Bác sĩ có thể hướng dẫn dùng thực phẩm chức năng vào y bạ?

Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, đồng tình với quan điểm: “Việc Luật quy định không được kê đơn thực phẩm chức năng vào đơn thuốc là đúng” nhưng cho rằng “Bác sĩ có thể hướng dẫn người bệnh dùng trong một đơn khác, hay trong sổ y bạ”.

Khảo sát của Cục An toàn thực phẩm năm 2011 cho thấy, tại một số thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, có hơn 50% số người lớn sử dụng thực phẩm chức năng. Điều này cho thấy sử dụng thực phẩm chức năng để chăm sóc sức khỏe đã trở thành xu hướng toàn cầu trong thời đại hiện nay. Tuy nhiên, phần đông người tiêu dùng trong nước vẫn chưa nhận thức được đúng công dụng của thực phẩm chức năng. Vì thế hoặc là họ ngại sử dụng hoặc sử dụng một cách thiếu khoa học.

Người dân “tự biên, tự diễn”

Một số người tự ý chọn thực phẩm chức năng để hỗ trợ điều trị bệnh, nhưng lại không nắm thông tin về bệnh học và tương tác giữa thực phẩm chức năng và thuốc. Quá trình điều trị không đạt hiệu quả, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng bệnh tật và sức khỏe.

Dân tự biên tự diễn khi dùng thực phẩm chức năng. Ảnh minh họa
Người dân "tự biên tự diễn" khi dùng thực phẩm chức năng. Ảnh minh họa

Theo các bác sĩ, thực phẩm chức năng có vai trò quan trọng trong hỗ trợ điều trị, đặc biệt là đối với bệnh mãn tính. Khi phải sử dụng thuốc đặc trị, thuốc kháng sinh liều cao dài ngày, việc bổ sung thực phẩm chức năng sẽ giúp hỗ trợ cơ thể chịu tác động trực tiếp và gián tiếp trong quá trình điều trị, giảm bớt ảnh hưởng đối với gan, thận...

Quy định hiện hành chưa cho phép bác sĩ kê toa thực phẩm chức năng, vậy nên, những người sử dụng thực phẩm thường “tự biên, tự diễn”, dùng những loại thực phẩm thức năng “không trúng - không đúng”. Trong khi đó, thực phẩm chức năng cũng như bất kỳ sản phẩm nào cần phải dùng đúng chỉ định và theo khuyến cáo mới mang lại tác dụng, hiện tượng một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng chưa đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, tình trạng quảng cáo quá tác dụng, thậm chí sai lệch so với công bố hoặc quảng cáo khi chưa được cơ quan chức năng thẩm định nội dung... đang làm cho công tác quản lý chúng trở nên phức tạp, làm cho không ít người tiêu dùng "vỡ mộng" sau thời gian sử dụng.

Cần bác sĩ định hướng

GS Phạm Gia Khải, Hội tim mạch Việt Nam cho hay: “Thực tế nhiều người tùy tiện dùng và bị dị ứng thực phẩm chức năng do sản phẩm không phù hợp với thể trạng. Do đó, có sự hướng dẫn sử dụng của thầy thuốc rất quan trọng, sẽ giảm bớt nguy cơ này vì được theo dõi”.

GS Khải cũng cho rằng, khi tư vấn dùng thực phẩm chức năng cho người bệnh cũng phải rất linh hoạt. “Bác sĩ phải minh bạch trong kê đơn thuốc và thực phẩm chức năng. Bác sĩ phải hướng dẫn cụ thể cho họ. Tôi tin, người bác sĩ có tâm luôn biết cái nào là chính, cái nào là phụ, không thể đánh đồng giữa thuốc và thực phẩm chức năng”.

Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, đồng tình với quan điểm này: “Việc Luật quy định không được kê đơn thực phẩm chức năng vào đơn thuốc là đúng” nhưng cho rằng “Bác sĩ có thể hướng dẫn người bệnh dùng trong một đơn khác, hay trong sổ y bạ”.

Bộ Y tế đôn đốc việc ban hành Thông tư

Luật an toàn thực phẩm chức năng có hiệu lực từ năm 2010, cùng với Nghị định 38/2012/NĐ – CP ra đời quy định chi tiết Luật An toàn thực phẩm mới ban hành, hiện còn rất nhiều Nghị định tiếp theo và nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong đó có việc quản lý như thế nào với thực phẩm chức năng. Bộ Y tế đang đôn đốc việc ban hành Thông tư về ghi nhãn đối với thực phẩm chức năng.

Thông tư này sẽ tác động tới toàn bộ doanh nghiệp nhưng công tác quản lý cũng phải tiệm cận tới các nước ASEAN, các nước phát triển để nó đảm bảo quản lý hài hòa và sẽ chặt chẽ hơn. Về việc công bố về công dụng của các loại sản phẩm này, Bộ Y tế cũng sẽ nghiên cứu bàn thảo rất kỹ về việc phải tiến hành thử nghiệm lâm sàng và cơ quan nào là người công bố công dụng của các sản phẩm. Bộ Y tế cũng sẽ quan tâm tới vấn đề về hậu kiểm đối với các công bố và xử lý nghiêm các sai phạm.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thanh Long, đây là những vấn đề mà bộ Y tế  đang đặt ra và sẽ cùng bàn thảo với các cơ quan quản lý, các Hiệp hội và các nhà khoa học để khi ban hành Thông tư hướng dẫn sẽ có sự quản lý đúng đối với thực phẩm thức năng. Đồng thời, theo ông Long, các nhà sản xuất, các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm này cũng phải nhìn nhận trách nhiệm của mình, đối với cộng đồng, đối với việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

T.L.

Đọc thêm