Bãi phế liệu “lộ thiên” chất cao như núi dọc đường tàu, chính quyền ở đâu?

(PLVN) - Cách đường ray tàu hoả đoạn từ An Cao – Việt Hòa tại xã Cao An (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) chừng 2m là một dãy chất thải dạng nhựa, gồm nhiều mảnh nhỏ màu đen. Những mảnh nhựa được bọc trong túi nilon rách nát, xếp chồng lên nhau cao quá đầu người, dài mấy chục mét như một bức tường khổng lồ.
Phế liệu chất thành bức tường khổng lồ ngay cạnh đường tàu
Phế liệu chất thành bức tường khổng lồ ngay cạnh đường tàu

Báo Pháp luật Việt Nam nhận được phản ánh của người dân xã Cao An về việc một bãi thu gom phế liệu lớn, tồn tại thời gian dài trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ hỏa hoạn. Thực tế tại địa bàn, phóng viên ghi nhận một bãi phế liệu rộng hàng ngàn mét vuông nằm dọc đường tàu đoạn từ An Cao – Việt Hòa.

Cụ thể, cách đường ray chừng 2m là một dãy chất thải dạng nhựa, gồm nhiều mảnh nhỏ màu đen. Những mảnh nhựa được bọc trong túi nilon rách nát, xếp chồng lên nhau cao 2-3m, dài mấy chục mét như một bức tường khổng lồ. Sau “bức tường đen” là khoảng đất rộng chứa các chất thải chưa phân loại như túi nilon, giấy, nhựa, pallet gỗ… đổ thành nhiều đống lớn.

Phế liệu gồm nhiều loại
 Phế liệu gồm nhiều loại
Chất thải chất thành đống trong bãi phế liệu.
 Chất thải chất thành đống trong bãi phế liệu.

Bên ngoài các xe tải chở phế liệu ra vào bãi liên tục khiến đoạn đường ở đây biến thành những “ổ gà, ổ voi” lầy lội, nhầy nhụa. 

Cách đó không xa trên đường 194B, một nhà xưởng cũ dột nát khác cũng chứa hàng trăm kiện nilon đã được đóng thành các khối lập phương lớn, để ngổ ngang. Nhiều nơi vải vụn, nhựa vụn được chất đống để ngoài ngoài trời. Tại đây các xe tải cũng thường xuyên ra vào chở hàng.

Một xưởng cũ cũng được "tận dụng" là nơi tập kết phế liệu
Một xưởng cũ cũng được "tận dụng" là nơi tập kết phế liệu

Nhận thấy phản ánh của người dân địa phương là có cơ sở, ngày 16/9 phóng viên báo PLVN đã đến xã Cao An để liên hệ làm việc. Tuy nhiên công chức tại Bộ phận một cửa cho biết, ông Nguyễn Đức Mạnh - Chủ tịch UBND xã không có ở trụ sở. Đồng thời đề nghị phóng viên để lại nội dung cần làm việc, lãnh đạo địa phương sẽ sắp xếp lịch hẹn. Từ đó đến nay một tháng đã trôi qua, phóng viên nhiều lần liên hệ, song ông Mạnh nhiều lần từ chối với lý do…bận, không thể làm việc.

Hiện xã Cao An là một trong 2 xã của huyện Cẩm Giàng đã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Trong khi đó, bộ tiêu chí về Nông thôn mới nâng cao của tỉnh Hải Dương quy định rất cụ thể về chỉ tiêu môi trường. Nhưng với hiện trạng bãi phế liệu khổng lồ gần đường ray tàu hoả như trên cho thấy, được công nhận đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới rồi nên lãnh đạo địa phương không quan tâm đến môi trường tại địa phương?

Báo PLVN sẽ tiếp tục làm rõ các vấn đề liên quan đến bãi phế liệu đang gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trên địa bàn xã Cao Ao này.

Đọc thêm