Hành trình vì bệnh nhân biên giới
Hơn 10 năm qua, từ khi Chương trình kết hợp quân dân y (Chương trình 12) ra đời, Bệnh viện Quân y 109 (Quân khu 2) luôn tích cực tham gia khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho người dân trên những địa bàn khó khăn nhất của vùng Tây Bắc. Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Phạm Minh Phú - Chính ủy Bệnh viện cho biết: “Mỗi đợt công tác tuyến của đơn vị thường kéo dài nhiều ngày, hành quân qua những cung đường đầy khó khăn, vất vả, trong điều kiện thời tiết hết sức khắc nghiệt, đòi hỏi tinh thần yêu nghề hết mực, sức chịu đựng dẻo dai của người thầy thuốc quân y”.
Đúng như những chia sẻ của Thượng tá Phạm Minh Phú, trong chuyến công tác cùng Bệnh viện Quân y 109 lên tỉnh Lai Châu mới đây, chúng tôi được chứng kiến sự vui vẻ, háo sức của không ít y, bác sỹ trẻ khi lần đầu tiên có dịp đặt chân lên biên giới. Mặc dù vừa phải trải qua quãng đường hành quân liên tục hơn 600 cây số, ai cũng lộ rõ sự mệt mỏi, một số nữ bác sỹ không gượng dậy nổi do say xe, người ủ rũ như tàu lá héo, vậy mà khi đoàn vừa dừng bánh tại Trạm Y tế xã Hoang Thèn, huyện Phong Thổ, chứng kiến bà con dân bản đứng chật kín hai bên đường, ánh mắt hân hoan vẫy chào thầy thuốc bộ đội, đoàn công tác quên hết cả mệt nhọc, ai cũng xúc động như được trở về với những người thân trong gia đình.
Ông Chang Thanh Bình - Bí thư Ðảng ủy xã cùng mấy cán bộ trong ủy ban hồ hởi đến bắt tay từng người, rồi tích cực cùng các thầy thuốc chuyển đồ đạc, trang thiết bị y tế từ trên xe xuống. Trong không khí ấm áp, thân tình, ông Phàn Kin Nừn, 85 tuổi, bản Séo Lẻn, xã Hoang Thèn khề khà: “Ôi, vui cái bụng quá, hôm nay dân bản mình được đón bác sĩ bộ đội từ dưới xuôi lên khám bệnh. Bà con chúng tôi mong đợi từ mấy hôm nay đấy cán bộ à”. Nghe vậy, Đại tá, bác sỹ Trần Quang Hạnh - Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 109 vội nắm chặt bàn tay nhăn nheo vì tuổi già của cụ Nừn, nói vui bằng giọng miền núi: “Ồ, chúng con được bà con đón nhiệt tình thế này cái bụng cũng vui lắm à, cái mệt trong người cũng hết cả rồi đấy”.
Cuộc đối thoại của cụ Nừn với bác sỹ Hạnh làm mọi người cùng cười vui vẻ. Ngay sau đó, các y, bác sỹ nhanh chóng bước vào công việc. Chẳng mấy chốc, toàn bộ hệ thống phòng khám với đủ các chuyên khoa: Tim mạch, mắt, siêu âm, phụ sản, thần kinh, tai-mũi-họng… đã được triển khai, sẵn sàng phục vụ nhân dân. Từ các ngả đường, đồng bào các dân tộc trên địa bàn bắt đầu kéo về Trạm Y tế xã đăng ký khám bệnh mỗi lúc một đông. Ai cũng được các thầy thuốc tận tình hướng dẫn, khám chữa tỉ mỉ, ân cần dặn dò cách uống thuốc theo đúng liều lượng.
Cứu sống người bệnh thầy cúng “đuổi ma”, “yểm bùa” cả đêm không khỏi
Trong lúc mọi người đang hối hả làm việc, bỗng có một bệnh nhân dáng gầy gò, nước da xanh tái, được các bác sỹ cáng vào phòng khám trong tình trạng bị co giật liên hồi. Hỏi ra mới biết đó là ông Giàng A Pào (70 tuổi, ở bản Tả Lèng, xã Hoang Thèn). Vợ ông Giàng A Pào là bà Lý Sán Mẩy lo lắng trình bày với Đại tá, bác sỹ Trần Quang Hạnh rằng chồng mình đã được thầy cúng “đuổi ma”, “yểm bùa” suốt từ đêm qua nhưng vẫn không khỏi bệnh, cũng chẳng thiết gì ăn uống.
