Bắc Kạn: Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bắc Kạn hiện đứng 51 trên toàn quốc về Chỉ số xếp hạng chuyển đổi số; đứng thứ 55 toàn quốc về chính quyền số; đứng thứ 39 toàn quốc về kinh tế số và thứ 42 toàn quốc về xã hội số. Đây vẫn là thứ hạng mà tỉnh Bắc Kạn cần phấn đấu nâng cao hơn nữa.
Đoàn Thanh niên huyện Na Rì thực hiện thí điểm hỗ trợ người dân trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các ứng dụng thông minh. (Ảnh: Lê Hanh)
Đoàn Thanh niên huyện Na Rì thực hiện thí điểm hỗ trợ người dân trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các ứng dụng thông minh. (Ảnh: Lê Hanh)

Trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã khẳng định: “Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số”, “Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức”. Tỉnh Bắc Kạn đang từng bước cụ thể hóa các quan điểm, nhiệm vụ và thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc thay đổi nhận thức của cán bộ trước khi bắt tay vào các công việc cụ thể của quá trình chuyển đổi số.

Hiện toàn tỉnh Bắc Kạn có 40 công chức, viên chức chuyên trách, kiêm nhiệm trong lĩnh vực CNTT thuộc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Trên địa bàn tỉnh cũng có 108/108 xã thành lập được Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 1.014 thành viên tham gia; 1.292/1.292 thôn, bản thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với 5.689 thành viên tham gia.

Để thu hút nguồn nhân lực cho lĩnh vực này, đồng thời nâng cao nhận thức cho từng cán bộ trong công tác chuyển đổi số, tỉnh Bắc Kạn tiến tới sẽ triển khai thực hiện các chế độ ưu đãi, các điều kiện làm việc tốt đối với người hoạt động chuyên trách về ứng dụng và phát triển CNTT trong các cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức nhiều hội nghị tập huấn kiến thức về chuyển đổi số theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến cho các cán bộ, nhân viên chuyên trách trong lĩnh vực CNTT.

Hiện tỉnh Bắc Kạn đang đứng 51 trên toàn quốc về Chỉ số xếp hạng chuyển đổi số; đứng thứ 55 toàn quốc về chính quyền số; đứng thứ 39 toàn quốc về kinh tế số và thứ 42 toàn quốc về xã hội số. Để hiện thực chuyển đổi số hiệu quả, Bắc Kạn đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu cả nước.

Cán bộ Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Kạn) hỗ trợ người dùng sử dụng các phần mềm của tỉnh. (Ảnh: Lê Hanh)

Cán bộ Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Kạn) hỗ trợ người dùng sử dụng các phần mềm của tỉnh. (Ảnh: Lê Hanh)

Mới đây, UBND tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2023 - 2025 với Tập đoàn Viettel.

Đồng thời, tỉnh ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty Cổ phần FPT trong việc đồng hành, hỗ trợ, tư vấn triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số giai đoạn 2023 - 2025. Theo thỏa thuận được ký kết, Tập đoàn FPT sẽ hỗ trợ tư vấn triển khai các hoạt động chuyển đổi số dựa trên nhu cầu của tỉnh và phù hợp với năng lực và thế mạnh của FPT; hỗ trợ tỉnh phát triển chính quyền số, xã hội số, kinh tế số, hạ tầng và công nghệ số, an toàn thông tin mạng, nhận thức số...

Từ ngày 1/7, tỉnh Bắc Kạn đã thí điểm triển khai thực hiện chuyển đổi số tại 8 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh năm 2023. Theo đó, mỗi huyện, thành phố lựa chọn 1 xã, thị trấn làm thí điểm triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số gắn với công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Việc xây dựng thí điểm mô hình chuyển đổi số tại các xã nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho người dân; tăng cường tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền; hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các ứng dụng, dịch vụ tiện ích thuận lợi nhất.

Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa nhận thức về chuyển đổi số, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục đề ra các giải pháp trọng tâm như tổ chức các hội nghị, hội thảo bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho cán bộ lãnh đạo cơ quan nhà nước các cấp về chuyển đổi số; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức về kỹ năng số; tích cực tuyên truyền thay đổi nhận thức của cán bộ, thay đổi thói quen, hành vi và tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số...

Tuy nhiên, bên cạnh sự kết nối, hỗ trợ, đồng hành của tỉnh thì rất cần sự chủ động nâng cao nhận thức, triển khai tích cực của các cán bộ, cùng sự đồng thuận của người dân, các đơn vị sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp.

Đọc thêm