Bắc Ninh đảm bảo an sinh xã hội để người lao động yên tâm làm việc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc đảm bảo an ninh xã hội nhằm giữ chân người lao động tại các doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, là một trong những mục tiêu hàng đầu của tỉnh Bắc Ninh.
Bắc Ninh thu hút nhiều lao động làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp
Bắc Ninh thu hút nhiều lao động làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp

Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cả nước có 25 địa phương, đơn vị, ngành báo cáo có người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm và đời sống tính đến thời điểm hiện tại.

Trong đó, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng là 441 với tổng số gần 625.000 lao động. Đáng chú ý, hơn 240.000 công nhân dệt may, da giày, chế biến gỗ đang thiếu việc làm dịp cuối năm do doanh nghiệp cắt giảm hoặc chờ đơn hàng.

Bắc Ninh là tỉnh thu hút nhiều lao động làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với hơn 450.000 lao động, trong đó, trên 75% là lao động ngoài tỉnh. Do đó, việc đảm bảo đời sống cho công nhân lao động, giúp họ yên tâm làm việc, ổn định cuộc sống là một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà tỉnh đã đặt ra.

Trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, số lượng nhân công, người lao động đã bị cắt giảm nhiều, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân cũng như tình hình kinh tế, xã hội địa phương.

Ngay sau khi có Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Kế hoạch 478/KH-UBND ngày 14/7/2021 để triển khai thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh.

Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo cấp uỷ, chính quyền các cơ quan từ huyện đến cơ sở quan tâm chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền rộng rãi để nhân dân, người lao động nhận thức rõ quyền lợi, chế độ, thiết lập hồ sơ và mức hỗ trợ đối với từng nhóm đối tượng.

Kết quả đạt được tính đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện chi trả hỗ trợ cho hơn 8.100 đơn vị, doanh nghiệp; 368 hộ kinh doanh; hơn 604 nghìn người...bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Riêng trong năm 2021, Công đoàn tỉnh Bắc Ninh đã bảo vệ quyền lợi cho gần 700 người lao động về tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19, với số tiền gần 7 tỷ đồng.

Đặc biệt trong năm 2022, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục hoàn thành thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng.

Ông Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh khẳng định: “Bắc Ninh là địa phương luôn đi đầu cả nước về thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Chủ trương hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động theo Nghị quyết 08/2022/QĐ-TTg là chính sách nhân văn của Nhà nước, góp phần giúp đỡ người lao động vượt qua khó khăn, từ đó tạo động lực ổn định sản xuất, kinh doanh”.

Cùng với đó, Bắc Ninh đang đẩy nhanh các dự án nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp và công nhân để giúp người lao động có thể yên tâm làm việc và gắn bó với địa phương.

Thời điểm cuối năm, cận Tết, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh hiện cũng đang đôn đốc các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện các chế độ tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động theo nội dung đã thỏa thuận.

Tặng quà Tết cho công nhân Công ty cổ phần UIL Việt Nam - Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh
Tặng quà Tết cho công nhân Công ty cổ phần UIL Việt Nam - Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh

Đối với Công đoàn tỉnh cũng phối hợp với các doanh nghiệp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, tạo mối quan hệ lao động hài hòa, tránh xảy ra tranh chấp lao động, đình công. Chuẩn bị các phần quà Tết cho người lao động trên địa bàn.

Với phương châm bảo vệ quyền lợi của người lao động và mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, các cấp, các ngành cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh luôn quan tâm, chăm lo tốt cho người lao động.Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tới doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người dân. Đồng thời, các cơ quan chuyên môn tích cực trong việc thiết lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định; nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để kịp thời giải quyết cho các doanh nghiệp và người lao động.

Đọc thêm