Đại tá, bác sỹ Trần Quang Hạnh trực tiếp khám và phát hiện ông Pào bị ngộ độc thức ăn, gây suy hô hấp cấp, đang nguy hiểm đến tính mạng. Trước tình trạng hiểm nghèo của người bệnh, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các bác sỹ nhanh chóng tiến hành sơ cứu ban đầu, giúp ông Giàng A Pào dứt dần những cơn đau, bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Tiếp đó, Phó Giám đốc Bệnh viện chỉ đạo một kíp y, bác sỹ sử dụng xe của bệnh viện khẩn trương đưa bệnh nhân lên tuyến trên tiếp tục điều trị.
Trong lúc bà Lý Sán Mẩy còn đang bối rối, bác sỹ Hạnh liền ôn tồn giải thích cho bà hiểu rằng chồng bà do ăn uống chưa hợp vệ sinh, lại uống nhiều rượu nên bị ngộ độc chứ không có con ma nào cả. Bác sỹ cũng khuyên gia đình từ nay hễ có người nhà bị đau, ốm, bệnh tật cần phải đưa ngay đến bệnh viện để chữa trị, tuyệt đối không nên tin theo lời thầy mo, thầy cúng.
Được biết, do được sơ cứu ban đầu và đưa lên tuyến trên điều trị kịp thời nên bệnh nhân Giàng A Pào đã qua khỏi, được xuất viện đúng ngày các y, bác sỹ Bệnh viện Quân y 109 kết thúc hành trình chuyến công tác. Gặp lại người đã cứu mạng mình, ông Giàng A Pào nắm chặt tay bác sỹ Trần Quang Hạnh xúc động bày tỏ: “Cảm ơn thầy thuốc bộ đội nhiều lắm, không có thầy thuốc Bộ đội Cụ Hồ chắc tôi không còn được ở đây nữa. Từ nay chắc chắn tôi không dám uống rượu nhiều nữa đâu cán bộ à”.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá, bác sỹ CK2 Bùi Quang Lưu, Giám đốc Bệnh viện Quân y 109 cho biết, vào các dịp cuối năm, Bệnh viện đều phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lai Châu lựa chọn những địa bàn vùng sâu, vùng xa, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào nhằm chia sẻ phần nào những khó khăn với địa phương.
Quá trình công tác, Bệnh viện Quân y 109 còn kết hợp tuyên truyền cho người dân những hiểu biết cơ bản về công tác y tế dự phòng, về chăm sóc sức khỏe, cách ăn ở hợp vệ sinh, văn minh, khoa học… Những việc làm thiết thực ấy luôn để lại ấn tượng tốt đẹp trong cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân các dân tộc Tây Bắc, thắp sáng thêm hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.
Ngày chia tay bà con các dân tộc 2 xã Hoang Thèn và Bản Lang về xuôi, chúng tôi thực sự xúc động khi được chứng kiến tình cảm chân thành của người dân nơi vùng cao biên giới dành cho các thầy thuốc Bệnh viện Quân y 109. Một lần nữa họ lại đứng hai bên đường vẫy chào bộ đội, ánh mắt đầy lưu luyến.
Còn các y, bác sỹ trẻ, nhiều người bước lên xe vẫn còn tần ngần ngoái lại thật lâu để một lần nữa được nhìn thấy những cô gái Mông trong bộ váy đen lấp lánh viền đỏ, những chàng trai Dao hiền lành, chất phác; những em bé Hà Nhì hồn nhiên, hay những bà mẹ Tả Phìn dung dị trong bộ trang phục truyền thống đứng san sát bên nhau nhìn theo các thầy thuốc bộ đội bằng ánh mắt lưu luyến, bịn rịn, chứa chan tình cảm quân dân.