Đó là nhận định chung của nhiều đại biểu tham dự Hội thảo khoa học “Xây dựng chính sách trong hoạt động lập pháp” do Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức hôm qua (14/6). Phát biểu khai mạc, PGS.TS Trương Quang Vinh, Phó Hiệu trưởng nhà trường khẳng định hệ thống pháp luật nước ta đang dần được hoàn thiện với nhiều chính sách phù hợp, góp phần quan trọng vào thành tựu 30 năm đổi mới của đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn những chính sách thiếu khả thi, không đem lại hiệu quả trong điều chỉnh các quan hệ xã hội, gây lãng phí về nhiều mặt.
Do đó, để nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp, cần chú trọng tới việc xây dựng chính sách và đánh giá mối quan hệ tác động lẫn nhau giữa xây dựng chính sách và soạn thảo văn bản. Trước đây, hoạt động lập pháp ở nước ta vẫn theo mô hình “vừa thiết kế vừa thi công” nghĩa là vừa làm luật vừa hoàn thiện chính sách, việc xây dựng chính sách hầu như không được chú ý đến
Cách thức làm chính sách chủ yếu vẫn mang tính định tính, chủ quan, xuất phát từ các kết quả nghiên cứu đơn lẻ, thiếu khảo sát thực tiễn, chưa có sự phân tích, đánh giá chính sách một cách thực sự toàn diện, khoa học đối với toàn bộ dự kiến chương trình cũng như từng dự án cụ thể. Thậm chí, nhiều đề nghị chính sách quá sơ sài, đơn giản chỉ mang tính khái quát, không rõ nội dung, chưa thể hiện được sự cần thiết cho việc ban hành văn bản.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng trên là do quan hệ giữa cơ quan lập pháp và hành pháp trong quá trình thiết kế chính sách còn rời rạc, chưa chặt chẽ. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành còn lỏng lẻo và không có cơ chế rõ ràng trong quá trình hoạch định dẫn đến thông tin được cung cấp không đầy đủ và thiếu chính xác. Theo GS.TS Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, “chính sách” là một khái niệm đa nghĩa, đa cấp độ nên việc nhận diện chính sách rất quan trọng để xem chính sách đó thuộc loại nào, cấp độ nào rồi mới phân tích và đưa ra định hướng, giải pháp cụ thể.
Nhấn mạnh phân tích chính sách trong làm luật được xem như việc “khám bệnh” trước khi “kê đơn”, ThS Lê Thị Thiều Hoa, Trưởng ban Nghiên cứu Pháp luật Hành chính Nhà nước, Viện Khoa học pháp lý đánh giá đó là khâu cần chú trọng trong việc xây dựng chính sách. Việc có chính sách rõ ràng ngay từ đầu giúp nhà làm luật có được một định hướng rõ ràng về mục đích ban hành một văn bản cũng như công cụ chủ yếu mà văn bản đó có thể quy định để đạt được mục tiêu. Nhờ đó, giúp đẩy nhanh quá trình xây dựng chính sách, tiết kiệm thời gian, công sức và các nguồn lực khác, giúp soạn thảo và ban hành được các đạo luật có chất lượng và tính khả thi cao hơn trong thời gian ngắn hơn với chi phí thấp hơn.
Để thực hiện hiệu quả quy trình phân tích chính sách trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta hiện nay, đại diện Khoa Pháp luật Hành chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, ngay trong giai đoạn phân tích, hoạch định chính sách cần cân nhắc, tính toán về tính khả thi của chính sách. Cùng với đó, cần mở rộng cơ hội thu hút sự tham gia góp ý, phản biện của người dân, đối tượng chịu sự tác đông trực tiếp, chuyên gia, nhà khoa học vào quá trình xây dựng chính sách; công khai, minh bạch hóa trong việc tiếp thu và phản hồi các ý kiến góp ý của người dân.