Thấy gì qua việc tuyên truyền pháp luật vùng biên giới, hải đảo?

(PLO) - Sau 3 năm triển khai, Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013-2016” (gọi tắt là Đề án) được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp đánh giá có hiệu quả, thiết thực, lực lượng quân đội đã có những đóng góp quan trọng trong việc giúp người dân nắm rõ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để phối hợp bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia và an ninh biên giới biển.
BĐBP đến từng nhà tuyên truyền pháp luật cho bà con dân tộc thiểu số
BĐBP đến từng nhà tuyên truyền pháp luật cho bà con dân tộc thiểu số

Ngày 15/7/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1133/QĐ-TTg giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường và các địa phương vùng biên giới, hải đảo (BGHĐ) thực hiện Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ và nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013-2016” nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, giáo dục ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân khu vực biên giới, hải đảo, nâng cao kiến thức PBGDPL cho đội ngũ cán bộ các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước trong tình hình mới. 

Ban Chỉ đạo Đề án đã lựa chọn 10 xã thuộc 10 tỉnh đại diện các vùng, miền đưa vào kế hoạch chỉ đạo điểm cấp Trung ương, chỉ đạo BĐBP 44 tỉnh, thành phố tham mưu với địa phương lựa chọn một xã điểm cấp tỉnh và mỗi huyện lựa chọn một xã điểm cấp huyện để triển khai thực hiện Đề án. Lực lượng quân đội tham gia thực hiện Đề án gồm Bộ Tư lệnh (BTL) Bộ đội Biên phòng, BTL Hải quân, BTL Cảnh sát Biển và Bộ Tư lệnh các quân khu. Sau 3 năm thực hiện, chất lượng, số lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp, hệ thống tủ sách, ngăn sách pháp luật, mạng lưới truyền thanh nội bộ ở các xã, phường, thôn, bản, đồn biên phòng được củng cố…, góp phần làm cho tình hình an ninh trật tự ở các xã, phường BGHĐ ngày càng ổn định hơn.

Nhiều hủ tục lạc hậu được loại bỏ, tệ nạn xã hội giảm, tình trạng di, dịch cư tự do được hạn chế đáng kể. Ý thức quốc gia, quốc giới về bảo vệ quản lý biên giới được nâng lên. Kinh tế - xã hội vùng biên giới có bước phát triển, đời sống quần chúng nhân dân được cải thiện tốt hơn. Đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, tiêu biểu là các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Giang, Thái Bình, Kon Tum, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Lai Châu, Hà Tĩnh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sóc Trăng, An Giang…

Đại tá Trần Ngọc Thanh - Chính ủy BĐBP Hà Tĩnh cho biết: “Bà con đến nơi tổ chức tuyên truyền pháp luật vào 19 giờ tối để nghe phổ biến pháp luật rất ít. Có đến mà nghe đọc các điều luật xa lạ, khô khan, khó nhớ thì bà con cũng ngủ gật, lớp trẻ thì giở điện thoại ra nhắn tin, chơi trò chơi điện tử. Công tác tuyên truyền pháp luật được thực hiện với nhiều hình thức phong phú, sinh động và phù hợp với nhận thức của đồng bào. Việc chuyển tải pháp luật phải lồng ghép với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, xây dựng gia đình văn hóa, nội dung tuyên truyền phải ngắn gọn, thiết thực dễ hiểu. Đặc biệt, đối với bà con dân tộc thiểu số thì phải lấy ví dụ cụ thể sát với cuộc sống của họ, như tuyên truyền bảo vệ đường biên, mốc giới thì phải nói với bà con: người nước ngoài xâm canh, xâm cư đất của ta thì giống như một người lạ vào vườn, ra ruộng của ta trồng rau, cấy lúa thì ta phải ngăn chặn không để cho họ vào đất của ta...”. 

Dưới đây là một số mô hình PBGDPL hiệu quả: 

Tuyên truyền pháp luật gắn với xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh

Xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn giờ là điểm sáng nơi cửa ngõ biên giới phía Tây của tỉnh Hà Tĩnh khi về đích nông thôn mới (NTM) trước 1 năm và trở thành xã vùng sâu, vùng biên giới đầu tiên trong cả nước hoàn thành các tiêu chí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sơn Kim 1 có 30km đường biên giới tiếp giáp với Lào. Xã có trên 5.000 nhân khẩu, trong đó có khoảng 1.000 người theo đạo Thiên chúa và gần 400 người là đồng bào dân tộc thiểu số. Dân cư sống rải rác trên các gò đồi và địa hình bị chia cắt bởi núi rừng…Tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 là 13%. 

