Bài 3: Văn hóa phải là 'công cụ sắc bén', góp phần đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực

(PLVN) - Tháng 11/1946, trong tình thế khó khăn của đất nước, phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu: “… Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, được lười biếng, phù hoa, xa xỉ… Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do…, có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng mình”.
Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN).
Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN).

Bài tường thuật trên Báo Cứu quốc, số 416, ra ngày 25/11/1946 còn cho biết: “Hồ Chủ tịch thiết tha mong muốn nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”. Soi chiếu vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng ta đang quyết liệt triển khai cho thấy những lời dạy của Bác vẫn vẹn nguyên giá trị. Văn hóa phải góp phần xây dựng con người Việt Nam thời kỳ mới với khát vọng cống hiến, hy sinh vì lợi ích chung, “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Chủ thể có văn hóa đứng trước sự cám dỗ của đồng tiền, của giàu sang, của những lợi ích bất chính thì chính các yếu tố của văn hóa và chất văn hóa, giá trị đạo đức, lý tưởng cao đẹp sẽ tạo ra “rào chắn” để ngăn chặn hành vi sai trái.

Xây dựng con người có văn hóa, đạo đức

Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021) nêu: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật”. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Kết luận nêu ra, đó là: “Nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của đảng viên, đạo đức công vụ, chuẩn mực, giá trị con người Việt Nam phù hợp với truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên, đội ngũ công chức, viên chức rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình trước Đảng và nhân dân. Kiên quyết chống biểu hiện bè phái, cục bộ địa phương, “lợi ích nhóm”.

Như vậy, có thể thấy, công cuộc xây dựng và phát triển văn hoá hiện nay nói chung, xây dựng đạo đức, lối sống cho mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng có vai trò quan trọng, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; góp phần tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giúp ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực ngay “từ gốc”, “từ sớm”, “từ xa”.

Trong nhiều văn kiện, đặc biệt là văn kiện các Đại hội VIII, IX, X, Đảng ta nhấn mạnh tham nhũng là “quốc nạn”, là “giặc nội xâm” và lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt vấn đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cùng với việc ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực bằng cơ chế kiểm soát quyền lực, chính sách, kiểm tra, giám sát, nền văn hóa dân tộc phát triển, bảo vệ, phát huy được cái hay, cái đẹp, cái tích cực cũng đồng nghĩa với những thói hư tật xấu trong xã hội, trong đó có các hành vi tham nhũng, tiêu cực sẽ dần bị loại bỏ, đẩy lùi. Nâng cao dân trí, ý thức tuân thủ pháp luật, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính sẽ góp phần trực tiếp khắc phục tình trạng “tham nhũng vặt” hiện nay.

Tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định “văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, “đặc trưng của nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học” và “trọng tâm của việc xây dựng văn hoá là xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp”. Trong nhiều cuộc họp, người đứng đầu Đảng ta đã chỉ rõ, không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn là phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến tham nhũng, đây là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống”.

PGS.TS Đặng Văn Thanh - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội trong một bài trả lời phỏng vấn đã nêu nhận định: “Con người có nhân cách là con người có văn hóa, có đạo đức. Người có nhân cách, có đạo đức không ai nỡ lòng nào nhận phong bì của người bệnh, không ai dám lợi dụng, tơ hào, tư túi tiền sinh phẩm, vật tư y tế trong bối cảnh hàng triệu đồng bào đang phải vật lộn với đại dịch COVID-19. Người có văn hóa, có đạo đức không một ai dám tham ô, tham nhũng, lợi dụng những chuyến bay giải cứu để trục lợi”.

“Người có văn hóa, có đạo đức không bao giờ tham ô, tham nhũng, tư túi của công, dù cuộc sống không giàu có, nhưng luôn tâm niệm “đói cho sạch, rách cho thơm” như ông cha ta đã dạy. Vì vậy, công cuộc chống tham nhũng không chỉ là điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, mà phải tập trung vào phòng tham nhũng. Phòng tốt nhất là nâng cao văn hóa cho cộng đồng, từng người, nhất là những người có chức, có quyền phải tự nâng cao văn hóa. Khi đã có văn hóa thì không ai dám tham nhũng”, PGS.TS Đặng Văn Thanh nhấn mạnh.

Củng cố và đẩy mạnh văn hóa công vụ

Xây dựng và thực thi văn hóa công vụ sẽ góp phần đẩy lùi, hạn chế tham nhũng, tiêu cực. (Trong ảnh: Hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh). (Nguồn ảnh: quangninh.gov.vn)

Xây dựng và thực thi văn hóa công vụ sẽ góp phần đẩy lùi, hạn chế tham nhũng, tiêu cực. (Trong ảnh: Hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh). (Nguồn ảnh: quangninh.gov.vn)

Bên cạnh đó, để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bằng “vũ khí văn hóa” thì việc xây dựng và thực thi văn hóa công vụ cũng được xem là một giải pháp quan trọng, mang tính căn cơ, lâu dài, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và truyền thống văn hóa dân tộc.

Về khái niệm, văn hóa công vụ là những chuẩn mực, quy ước thành văn và bất thành văn do đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực thi, vận hành nhằm thực hiện đúng chức trách, bổn phận mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó. Đặc biệt, văn hóa công vụ đề cao tinh thần gương mẫu, tiên phong của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 đã khẳng định: “Các giải pháp phòng, chống tham nhũng phải phù hợp với bối cảnh yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và truyền thống văn hoá của dân tộc; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài. Đồng thời, phải xây dựng được văn hoá công vụ của mỗi ngành, cơ quan, đơn vị. Văn hoá công vụ sẽ bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ”.

Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Như vậy, mấu chốt của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng chính là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, đặc biệt đối với người có chức, có quyền, người thực thi công vụ. Việc xây dựng, thực thi tốt văn hóa công vụ - văn hóa của những người thực thi nhiệm vụ công sẽ tạo môi trường lành mạnh để người có chức vụ, quyền hạn “không thể”, “không dám”, “không muốn” và “không cần” tham nhũng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói về đạo đức người cán bộ, công bộc của dân là phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; giữ vững bản lĩnh, tư cách đạo đức cách mạng; tránh xa các tệ “trái phép”, “cậy thế”, “hủ hóa”, “tư túng”, “chia rẽ”, “kiêu ngạo”; thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí; thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, xứng đáng “là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Việc xây dựng văn hóa công vụ với những giá trị tốt đẹp được lan tỏa không chỉ tạo động lực tinh thần, cổ vũ, động viên, tiếp thêm sức mạnh để mỗi cá nhân, mỗi cán bộ, công chức, viên chức không ngừng nỗ lực phấn đấu, vươn lên tự hoàn thiện mình, có nhiều đóng góp lớn cho cộng đồng, xã hội, mà còn là “công cụ sắc bén”, góp phần đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.

Xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân

“Phải kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm khiết, chính trực; xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực. Mọi cán bộ, đảng viên phải ghi nhớ sâu sắc lời căn dặn của Bác Hồ rằng: Đảng ta là đảng cầm quyền; Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Đảng phải luôn luôn dựa vào dân, lắng nghe dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm và làm cho bằng được; ngược lại, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh. Việc gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm. Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Cha ông ta đã dạy: “Thiện căn ở tại lòng ta, chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài; có tài mà cậy chi tài; chữ “Tài” liền với chữ “Tai” một vần!”. Tránh tình trạng: “Chân mình còn lấm bê bê, Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”; “Thượng bất chính thì hạ tắc loạn!”; “Cấp trên ở chẳng chính ngôi, cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào!”.

(Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Tổng kết

10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực).

Đọc thêm