Bài học về lòng nhân ái

(PLO) - Ngày hôm nay 27/1 là Ngày Quốc tế Tưởng niệm Nạn nhân Holocaust tưởng nhớ đến hàng triệu nạn nhân Do Thái bị thảm sát bởi một sự biện minh đơn giản: sự khác biệt chủng tộc. Chỉ lý do này thôi cũng đủ để Đức Quốc xã tàn sát họ một cách lạnh lùng, với một chủ tâm rõ ràng: tiêu diệt đến tận người cuối cùng, nếu chúng có đủ thời gian. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong khi phần lớn loài người đều thờ ơ quay lưng trước những tội ác của Đức Quốc xã, đã có những người, và có lẽ họ là những người duy nhất, mạo hiểm cuộc sống của chính mình và gia đình để cứu sống những con người khác. Nicholas Winton, một nhà môi giới chứng khoán người Anh bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình trong suốt 9 tháng làm việc không ngừng trước khi Thế chiến 2 nổ ra đã giải cứu 669 đứa trẻ Do Thái và bí mật đưa chúng về Anh. Sau đó, trong Thế chiến thứ 2, hàng triệu người Do Thái, có  cả gia đình của những đứa trẻ này đã bị Đức Quốc xã hủy diệt.

Trong gần 50 sau, Nicholas luôn giữ kín về những hành động của mình. Câu chuyện có lẽ sẽ không bao giờ được tiết lộ, nếu như vợ ông không tìm thấy chiếc vali cũ được cất sâu trên căn gác xép, trong đó là một cuốn cuốn sổ lưu niệm có đầy đủ tài liệu, hình ảnh, tên tuổi của những đứa trẻ được giải cứu và kế hoạch vận chuyển của ông.

Năm 1988, đài BBC của Mỹ đã tổ chức một chương trình truyền hình đặc biệt tên That’s Life (Đó chính là cuộc sống), Nicholas Winton đã tới mà không hề biết rằng, hàng trăm khán giả đang ngồi trước mặt ông, bên cạnh ông chính là những đứa trẻ được giải cứu năm xưa. Họ đã tới để được tri ân người anh hùng thầm lặng, người cứu sống họ mà không cần hồi đáp gì. Những đứa trẻ Do Thái này đều đã lớn lên và thành đạt, họ trở thành những người cha, người mẹ, người ông, người bà. 669 “đứa con” của Nicholas Winton nay đã là một “gia đình lớn” có tới hơn 5000 người.

Holocaust, mặc dù đã diễn ra cách đây 79 năm, nhưng không hề xa vời với xã hội hiện đại. Khi những tội ác vi phạm nhân quyền vì sự thù ghét, vì “họ khác biệt”, vì “họ” là phụ nữ, là trẻ em, là động vật... vẫn là những chủ đề luôn hiện diện trong các bản tin tức hàng ngày, trong lịch sử của mỗi quốc gia, và có lẽ còn tiếp diễn trong tương lai.   

Giáo sư Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV) - Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh trong buổi công chiếu bộ phim “Sức mạnh của lòng tốt” về người anh hùng thầm lặng Nicholas Winton ở ĐHKHXH&NV  mới đây rằng: “Thế hệ trẻ Việt Nam cần phải được dạy và học về văn hóa lịch sử của không chỉ dân tộc ta mà cả những dân tộc khác trên thế giới; để cho các em hiểu được lòng vị tha, tình đồng loại – tình thương với con người nói chung, không phân biệt màu da, sắc tộc, tôn giáo, chính trị”. 

Còn theo Đại sứ Cộng hòa Séc, ngài Vitezslav Grepl thì sự hiểu biết cặn kẽ và đầy đủ về văn hóa lịch sử sẽ hỗ trợ hình thành ý thức phát giác các nguy cơ và dấu hiệu cảnh báo về những tội ác chống lại con người. Từ đó, chúng ta cũng sẽ dần thay đổi tư duy từ một người luôn đứng ngoài cuộc, thành một người có nhận thức tích cực. Và chỉ những người có tư tưởng vững chắc sẽ không thể bị lừa dối dễ dàng bởi bất kỳ tuyên truyền sai lệch nào mang tên ngược đãi và vi phạm quyền cơ bản của con người. 

Từ câu chuyện này ngẫm lại lại lời dạy của ông cha “Nhiễu điều phủ lấy giá gương – người trong một nước phải thương nhau cùng”, lòng nhân ái luôn luôn và mãi mãi là một biểu hiện cao đẹp nhất của con người. 

Đọc thêm