực hiện với nhiều mô hình, cách làm tốt, đạt hiệu quả cao. Thông qua hoạt động tín dụng ủy thác, đội ngũ cán bộ hội các cấp nâng cao năng lực, đổi mới phương thức hoạt động đi vào thực tế, chăm lo tốt hơn cho phụ nữ. Hội phụ nữ các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, tăng cơ hội phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, trong đó được nâng cao vị thế trong xã hội.
Chuyển tải kịp thời vốn chính sách đến đúng đối tượng
Thực tế cho thấy, phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số công việc thông qua các tổ chức chính trị xã hội gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên ở tỉnh miền núi Bắc Kạn huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị các cấp để chuyển trở nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, của tỉnh đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Đồng thời còn gắn bó với việc thực hiện bình xét cho vay tại các Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) dưới sự chứng kiến tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã và trưởng thôn, Ngân hàng giải ngân trực tiếp cho người vay tại các điểm giao dịch xã được triển khai có hiệu quả trong những năm vừa qua đã góp phần đảm bảo vốn tín dụng chính sách đến đúng các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch và kịp thời.
Thông qua phương thức cho vay ủy thác các tổ chức chính trị - xã hội có điều kiện lồng ghép hiệu quả chương trình tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách, hoạt động của tổ chức Hội được mở rộng, phong phú, uy tín của Hội đoàn thể được nâng lên, từ đó góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị tại cơ sở.
Đặc biệt trong những năm qua, vai trò của trưởng thôn trong triển khai tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở ngày càng được nâng lên, vừa góp phần giúp chuyển tải kịp thời các thông tin về chủ trương, tín dụng chính sách xã hội đến với nhân dân, vừa phát huy vai trò giám sát trong bình xét, lựa chọn đối tượng cho vay tại Tổ TK&VV, giám sát người vay sử dụng vốn, kịp thời phát hiện, phối hợp xử lý những trường hợp phát sinh dễ dẫn đến nguy cơ mất vốn trong quá trình sử dụng vốn của người vay cũng như phối hợp với Tổ TK&VV, Hội đoàn thể, NHCSXH và các cơ quan liên quan trong việc đôn đốc người vay trả nợ khi đến hạn, đôn đốc thu hồi nợ quá hạn tồn đọng trên địa bàn…
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, cùng với việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, đẩy mạnh công tác huy động tạo lập nguồn vốn lớn, đảm bảo chuyển tải kịp thời vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Kạn tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho vay, chất lượng hoạt động toàn bộ hệ thống 108 điểm giao dịch xã và mạng lưới 1.567 Tổ TK&VV tại thôn, tổ dân phố… nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của đồng bào các dân tộc, góp phần thực hiện mục tiêu hàng năm của tỉnh về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh xã hội.