Hôm qua (11/8), TAND Tối cao đã chủ trì buổi xin lỗi công khai ông Trần Văn Thêm (xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), người bị kết án oan với tội giết người, cướp tài sản và phải mang thân phận tử tù hơn 40 năm. Như vậy, người tù oan “kiểu Nguyễn Thanh Chấn” chính thức trở lại làm người tự do.
Nước mắt ông có thể đã không còn rơi nữa. Tuy nhiên, hành trình vụ kêu oan này tiếp tục thức tỉnh những người được giao nhiệm vụ “cầm cân nảy mực” của công lý?
Năm 1972, khi bị đưa ra trước vành móng ngựa của TAND tỉnh Vĩnh Phú (cũ), với cáo buộc sát hại người em họ, ông Thêm đã một mực kêu oan. Tuy nhiên, kết thúc phiên sơ thẩm, ông vẫn nhận án tử hình cho hai tội giết người, cướp tài sản. Năm 1973, TAND Tối cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm đã giữ nguyên bản án sơ thẩm với ông Thêm.
Ông Thêm quyết tâm chống án đến cùng. Năm 1976, một nghi can cải tạo tại trại là Phan Thanh Nhàn (17 tuổi, quê tỉnh Vĩnh Phú cũ) khai nhận mình là hung thủ gây ra vụ giết người tại Cầu Diện. Sau 5 năm 6 tháng 7 ngày ở tù, ông Thêm trở về nhà, tuy nhiên “bản án tinh thần” vẫn không tha ông. Khát khao được minh oan, được chính thức trở lại làm người tự do đã thôi thúc ông Thêm tiếp tục đi kêu oan. Ông cùng với người nhà lần lượt đến gõ cửa các cơ quan chức năng ở Trung ương và thường nhận được câu hỏi: “Ông bị oan, vậy có giấy tờ gì chứng minh không?”.
Những câu hỏi quen thuộc và vô cảm.
Ông và người cháu ruột lại miệt mài tìm kiếm, trích lục các giấy tờ, chứng cứ về việc ông từng bị đi tù, từng bị kết án tử hình để tập hợp hồ sơ làm căn cứ giải oan cho bản thân. Về Hà Nội, cơ quan chức năng vẫn thông báo “chưa đủ cơ sở”.
Như vậy hành trình kêu oan của ông Trần Văn Thêm kéo dài 40 năm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại di huấn “Đồng bào có oan ức mới khiếu nại hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại. Ta giải quyết nhanh, tốt thì đồng bào thấy rõ Đảng và Chính phủ quan tâm lo lắng cho quyền lợi của họ, do đó mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Chính phủ càng được củng cố tốt hơn...”. Hồ Chủ tịch yêu cầu công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân, không những phải tiếp nhận và giải quyết kịp thời mà các cấp chính quyền, các cán bộ công chức “phải giải quyết nhanh, tốt” các khiếu nại đó. Với Hồ Chủ tịch, lợi ích của nước, của dân là trên hết, việc của dân là việc hàng đầu.
Chắc chắn, ông Trần Văn Thêm chưa phải là người cuối cùng bị oan sai. Nếu như các cơ quan, nơi ông đến gõ cửa kêu oan không vô cảm khi hỏi “giấy tờ chứng minh” thì hành trình kêu oan đã không phải kéo dài tới 40 năm.
Bởi pháp luật đã quy định rõ, việc chứng minh công dân vô tội (hoặc có tội) trước hết phải là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng.