“Bài toán” giá điện khí LNG

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -LNG đang được xem là một trong những giải pháp quan trọng và xu hướng tất yếu trong chính sách bảo đảm an ninh năng lượng, đặc biệt trong bối cảnh việc khai thác các nguồn tài nguyên truyền thống của Việt Nam như thủy điện, than, dầu khí đang trên đà suy giảm. Tuy nhiên, giá mua điện LNG sẽ ở mức như thế nào là câu chuyện đang có nhiều băn khoăn.
Tính toán giá điện LNG đang là “nút thắt” để phát triển loại hình này. (Ảnh minh họa: Báo Bình Thuận)
Tính toán giá điện LNG đang là “nút thắt” để phát triển loại hình này. (Ảnh minh họa: Báo Bình Thuận)

Xây dựng khung giá điện LNG phù hợp không dễ

Với cơ cấu nguồn điện trong Quy hoạch điện (QHĐ) VIII, Bộ Công Thương tính toán, khi giá LNG tăng 10% sẽ làm chi phí sản xuất điện trung bình hệ thống tăng 1,1 - 1,5%. Nếu giá LNG tăng lên 40%, giá điện sản xuất bình quân sẽ tăng gần 6% so với giá cơ sở tính toán trong QHĐ VIII. Do vậy, thách thức lớn nhất hiện nay của nhà máy điện (NMĐ) khí LNG vẫn là giá thành cao, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện phụ thuộc giá nhập khẩu.

Ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) nhận định, trong bối cảnh địa chính trị thế giới có nhiều thay đổi, giá LNG biến động thất thường; Cùng với đó, giá LNG thường chiếm tỉ lệ từ 70 - 80% giá thành điện năng sản xuất nên việc xây dựng cơ chế giá phù hợp để thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu mà không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện là thách thức rất lớn với Việt Nam. “Thực tế, giá khí hóa lỏng LNG đã tăng rất mạnh thời gian qua, giá nhập khẩu cao là trở ngại trong tương lai khi ký các hợp đồng mua bán điện giữa chủ đầu tư và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), do EVN phải mua điện giá cao và bán điện giá rẻ” - ông Hùng nói.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, thách thức trước tiên khi đưa vào sử dụng NMĐ khí là nguồn cung và giá khí hoá lỏng LNG hoàn toàn phụ thuộc nhập khẩu. Do đó, việc xây dựng cơ chế giá phù hợp là việc không dễ dàng. Bên cạnh đó, hiện chưa có khung giá phát điện của các dự án điện khí LNG, nên cũng chưa biết đàm phán mức giá bao nhiêu là hợp lý.

“Giá LNG thế giới thời gian qua có những lúc lên tới 30 USD một triệu BTU, điều này đồng nghĩa với việc giá mua điện từ nguồn điện khí LNG sẽ cao hơn rất nhiều so với giá bán lẻ điện được Nhà nước quy định nên EVN cũng không thể quyết được việc mua bán điện khí LNG. Chưa kể, chính vì chưa có mua điện nên chưa thể tính được chuyện bao tiêu sản phẩm hàng năm. Điều này sẽ khiến ngân hàng thiếu cơ sở để xem xét cấp tín dụng cho dự án, cũng như dự án mua được nguồn LNG giá tốt thông qua hợp đồng mua LNG dài hạn với số lượng đáng kể” - ông Long phân tích.

“Như vậy, nếu không tháo gỡ được “nút thắt” lớn nhất là giá điện LNG thì các dự án điện khí sẽ còn ì ạch. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc cung ứng điện trong tương lai” - ông Long nói.

Làm gì để hạ giá thành sản xuất điện khí LNG?

Ông Huỳnh Quang Hải - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) cho biết, theo QHĐ VIII, đến năm 2030 có 13 NMĐ khí đưa vào vận hành. Tuy nhiên, phần lớn nhà đầu tư có xu hướng triển khai dự án theo cấu hình 1 trung tâm điện lực (tức là 1 NMĐ) và 1 kho cảng nhập LNG. Điều này đồng nghĩa với việc có bao nhiêu trung tâm điện lực thì sẽ có bấy nhiêu kho cảng. Trong khi đó, số tiền mà các chủ NMĐ đầu tư kho cảng sẽ được tính toán, phân bổ hết vào giá điện.

Theo ông Hải, nếu mỗi NMĐ đều muốn xây dựng một kho chứa LNG thì cần đầu tư cảng biển. Mức đầu tư 1 cảng biển vào khoảng 200 - 300 triệu USD. Nếu mỗi một NMĐ cùng đầu tư thêm một cảng biển nước sâu thì rất tốn kém, chưa kể chi phí nạo vét cũng sẽ được tính hết vào giá điện. Do đó, theo ông Hải, cần phải tính đến “bài toán” cung cấp khí cho các NMĐ ra sao để phù hợp với quy hoạch cũng như giảm áp lực lên giá thành sản xuất điện.

Chưa kể, việc vận chuyển khí LNG cho các NMĐ cũng sẽ phát sinh một số vấn đề. Ví dụ, khi một đơn vị cấp khí cho 7 - 8 NMĐ thì tính chi phí cấp cho các nhà máy ra sao vì còn phải phụ thuộc vào quãng đường di chuyển. “Cần có chính sách quyết sách cụ thể cho các vấn đề này bởi không thể đưa ra giá cho mỗi NMĐ mức cước phí khác nhau vì sẽ nảy sinh cạnh tranh không lành mạnh” - ông Hải nói.

Theo lãnh đạo PV Gas, ở Đông Nam Bộ, PV Gas đang đầu tư 1 kho cấp khí cho toàn bộ các NMĐ trong khu vực lân cận thuộc các tỉnh như Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu…; Kho ở Bình Thuận sẽ cung cấp cho toàn bộ khu vực Nam Trung Bộ; Ở miền Bắc cũng chỉ cần tìm được một địa điểm thuận lợi nhất, đầu tư 1 kho, 1 cảng để cấp điện cho các nhà máy. “PV Gas đang hướng đến mục tiêu làm kho đầu mối để cấp khí cho các NMĐ sau đó đầu tư 1 trục đường ống cung cấp theo trục này đến các địa điểm có nhu cầu. Khi làm được như vậy thì chắc chắn suất đầu tư sẽ giảm đi nhiều, từ đó giảm được giá thành sản xuất điện” - ông Hải khẳng định.

Đọc thêm