Bài toán nan giải với chính phủ và giới quân sự Thái Lan

(PLO) -Đất nước Thái Lan bị rung chuyển và rúng động bởi nhiều vụ đánh bom đồng thời tại một số nơi. Chính phủ Thái Lan cho biết chưa xác định được thủ phạm. Cũng có thể chính phủ Thái Lan xác định được rồi nhưng chưa công bố danh tính thủ phạm. 
Hiện trường vụ đánh bom ở Hua Hin
Hiện trường vụ đánh bom ở Hua Hin

Xác định được thủ phạm thì sẽ biết được bản chất của vụ việc. Bởi thế, từ việc chính phủ nước này coi ai là thủ phạm thì sẽ biết được nguyên do vụ việc và chiều hướng biện pháp đối phó của chính phủ Thái Lan. 

Gây bất ổn

Nhưng dù thủ phạm là ai đi chăng nữa thì những vụ đánh bom đồng thời và có liên kết với nhau này cũng là cả khủng bố và chống đối chính phủ Thái Lan.

Mục đích là gây mất an ninh và ổn định, hỗn loạn và hoang mang lo sợ. Tác động từ đó là gây khó cho chính phủ, làm tổn hại uy danh của chính phủ và kích động dân chúng bất bình với chính phủ. Kể từ khi giới quân sự ở nước này tiến hành đảo chính và lên nắm quyền đến nay đã xảy ra một vài vụ đánh bom như thế.

Đúng là ở Thái Lan có vấn đề người Hồi giáo ở các tỉnh phía nam giáp Malaysia. Nhưng nó không lớn và trầm trọng đến mức trở thành nguy cơ khủng bố thường xuyên đối với Thái Lan. Chính phủ hiện tại ở Thái Lan trong thực chất vẫn là chính phủ do giới quân sự thành lập và kiểm soát. Những vụ đánh bom mới rồi xảy ra gần như ngay sau cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mới và sau khi chính phủ Thái Lan tuyên bố sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 11.2017.

Hiến pháp vừa được thông qua bằng trưng cầu dân ý đảm bảo cho giới quân sự nắm giữ thực quyền ở Thái Lan bất kể cử tri nước này rồi đây bầu ai vào quốc hội.

Thổi bùng bất bình

Chính vì thế mà tác động của những vụ đánh bom vừa rồi càng thêm tai hại đối với chính phủ và giới quân sự ở Thái Lan. Chúng cho thấy tuy giới quân sự đã hợp pháp hóa được quyền lực và vận hành lộ trình dân chủ hóa theo cách riêng của mình nhưng trên thực tế vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát được tình hình chính trị an ninh và ổn định xã hội ở Thái Lan. Sự chống đối chính phủ và bất bình với giới quân sự vẫn còn rất đáng kể chứ không phải đã bị dập tắt.

Hơn thế nữa, sự chống đối và bất bình ấy không chỉ biểu lộ theo cách hòa bình và ôn hòa, trong khuôn khổ pháp luật hiện hành cho phép và không có tổ chức. Nó đã trở nên bạo lực, trở thành đối kháng và đối địch cả về chính trị lẫn vũ trang. Không chỉ quyền lực mà còn cả tính hợp pháp của quyền lực mà giới quân sự vừa có được đang bị thách thức rõ rệt.

Bài toán khó

Từ đó có thể thấy là với bản hiến pháp mới không phải vấn đề quyền lực nhà nước ở Thái Lan đã được đưa vào giải pháp, lại càng chưa có chuyện nó đã được giải quyết. Hiện tại đang như vậy và cả trong thời gian tới, đất nước này chưa thể yên ổn bởi những chuyện nội bộ. Quá trình dân chủ hóa ở Thái Lan do giới quân sự vận hành vốn ngay từ đầu đã nặng danh nghĩa mà nhẹ thực chất thì từ đây còn càng nhẹ nữa về thực chất. 

Đối với chính phủ Thái Lan, việc đối phó khủng bố dễ dàng hơn đối phó sự chống đối không mang tính khủng bố. Dân chúng sẽ đồng tình và đồng hành với mọi biện pháp chính sách của chính phủ nhằm đối phó khủng bố.

Nhưng chống đối chính phủ có nghĩa là ở nơi này vẫn còn có bộ phận dân chúng và những lực lượng chính trị xã hội bất bình với chính phủ và giới quân sự mà muốn vô hiệu hóa sự chống đối này thì chính phủ và giới quân sự ở Thái Lan phải hòa giải về chính trị chứ không thể dùng cách đối phó bằng biện pháp quân sự, tách bạch giữa khủng bố và chống đối, không để cho khủng bố kích động chống đối hay chống đối không gây nên khủng bố nhưng lại lợi dụng khủng bố.

Bài toán an ninh ngày càng thêm nan giải đối với chính phủ và giới quân sự ở Thái Lan..