Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn
Theo số liệu từ Cục thống kê tỉnh Hải Dương, với mức tăng trưởng 10,2% của địa phương, nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đã đóng góp 0,20 điểm%; công nghiệp, xây dựng đóng góp 7,21 điểm%; dịch vụ đóng góp 1,98 điểm%; thuế và trợ cấp sản phẩm đóng góp 0,81 điểm%;
Theo đánh giá từ các cơ quan chuyên môn, năm 2024 chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn phát triển khá, là động lực chủ yếu trong tăng trưởng lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh.
Đã hình thành nhiều cơ sở chăn nuôi theo mô hình công nghiệp hiện đại, trang trại quy mô lớn; chăn nuôi khép kín áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong vận hành, quản lý đàn vật nuôi; các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất thức ăn dạng lỏng cho lợn; mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và bảo vệ môi trường. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ngành chăn nuôi năm 2024 của tỉnh Hải Dương ước tăng trên 6,8% và đã đóng góp vào 0,20 điểm % tăng GRDP chung.
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là điểm sáng của tỉnh Hải Dương khi tăng trưởng của ngành này ước đạt 14,17% (tăng cao hơn tốc độ của 2023 là 5,47%), đóng góp 5,88 điểm % tăng GRDP chung. Trong đó, ngành sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngành chế biến chế tạo duy trì tăng trưởng cao, ổn định trong cả năm.
Ngoài ra, các ngành như chế biến thực phẩm; sản xuất trang phục; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; Sản xuất thiết bị cũng giữ tăng trưởng ổn định.
Cùng với đó hoạt động xây dựng ngoài nhu cầu sửa chữa các công trình sau bão, việc thu hút đầu tư và quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công đã giúp tăng trưởng ngành xây dựng của địa phương duy trì mức trưởng khá (+10,48%) và đóng góp khoảng 0,53 điểm% tăng GRDP.
Tiêu dùng dân cư duy trì mức tăng khá, trong đó hoạt động thương mại ít chịu ảnh hưởng, do mưa bão không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, hoạt động thương mại, vận tải đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng chung so với các ngành dịch vụ khác.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực
Cơ cấu kinh tế theo ngành kinh tế của địa phương đang chuyển dịch theo hướng tích cực. Theo đó, cấu kinh tế khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản của tỉnh giảm so với năm trước, do đặc thù có tăng trưởng thấp vì hạn chế về khả năng sinh trưởng cây trồng, vật nuôi và quỹ đất giảm.Tăng trưởng công nghiệp khá cao nên chuyển dịch nhanh và dịch vụ cũng chuyển dịch chậm vì tăng trưởng thấp hơn (hoặc tương đương) tăng trưởng của cả nền kinh tế.
Xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế vẫn chủ yếu theo hướng giảm tỷ trọng các ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, phù hợp với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cụ thể, năm 2024, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng, dịch vụ của tỉnh Hải Dương chiếm 83,0% GRDP, trong khi năm 2023 chiếm 82,6%.
Tuy nhiên, tỷ trọng khu vực 3 vẫn có xu hướng giảm cho thấy nền kinh tế của địa phương vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hoá, kinh tế dịch vụ vẫn còn nhiều dư địa để phát triển trong các năm tiếp theo.
Đối với cơ cấu kinh tế theo loại hình kinh tế, tăng trưởng của Hải Dương vẫn chủ yếu dựa vào khu vực vốn đầu tư nước ngoài do các dự án FDI có lợi thế về vốn, trang thiết bị máy móc hiện đại, công nghệ tiên tiến và có sẵn chuỗi cung ứng – tiêu thụ sản phẩm ở quy mô lớn.
Cụ thể, tính đến 20/11, các khu công nghiệp trong tỉnh đã thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt khoảng 597,6 triệu USD. Điển hình trong thu hút nhà đầu tư thứ cấp như khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng, An Phát 1.
Đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút 419 dự án đầu tư thứ cấp, gồm 328 dự án FDI đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đăng ký 6,5 tỷ USD.
Khu vực Nhà nước chiếm tỷ trọng khá thấp (dưới 8,0%) và có xu hướng giảm do doanh nghiệp nhà nước không được đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất hiện có; Khu vực hành chính, sự nghiệp nhà nước thắt chặt chi tiêu thường xuyên.
Tuy nhiên, các cơ quan chuyên môn của tỉnh Hải Dương đánh giá, khu vực ngoài nhà nước có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Đóng góp khu vực ngoài nhà nước ổn định trong thời gian qua, nhưng vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng và tiềm năng hiện có; tỷ trọng đóng góp chiếm trên 50,0%.
Năm 2024, quy mô kinh tế của tỉnh Hải Dương ước đạt hơn 212.000 tỷ đồng, tiếp tục đứng thứ 11 cả nước. GRDP bình quân đầu người của tỉnh ước đạt 107,4 triệu đồng/người (tương ứng 4.456 USD/người); đứng thứ 8/11 Vùng Đồng bằng sông Hồng.
Tổng thu ngân sách nhà nước của địa phương ước đạt 30.774 tỷ đồng; bằng 138,0% so với năm trước.Đây lần đầu tiên Hải Dương gia nhập nhóm địa phương có số thu ngân sách cán mốc 30.000 tỷ đồng, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong lĩnh vực tài chính của tỉnh.