“Thủ đô cần phấn đấu giảm 20% số vụ tai nạn giao thông (TNGT), giảm tối thiểu 30% số vụ ùn tắc, không có tình trạng đua xe trái phép; xây dựng nhiều điểm giao thông tĩnh; không để lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, bảo đảm mỹ quan đô thị…” là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia tại cuộc làm việc với lãnh đạo UBND TP. Hà Nội về công tác bảo đảm ATGT sáng qua - 20/2.
Ưu tiên hàng đầu: giảm thiểu ùn tắc
Thẳng thắn nhìn nhận tình trạng giao thông của Thủ đô luôn trong tình trạng “căng thẳng” là do mạng lưới hạ tầng giao thông vận tải của Hà Nội còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, không theo kịp với sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện cá nhân, vỉa hè, lòng đường thường xuyên bị chiếm dụng, không đủ không gian cho người đi bộ, phương tiện vận tải hành khách công cộng mới chỉ có loại hình xe buýt và chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu; cùng với đó là ý thức chấp hành của người tham gia giao thông chưa cao, công tác quản lý còn nhiều bất cập, yếu kém...
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Khôi nhấn mạnh, “đấy còn là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong nhân dân, gây lãng phí của cải của xã hội. Vì thế, ưu tiên hàng đầu của TP là phải nhanh chóng khắc phục và giảm thiểu ùn tắc giao thông”.
Xác định giảm ùn tắc và TNGT là “nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách” |
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, TP xác định giảm ùn tắc và TNGT là “nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách” và phấn đấu giảm tối thiểu 10% số vụ TNGT, số người chết và số bị thương; giảm tối thiểu 20% số vụ ùn tắc và ngăn chặn có hiệu quả đua xe trái phép; xây dựng 4-5 điểm giao thông tĩnh; 100% xã, phường, thị trấn ra quân triển khai “Năm an toàn giao thông”.
Bên cạnh đó là các giải pháp cơ bản lâu dài như giãn mật độ dân số nội đô, nhất là các quận trung tâm, di dời các cơ sở khám chữa bệnh, trường đại học ra ngoại thành, giảm áp lực cho hạ tầng đô thị, TP đã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai những giải pháp trước mắt, trong đó có giải pháp điều chỉnh giờ làm việc, học tập, kinh doanh trên địa bàn, bố trí lượng xe buýt phục vụ, tổ chức chốt trực phân luồng giao thong trên các trục đường và nút giao thông trọng điểm của thành phố từ 6h00 đến 22h00 hàng ngày...
Sau một tháng thực hiện, TP đánh giá tình trạng giao thông đã có những cải tiến đáng kể. Tuy nhiên, Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh kiến nghị “tăng thêm biên chế CSGT, thanh tra giao thông” và “nâng mức xử phạt cao hơn với người vi phạm để tạo sự răn đe” mới có thể cải thiện tích cực tình hình giao thông ở Hà Nội.
Kiên quyết di dời bệnh viện, trường học
Đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo TP, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP tiếp tục phát huy và nâng cao những kết quả đó làm nền tảng cho công tác đảm bảo ATGT năm 2012 trên địa bàn.
Phó Thủ tướng cho rằng, Thủ đô cần phấn đấu giảm 20% số vụ TNGT, giảm tối thiểu 30% số vụ ùn tắc, không có tình trạng đua xe trái phép; xây dựng nhiều điểm giao thông tĩnh; không để lấn chiếm vỉa hè, lòng đương, bảo đảm mỹ quan đô thị…
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, để có thể cải thiện căn bản tình hình giao thông của TP thì cần kiên quyết di dời với lộ trình rõ ràng đối với các bệnh viện, trường học ra ngoại thành; đẩy mạnh xây dựng công trình hạ tầng; tiếp tục giáo dục pháp luật kiên trì, cụ thể để nhân dân đồng thuận những chủ trương của thành phố, vì lợi ích lớn của đại đa số nhân dân; tăng cường nhân lực và biên chế cho công tác bảo đảm ATGT… cùng các biện pháp kỹ thuật cụ thể, đồng bộ để khắc phục ngay các “điểm đen”, những điểm có nguy cơ ùn tắc; tập trung đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm…
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng nhất trí với một số kiến nghị của TP như tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các phương tiện tham gia giao thông và một số phí và lệ phí; bổ sung biên chế cho lực lượng bảo đảm trật tự ATGT.
Huy Anh