Với hơn 80 tham luận của lãnh đạo Bộ Quốc phòng và một số địa phương, các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, nhà khoa học trong và ngoài quân đội, Hội thảo khoa học “Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 - Giá trị lịch sử và hiện thực” nhằm tôn vinh và làm rõ thêm giá trị của chiến thắng, tiếp tục khẳng định và làm sáng tỏ thêm sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, nhạy bén của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự điều hành kịp thời của Bộ Tổng chỉ huy, nhân tố quyết định thắng lợi của Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 và toàn bộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đồng thời, nâng cao vai trò của đồng bào các dân tộc Việt Bắc, tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của lực lượng vũ trang và nhân dân, trực tiếp là các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc... cùng quân và dân trên các chiến trường phối hợp; tiếp tục phân tích, khái quát và đúc kết những bài học kinh nghiệm thiết thực trong Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947, phục vụ việc hoạch định chủ trương, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng và Nhà nước; chiến lược xây dựng lực lượng và thế trận chiến tranh nhân dân đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Trong báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa -Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - đã cùng các đại biểu ôn lại sự kiện lịch sử 70 năm trước, với những chiến công hiển hách của quân và dân ta, đồng thời khẳng định: “Ngay trong năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc, dù còn nhiều khó khăn, thách thức bởi giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt…, nhưng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang (LLVT) và đồng bào các dân tộc Việt Bắc cùng với nhân dân cả nước đã đánh bại tham vọng lớn lao và hành động thâm hiểm của thực dân Pháp khi tiến công lên Việt Bắc trong Thu - Đông năm 1947, lập nên kỳ tích vẻ vang, bảo vệ vững chắc căn cứ địa, bảo toàn và không ngừng phát triển lực lượng vũ trang, đưa cuộc kháng chiến bước sang một giai đoạn mới...”.
Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947 - chiến thắng đầu tiên ở cấp độ chiến dịch trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược - đã để lại nhiều bài học, kinh nghiệm quý, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, hiệu quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Trong bản tham luận của mình, Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã nêu 4 bài học, kinh nghiệm đó là: “Một là, kiên định đường lối lãnh đạo của Đảng - nhân tố quyết định thắng lợi của Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947 cũng như sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Hai là, đánh giá đúng tình hình, kịp thời chỉ đạo linh hoạt, nhạy bén, xử lý có hiệu quả các tình huống. Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Bốn là, chăm lo xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Quân đội nhân dân vững mạnh, làm nòng cốt cho toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng”.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, kế thừa, phát huy bài học kinh nghiệm đó vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, chúng ta cần đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X, cần tiếp tục xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, làm nòng cốt cho toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Để xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, cần tăng cường giáo dục Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối của Đảng, bảo đảm cho quân đội luôn giữ vững bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tập trung xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới” gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII), Chỉ thị số 87-CT/QUTW ngày 8/7/2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Quân đội và toàn quân; tổ chức thực hiện tốt Phong trào Thi đua Quyết thắng và các cuộc vận động, nhất là Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.
Trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 22/12/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2015; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 16/3/2003 của Bộ Chính trị (khóa IX) về chiến lược trang bị cho Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2010, đồng chí Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Điều chỉnh tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2016-2021 và những năm tiếp theo” và “Chiến lược trang bị cho quân đội đến năm 2025”.
Chú trọng thực hiện tốt việc đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục-đào tạo theo Nghị quyết số 765-NQ/QUTW ngày 20/12/2012 của Quân ủy Trung ương, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân trong tình hình mới; trong đó, chú trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, lấy thực hành là chính; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện chiến đấu theo các phương án với huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại và huấn luyện cứu hộ, cứu nạn, khắc phục, giảm nhẹ thiên tai, thảm họa… cho lực lượng thường trực, dự bị động viên và dân quân tự vệ; tổ chức thực hiện tốt Chiến lược phát triển giáo dục-đào tạo trong quân đội giai đoạn 2016-2020 gắn với công tác nghiên cứu, phát triển khoa học quân sự; góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của toàn quân trong tình hình mới…