Bắc Ninh phát động phong trào thi đua chuyển đổi số giai đoạn 2024-2025

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - UBND tỉnh Bắc Ninh mới ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua “Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2024 – 2025”. Đây là bước đi quan trọng nhằm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh.
Thủ tướng kỳ vọng Bắc Ninh 'khai phá tiềm năng, kiến tạo thịnh vượng". Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng kỳ vọng Bắc Ninh 'khai phá tiềm năng, kiến tạo thịnh vượng". Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phong trào thi đua này được phát động nhằm phát huy sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số và tạo ra một không khí thi đua sôi nổi trong các cơ quan, đơn vị và địa phương.

Việc triển khai phong trào này được xem là trách nhiệm của cấp ủy và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương, với mục tiêu đến năm 2025, Bắc Ninh cơ bản hình thành được chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số.

Phong trào thi đua cũng nhằm tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai chương trình chuyển đổi số của tỉnh, qua đó phát hiện và nhân rộng những sáng kiến, giải pháp hiệu quả.

Bắc Ninh đã đạt được nhiều tiến bộ trong công cuộc chuyển đổi số, thể hiện qua các số liệu và sáng kiến quan trọng. Tính đến tháng 8 năm 2024, hơn 3 triệu tài liệu đã được xử lý trực tuyến, chiếm hơn 90% tổng số tài liệu được tỉnh xử lý.

Điều này cho thấy sự cam kết mạnh mẽ trong việc số hóa các quy trình hành chính và nâng cao hiệu quả xử lý công việc.

Đầu năm 2024, tỉnh cũng đã phê duyệt 167 dự án đầu tư với tổng diện tích 11.638 ha, trải rộng trên các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ và sản xuất thông minh.

Phong trào thi đua sẽ được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh Bắc Ninh, thu hút sự tham gia của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân như cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Ông Nguyễn Trung Hiền, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Ninh cho biết: “Một trong những tiện ích xã hội đang phát huy hiệu quả cao trong thực hiện chuyển đổi số hiện nay phải kể đến Ứng dụng “Phản ánh kiến nghị” tỉnh Bắc Ninh trên thiết bị di động. Hiện nay, Ứng dụng được triển khai đến 252 cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh, với 1500 tài khoản; tiếp nhận vượt mốc 10.000 phản ánh, kiến nghị ở 30 lĩnh vực; tỷ lệ xử lý đạt trên 95%. Ứng dụng đã trở thành kênh tương tác tổng hợp giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền, được người dân đồng tình hưởng ứng, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá là ứng dụng tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số…”

Nội dung thi đua bao gồm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp chính quyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, xây dựng chương trình và kế hoạch chuyển đổi số cho từng ngành, lĩnh vực và địa phương. Đồng thời, phong trào còn thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng số, đảm bảo an ninh thông tin và an toàn dữ liệu.

Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và blockchain vào hoạt động quản lý và phát triển kinh tế cũng là một trọng điểm trong phong trào này. Các doanh nghiệp được khuyến khích xây dựng các mô hình kinh doanh và dịch vụ số, hướng đến phát triển kinh tế số của tỉnh.

Bên cạnh đó, Bắc Ninh cũng đang hướng đến mục tiêu trở thành một mô hình thành phố thông minh vào năm 2050, tập trung vào ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành chương trình chuyển đổi số với định hướng đến năm 2030, nhằm nâng cao cải cách hành chính và cải thiện dịch vụ công. Những nỗ lực này là một phần trong chiến lược tổng thể của Bắc Ninh nhằm xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Theo kế hoạch, Bắc Ninh đặt ra nhiều chỉ tiêu cụ thể để đạt được đến năm 2025. Trong đó, 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 sẽ được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau. Bên cạnh đó, 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh và 80% tại cấp huyện, xã sẽ được xử lý trên môi trường mạng. Bắc Ninh cũng phấn đấu nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Đặc biệt, kinh tế số được kỳ vọng chiếm 20% tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP), với mức tăng trưởng năng suất lao động đạt tối thiểu 10% mỗi năm.

Phong trào thi đua này được tổ chức từ năm 2024 đến hết năm 2025, với việc khen thưởng diễn ra vào dịp Ngày Chuyển đổi số 10/10 hàng năm. Các cơ quan, đơn vị và địa phương sẽ đánh giá, lựa chọn và đề nghị khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật. Kết quả thực hiện phong trào thi đua là cơ sở quan trọng để xem xét khen thưởng, đảm bảo tính công khai, minh bạch và đúng đối tượng.

Các sở, ban, ngành và địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai phong trào thi đua này. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phối hợp với Sở Nội vụ để thực hiện việc khen thưởng. Đồng thời, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bắc Ninh cũng sẽ tham gia tuyên truyền, tạo điều kiện nhân rộng các mô hình chuyển đổi số tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

“Công tác giải quyết TTHC được quan tâm đẩy mạnh, đã cung cấp 1.385 dịch vụ công trực tuyến/1.817 TTHC, đạt tỷ lệ 76,2% và đảm bảo 100% dịch vụ công đủ điều kiện đã được triển khai toàn trình. Tích hợp 1.170 dịch vụ công thường xuyên phát sinh hồ sơ lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 86%. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn tỉnh đạt 92.24%, trong đó cấp huyện đạt 98,5%, cấp xã đạt 98,76%. Đến thời điểm này, tỷ lệ số hoá thủ tục, thành phần hồ sơ trên toàn tỉnh đạt trung bình hơn 98%, tăng hơn 85% so với trước khi có Chỉ thị 10/ CT- UBND ngày 1/6/2023 về tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng cung cấp và thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh…” Đồng chí Nguyễn Trung Hiền, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Ninh cho biết thêm.

Việc phát động phong trào thi đua “Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2024 - 2025” không chỉ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và xã hội số tại tỉnh.

Các doanh nghiệp công nghệ thông tin cũng được khuyến khích hỗ trợ ứng dụng công nghệ cho các cơ quan, đơn vị, từ đó đưa nền tảng số và công nghệ số đến từng gia đình và người dân một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Phong trào thi đua này là một bước quan trọng để Bắc Ninh xây dựng một cộng đồng số mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.

Đọc thêm