Phi lý, kinh dị
Nhiều khán giả sau khi xem tập 45 của phim đã thốt lên thật là kinh dị và thiếu tình người khi hai người chứng kiến để người bố tự sát lấy tim hiến bé.
Phim Hoa hồng trên ngực trái tập 45 mở đầu khi cả nhà Thái (Ngọc Quỳnh) đưa bé Bống (Hồng Nhung) đi phẫu thuật tim. Trước khi con gái vào phòng mổ, Khuê (Hồng Diễm) và Thái tranh thủ nói với nhau những lời sau cuối. Sau tất cả Khuê không còn giận hờn gì Thái nữa và Thái cũng xin được ôm Khuê lần cuối trước khi kết thúc mọi duyên nợ.
Vốn dĩ cuộc phẫu thuật của Bống khá đơn giản nhưng có một sự cố hi hữu xảy ra khiến cho cô bé lâm vào cảnh nguy kịch, phải dùng máy trợ tim, phổi để duy trì sự sống. Cách duy nhất để cứu Bống lúc này là cần một người hiến tim thế nhưng trong trường hợp khẩn cấp như vậy, tìm được một quả tim thích hợp là rất khó. Khi Khuê và bà Hồng yêu cầu được hiến tim cho Bống, bác sĩ từ chối ngay vì không thể giết một người khỏe mạnh như vậy.
Quá thương con, Khuê đòi tự tử để có thể cứu Bống. Vô tình chứng kiến cảnh tượng này, Thái đã đưa ra quyết định cuối cùng: hiến tim cho con gái. Bảo và Khang là hai người duy nhất được biết về quyết định của Thái. Trước khi bước vào cửa tử, Thái còn nhờ Bảo chăm sóc ba mẹ con Khuê.
Tập 45 kết thúc trong nước mắt của bà Hồng, Khang, Khuê và cả khán giả. Dù vậy nhiều người vẫn cho rằng việc Thái hiến tim cho con là không hợp lý.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm điều phối và ghép tạng quốc gia cho biết dù không xem phim và cũng được nhiều người hỏi về việc bố tự sát hiến tạng cho con như thế nào? Về mặt phim ảnh, nghệ thuật không thể bình luận gì vì đó là nghệ thuật. Còn về khoa học, thạc sĩ Phúc cho biết không ở nơi nào trên thế giới lấy tạng của người nào đó dẫn tới cái chết của họ.
Hơn nữa, việc hiến tim và ghép tim cũng nghiêm ngặt không phải cứ có người hiến, có tim là ghép mà còn phải phù hợp nhóm máu, phù hợp chỉ số HLA, cân nặng của người nhận tim.
Khi nào mới hiến tạng
Theo quy định chỉ hiến được tim khi chết não. Theo đại diện Trung tâm điều phối và ghép tạng quốc gia, người chết não mà bị ung thư muốn hiến tạng: tại 1 số nơi trên thế giới, có thể tạng của 1 bệnh nhân ung thư hiến tặng sẽ được ghép cho 1 bệnh nhân ung thư chờ tạng. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện không tiếp nhận tạng của bệnh nhân ung thư.
Bệnh nhân ung thư sau khi chết có thể hiến tặng được giác mạc vì giác mạc của người không bị ảnh hưởng gì khi người đó bị ung thư.
Theo Quyết định số: 32/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 15/8/2007, để chẩn đoán 1 ca chết não cần dựa trên các tiêu chuẩn lâm sàng, thử nghiệm lâm sàng, cận lâm sàng và thời gian.
Người bệnh rơi vào hôn mê sâu (thang điểm hôn mê Glasgow bằng 3 điểm); đồng tử cố định (đồng tử hai bên giãn trên 4 mm); đồng tử mất phản xạ với ánh sáng (ánh sáng đèn Pin); mất phản xạ giác mạc.
Bệnh nhân mất phản xạ ho khi kích thích phế quản (khi hút đờm, nghiệm pháp gây ho âm tính); không có phản xạ đầu - mắt: Mất phản xạ mắt búp bê; mắt không quay khi bơm 50 ml nước lạnh vào tai: Phản xạ mắt - tiền đình âm tính; mất khả năng tự thở khi bỏ máy thở: Nghiệm pháp ngừng thở dương tính.
Các nghiệm pháp thử nghiệm lâm sàng
Nghiệm pháp gây ho khi hút đờm âm tính: Mất phản xạ ho khi kích thích bằng ống thông nơi phân chia phế quản gốc phải và trái qua ống nội khí quản;
Phản xạ mắt búp bê: Bình thường khi nghiêng đầu bệnh nhân sang một bên, hai mắt sẽ đảo ngược sang bên đối diện, khi chết não nhãn cầu không cử động;
Phản xạ mắt-tiền đình: Bình thường khi bơm 50 ml nước lạnh khoảng 5-60 độ C vào lần lượt hai tai, mắt quay về phía bơm (nhưng phải có màng nhĩ bình thường). Tìm phản xạ này thay cho phản xạ mắt búp bê khi nghi ngờ có chấn thương cột sống cổ hoặc phản xạ đầu - mắt không rõ;
Nghiệm pháp ngừng thở: Cho bệnh nhân thở máy với oxy 100% trong 10 phút sau đó tháo máy thở khỏi bệnh nhân, đưa qua ống nội khí quản 6 lít/phút ô xy 100% trong 10 phút, nếu bệnh nhân không thở được thì nghiệm pháp dương tính.
Tiêu chuẩn cận lâm sàng
Xác định tiêu chuẩn cận lâm sàng để xác định chết não, phải sử dụng một trong các kết quả kỹ thuật chuyên môn sau đây:
- Ghi điện não: Mất sóng điện não (đẳng điện).
- Chụp cắt lớp vi tính xuyên não: Chụp cắt lớp vi tính sọ não có bơm thuốc cản quang tĩnh mạch nhưng không thấy mạch máu não ngấm thuốc.
- Chụp siêu âm Doppler xuyên sọ: Không thấy sóng Doppler của hình ảnh siêu âm (trên giấy siêu âm) hoặc mất dòng tâm trương, chỉ còn các đỉnh sóng tâm thu nhỏ khởi đầu kỳ tâm thu.
- Chụp X quang động mạch não: Không thấy động mạch não ngấm thuốc cản quang.
Chụp đồng vị phóng xạ: Bơm chất đồng vị phóng xạ vào máu nhưng không thấy hình ảnh chất phóng xạ trong não ở phút thứ 30, phút thứ 60 và phút thứ 120 sau khi bơm.
Tiêu chuẩn thời gian
Tiêu chuẩn thời gian để xác định chết não ít nhất là 12 giờ, kể từ khi người bệnh có đủ các tiêu chuẩn lâm sàng và không hồi phục mới được chẩn đoán chết não.
Khi tiến hành xác định chết não phải có ba bác sỹ đủ điều kiện theo quy định tại Điều 27 của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cùng đánh giá, có ý kiến độc lập và ký biên bản riêng cho mỗi người vào ba thời điểm: Bắt đầu xác định chết não và hai thời điểm tiếp theo là 6 giờ và 12 giờ kể từ khi bắt đầu xác định chết não.