Bãi bỏ hàng loạt Thông tư về tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Nội vụ vừa có Thông tư 07/2025/TT-BNV về hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với các tổ chức theo quy định tại khoản 5 và khoản 8 Điều 34 Nghị định 44/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước.
Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với các Quỹ tài chính, các Tổ chức tài chính và VTV. (Ảnh minh họa: VGP)
Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với các Quỹ tài chính, các Tổ chức tài chính và VTV. (Ảnh minh họa: VGP)

Theo đó, đối tượng áp dụng của Thông tư 07/2025/TT-BNV bao gồm: Viên chức và người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động (NLĐ).

Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng Quỹ tài chính, Tổ chức tài chính (Ban điều hành); Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc VTV.

Chủ tịch, Phó chủ tịch, thành viên Hội đồng quản lý hoặc Hội đồng thành viên Quỹ tài chính; Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị Tổ chức tài chính (Thành viên hội đồng).

Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát làm việc theo chế độ bổ nhiệm (Kiểm soát viên).

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các quy định tại Thông tư 07/2025/TT-BNV.

Thông tư 07/2025/TT-BNV nêu rõ nguyên tắc quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, Quỹ tài chính, Tổ chức tài chính thực hiện nguyên tắc quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng theo quy định tại Điều 3 Nghị định 44/2025/NĐ-CP và khoản 1 Điều 3 Thông tư 003/2025/TT-BNV.

Trong đó, khi xác định tiền lương đối với NLĐ, Ban điều hành, Thành viên hội đồng, Kiểm soát viên thì chỉ tiêu lợi nhuận được thay bằng chỉ tiêu tổng doanh thu trừ tổng chi phí (là chênh lệch thu - chi); chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận được thay bằng chỉ tiêu tỷ suất chênh lệch thu - chi, được xác định bằng chênh lệch thu - chi chia cho chỉ tiêu do Quỹ tài chính, Tổ chức tài chính lựa chọn theo vốn chủ sở hữu hoặc vốn góp của chủ sở hữu của Quỹ tài chính, Tổ chức tài chính.

Chỉ tiêu tổng doanh thu, tổng chi phí được xác định theo quy định của pháp luật về kế toán, tài chính, trong đó chỉ tiêu tổng doanh thu làm cơ sở để xác định tiền lương đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bao gồm tổng nguồn thu từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi hằng năm trước khi trích để hạch toán vào thu nhập; thu hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi và thu hoạt động khác được xác định theo quy định về quản lý tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Thông tư 07/2025/TT-BNV cũng nêu rõ, khi xác định tiền lương của NLĐ và Ban điều hành, Thành viên hội đồng, Kiểm soát viên thì Quỹ tài chính, Tổ chức tài chính phải loại trừ các yếu tố khách quan quy định tại Điều 4 Nghị định 44/2025/NĐ-CP ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động, chênh lệch thu - chi, tỷ suất chênh lệch thu - chi và các yếu tố khách quan theo tính chất đặc thù của Quỹ tài chính, Tổ chức tài chính, gồm:

Quỹ đầu tư phát triển địa phương loại trừ các yếu tố quy định tại điểm b, c và d khoản 3 Điều 42 Nghị định 147/2020/NĐ-CP; Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia loại trừ các yếu tố quy định tại điểm b khoản 3 Điều 44 Quyết định 04/2021/QĐ-TTg ngày 29/01/2021; Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa loại trừ các yếu tố quy định tại điểm b khoản 2 Điều 49 Nghị định 34/2018/NĐ-CP; Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã loại trừ các yếu tố quy định tại điểm b khoản 2 Điều 45 Nghị định 45/2021/NĐ-CP; Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa loại trừ các yếu tố quy định tại điểm b khoản 3 Điều 55 Nghị định 39/2019/NĐ-CP.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam loại trừ các yếu tố do Nhà nước điều chỉnh khung phí bảo hiểm tiền gửi; điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm; cấp vốn điều lệ; điều chỉnh lãi suất tiền gửi của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại Ngân hàng Nhà nước; điều chỉnh mức phí bảo hiểm tiền gửi đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; điều chỉnh lãi suất trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và không phát hành trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước...

Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam loại trừ các yếu tố do Nhà nước thay đổi mức phí quản lý; thay đổi lãi suất cho vay và lãi suất huy động các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, các khoản vay Ngân hàng Nhà nước phải trả lãi, tiền gửi 2% của các tổ chức tín dụng Nhà nước bằng đồng Việt Nam; điều chỉnh hoặc phát sinh mới chênh lệch tỷ giá và dự phòng rủi ro tín dụng.

Bên cạnh đó, Thông tư 07/2025/TT-BNV đã bãi bỏ toàn bộ 7 Thông tư về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với DNNN gồm:

Thông tư 32/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; Thông tư 34/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn quản lý lao động, tiền lương đối với Đài Truyền hình Việt Nam; Thông tư 45/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với Quỹ đầu tư phát triển địa phương; Thông tư 04/2019/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thông tư 34/2019/TT-BLĐTBXH hướng dẫn quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Thông tư 12/2022/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia; Thông tư 13/2022/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

Thông tư 07/2025/TT-BNV có hiệu lực từ 15/7/2025.

Đọc thêm