Sơn Kim 1 còn được coi là địa bàn trọng điểm về các tệ nạn xã hội như: ma túy, HIV. Ngoài đối tượng nghiện, còn có những người đã chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương câu kết với nhau làm ăn, gây nên sự phức tạp về tình hình an ninh trật tự (ANTT). Có thời điểm, đối tượng nghiện tụ tập trên quốc lộ 8A, chặn xe xin tiền, cướp tài sản, tình trạng trộm cắp tài sản thường xuyên diễn ra. Khắp các xã là những căn nhà xơ xác, tiêu điều, những đứa trẻ thiếu sự quan tâm dạy dỗ của gia đình khi bố mẹ chúng lần lượt qua đời vì căn bệnh thế kỷ. Và như một vòng xoáy không lối thoát, những đứa trẻ ấy lại bị các đối tượng dụ dỗ nghiện ma túy, lôi kéo vào đường dây phạm tội. 

Đại tá Võ Trọng Hải - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh khi đó là Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế (BPCKQT) Cầu Treo nằm trên địa bàn xã Sơn Kim 1 nhớ lại: “Không đêm nào cán bộ, chiến sĩ của Đồn được ngủ ngon giấc. Khi thì người dân báo mất trộm, khi thì những lái xe chở hành từ cửa khẩu biên giới báo bị nghiện chặn xe xin tiền. Nguy hại hơn cả là các đối tượng nghiện ma túy nhiều nên tình hình buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy trên địa bàn diễn biến phức tạp”. 

Sơn Kim 1 không thể xây dựng NTM khi các vấn nạn kể trên vẫn nhức nhối. Muốn ổn định tình hình, hạn chế sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng thì phải tập hợp được những người nghiện, người bị nhiễm HIV và đối tượng mãn hạn tù để có biện pháp quản lý, giáo dục giúp đỡ họ. Vậy là Đồn BPCKQT Cầu Treo đã xây dựng mô hình Câu lạc bộ (CLB) Tình thương mà thành viên CLB là những người nghiện, người nhiễm HIV, những người ở tù về... Đại tá Võ Trọng Hải chia sẻ: “Thời gian đầu, không ít người đã hoài nghi về tính khả thi của CLB. Điều đó cũng là chuyện dễ hiểu, bởi do nhận thức, một số cán bộ và nhân dân khi đó mang nặng tâm lý sợ hãi, ngại tiếp xúc, thậm chí là xa lánh người nghiện và người nhiễm HIV. Chính những người trong cuộc cũng mặc cảm, tự ti, không muốn công khai thân phận của mình. Một số người còn tự nhận mình là “công dân số 3” - những người bỏ đi, là gánh nặng cho xã hội. 

“Vạn sự khởi đầu nan” việc đầu tiên là phải thay đổi nhận thức cho cán bộ, nhân dân và những người trong cuộc. Sau đó, “mưa dầm thấm lâu”, không quản ngày mưa, tháng nắng, bám chắc địa bàn, BĐBP Đồn Cầu Treo đã giúp những người nghiện cai nghiện. Một số người nhiễm HIV/AIDS ở giai đoạn cuối, thân mình lở loét, bị những người thân trong gia đình sợ hãi, xa lánh nhưng các cán bộ vận động quần chúng, cán bộ quân y của Đồn Cầu Treo vẫn tận tình chữa trị, chăm sóc, động viên. Khi họ không may qua đời, Ban Chỉ huy đơn vị đã hỗ trợ kinh phí tổ chức lo liệu ma chay chu đáo rồi thay họ giúp đỡ, chăm sóc con cái.

CLB Tình thương giờ đã trở thành ngôi nhà chung của các thành viên. Nhiều người lầm lỗi giờ đã là thành viên của tổ tự quản về ANTT tại chợ biên giới và các thôn, cùng với BĐBP tham gia bảo vệ đường biên mốc giới. Đồng thời họ cũng cung cấp nhiều nguồn tin tố giác tội phạm giúp triệt phá, bóc gỡ nhiều đường dây mua bán ma túy, mua bán trẻ em và ngăn chặn hàng trăm vụ vượt biên trái phép. Sau hơn 6 năm duy trì hoạt động, tổ xếp dỡ hàng hóa vẫn hoạt động hiệu quả, thu nhập hàng tháng của mỗi thành viên ổn định từ 3 đến 5 triệu đồng. Mỗi năm, CLB Tình thương đã giúp cai nghiện thành công cho nhiều trường hợp. Ông Nguyễn Sĩ Luận - Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1 cho biết: “Đồn BPCKQT Cầu Treo không chỉ quy tụ, cảm hóa, giúp đỡ những người một thời lầm lỗi mà còn góp phần giúp địa phương ổn định an ninh chính trị, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”. 

