Theo AFP, với việc dịch đã lan rộng ra 8 vùng và 112 trường hợp tử vong được ghi nhận chỉ trong 1 ngày, giới chức Pháp cũng thừa nhận thống kê của họ không bao gồm những người chết tại nhà và trong các nhà dưỡng lão.
Tổng cục trưởng Tổng cục y tế Pháp Jérôme Salomon trong một tuyên bố xác nhận dịch bệnh đang lan rộng và leo thang tại Pháp.
Hiện, các bệnh viện ở Pháp đang điều trị cho 7.240 người bệnh. “Virus gây chết người và nó vẫn đang tiếp tục khiến nhiều người tử vong”, ông Salomon nói thêm.
Bên cạnh đó, Thị trưởng Compiegne ở phía bắc Paris cũng cho biết, bác sĩ Jean-Jacques Razafindranazy, 67 tuổi, làm việc tại phòng cấp cứu tại bệnh viện Compiegne, đã qua đời trong quá trình cùng các đồng nghiệp tích cực phòng chống dịch bệnh.
Bác sỹ này đã rút ngắn kỳ nghỉ để tham gia điều trị cho các bệnh nhân trong đợt bùng phát dịch bệnh lớn đầu tiên ở Pháp.
Thị trưởng Philippe Marini cho hay, vị bác sỹ sinh ra ở Madagascar này đã trở lại làm việc một cách tự nguyện để chữa trị cho mọi người dù biết rằng ông đang mạo hiểm sức khỏe của bản thân.
Vợ ông Razafindranazy - là một bác sĩ gia đình - cũng bị nhiễm virus và đã được cách ly tại nhà.
Cái chết của bác sĩ Razafindranazy xảy ra trong bối cảnh tại Pháp đang nổ ra cuộc tranh cãi về việc thiếu hụt thiết bị bảo vệ cho nhân viên y tế ở một số vùng.
Mặc dù Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cho biết, hơn 250 triệu khẩu trang đã được đặt để chuyển cho các cơ sở y tế nhưng một số bác sĩ và y tá vẫn phàn nàn rằng họ phải làm việc trong điều kiện không có khẩu trang.
Chính phủ Pháp cũng đang chịu áp lực từ các hiệp hội bác sĩ về việc cần áp đặt lệnh giới nghiêm toàn quốc.
Trước tình hình trên, ngày 22/3, Quốc hội gồm 2 viện của Pháp đã ban bố tình trạng khẩn cấp để đối phó với sự lây lan của virus, trao thêm các quyền lớn hơn cho Chính phủ nhằm chống dịch.