Bắc Kạn triển khai 10 nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - UBND tỉnh Bắc Kạn mới giao các Sở, ngành, địa phương trên địa bàn triển khai 10 nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện Kế hoạch của Tỉnh ủy Bắc Kạn triển khai Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bắc Kạn chú trọng đảm bảo an ninh nguồn nước (Ảnh: Minh Ngọc)
Bắc Kạn chú trọng đảm bảo an ninh nguồn nước (Ảnh: Minh Ngọc)

Theo Kế hoạch, UBND tỉnh Bắc Kạn giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố tập trung tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới.

Cụ thể, các sở, ngành, đơn vị, địa phương phổ biến, quán triệt các Luật, Nghị định, văn bản chỉ đạo về thực hiện công tác bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân để nhận thức đúng, đầy đủ về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, liên quan trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thứ hai, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước. Trong đó, tập trung việc huy động, bố trí nguồn lực, khuyến khích, thu hút nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư xây và thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước theo quy định hiện hành.

Thứ ba, các đơn vị nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước. Chú trọng việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi xâm phạm an ninh, an toàn hoặc đe dọa xâm phạm an ninh, an toàn nguồn nước và đập, hồ chứa nước, công trình thủy lợi.

Thứ tư là nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thuỷ lợi, tài nguyên nước và điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước. Theo đó cần tiếp tục triển khai điều tra cơ bản, giám sát, kiểm kê, đánh giá về năng lực kết cấu hạ tầng ngành nước, trữ lượng, chất lượng nguồn nước, kịp thời cung cấp số liệu phục vụ công tác lập quy hoạch và quản lý, chỉ đạo, điều hành.

Thứ năm là nâng cao năng lực tích trữ, điều hoà, phân phối nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, phấn đấu đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, bảo đảm chủ động trữ nước, điều hòa, phân phối nguồn nước trong nội tỉnh, liên tỉnh. Xây dựng mới đập, hồ chứa nước, công trình điều tiết, bảo vệ, kiểm soát nguồn nước tại các vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, lũ, ngập lụt để tích trữ, điều hoà, giảm ngập úng. Xây dựng, hoàn thiện công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, đô thị; thực hiện giải pháp tích, trữ nước quy mô nhỏ, hộ gia đình phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Thứ sáu là nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng việc hiện đại hóa hệ thống quan trắc, cảnh báo khí tượng thủy văn, cơ sở dữ liệu thông tin liên quan đến an toàn đập, hồ chứa nước. Tăng cường công tác quản lý, vận hành các đập, hồ chứa nước, bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du đập.

Thứ bảy, các đơn vị cần nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai liên quan đến nước và biến đổi khí hậu. Củng cố, nâng cấp kết cấu hạ tầng nhất là công trình thủy lợi, thủy điện, giao thông, xây dựng, hệ thống điện, thông tin; đầu tư các dự án di dân khẩn cấp phòng, chống lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối đảm bảo an toàn chủ động ứng phó với các tình huống bất lợi. Thực hiện giải pháp phục hồi các dòng sông, hệ thống công trình thủy lợi bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.

Thứ tám là nâng cao chất lượng nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước.

Thứ chín là tăng cường bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sinh thủy, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.

Thứ mười là tăng cường hợp tác quốc tế. Phối hợp thực hiện hiệu quả các cam kết, điều ước quốc tế liên quan đến an ninh nguồn nước, quản trị và chia sẻ nguồn nước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Phối hợp trong các hoạt động nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách; các khuôn khổ hợp tác mới với tổ chức, đối tác quốc tế.

Nước là vấn đề thiết yếu của cuộc sống, gắn chặt với sự an toàn của cộng đồng, an ninh quốc gia. Với những giải pháp cụ thể đã đề ra, Bắc Kạn kỳ vọng, thời gian tới, công tác bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước của tỉnh sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân.

Đọc thêm