Hiện nay, Sơn Kim 1 đang khoác lên mình tấm áo mới với cơ sở hạ tầng khang trang, giao thông đi lại thuận tiện và đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên.

Tuyên truyền pháp luật cho đồng bào Mông tỉnh Điện Biên thông qua già làng, trưởng bản

Điện Biên có 2 tuyến biên giới Việt-Trung và Việt-Lào. Tình hình an ninh biên giới tiềm ẩn nhiều yếu tố như di dịch cư tự do, tuyên truyền thành lập Vương quốc Mông, tội phạm ma túy, buôn bán người…Từ ngày 30/4 đến ngày 6/5/2011, tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé đã có hàng ngàn người Mông nghe theo kẻ xấu đến tụ tập dựng lán trại để cầu nguyện, đón “vua Mông” với mục đích thành lập “Vương quốc Mông”. Lợi dụng lòng tin vào Đức Chúa trời của người Mông theo đạo Tin lành để kéo họ gia nhập “đạo Vàng Chứ”, Vàng A Ía đã cấu kết với Thào A Lù kêu gọi người Mông theo “đạo Vàng Chứ” tập hợp lại ở Huổi Khon để chiếm đất “lập nhà nước Mông”. 

Ở khu vực biên giới Điện Biên, người Mông chiếm hơn 50%, chủ yếu là dân di cư từ các tỉnh khác như Lào Cai, Lai Châu, Thanh Hóa… đến, cơ sở hạ tầng chậm phát triển, có tỷ lệ đói nghèo cao nhất. Trong khi đó, tỷ lệ đói nghèo khu vực biên giới Điện Biên là 55,9%, nhận thức pháp luật của bà con rất hạn chế. Số người thiếu hiểu biết, tự tử vì ăn lá ngón cao. 

Việc triển khai của BĐBP Điện Biên gặp vô vàn khó khăn do đội ngũ tuyên truyền viên người Mông, biết tiếng Mông tại các đồn biên phòng ít, địa bàn lại rộng, công tác biên dịch pháp luật từ tiếng phổ thông sang tiếng Mông chậm. Để hoạt động tuyên truyền pháp luật trong cộng đồng người Mông có hiệu quả thì các cán bộ, chiến sĩ BĐBP Điện Biên phải làm thật bài bản, quyết liệt. Trong quá trình đi tuyên truyền, các tuyên truyền viên phải 3 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân. Khơi dậy trong họ niềm tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần tự lực, tự cường trong xây dựng cuộc sống, bảo vệ biên giới. Khi thực hiện Đề án, BĐBP Điện Biên đã thực hiện tuyên truyền pháp luật cho các già làng, trưởng bản rồi cùng với họ tuyên truyền chung cho nhân dân. Những năm qua, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội ở các xã vùng sâu, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên luôn được giữ vững và ổn định; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát triển mạnh mẽ và toàn diện. 

Điện Biên hiện có 1.427 già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín tiêu biểu. Bằng uy tín của mình, đã không ít già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín ở các thôn, bản trên địa bàn tỉnh đã tích cực vận động, thuyết phục những người lầm đường, lạc lối trở về với cuộc sống cộng đồng; vận động nhân dân các dân tộc xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; giáo dục các thế hệ con cháu giữ gìn thuần phong mỹ tục, nền nếp gia phong trong mỗi gia đình, cộng đồng và xã hội. Bên cạnh đó các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ còn có đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Hàng năm các dòng họ đã triển khai thực hiện quy ước, hương ước và tổng kết đánh giá các nội dung như: Không thách cưới, không lấy vợ lẽ, không tảo hôn, ăn ở hợp vệ sinh, người chết không để lâu trong nhà, bài trừ hủ tục mê tín dị đoan, ốm đau phải đến cơ sở y tế để được khám và điều trị, bảo vệ môi trường, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc… 

Đọc thêm