Bài viết của Tổng Bí thư đã làm rõ nhiều quan điểm chủ đạo của Đảng ta tiến tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước. Bài viết được tổng kết không chỉ từ các mốc lịch sử quan trọng mà còn được đúc rút ở tầm cao trí tuệ, tư duy lý luận, được kiểm nghiệm bằng thực tiễn sinh động của cách mạng Việt Nam. Do đó, có thể nói đây là lời hiệu triệu, định hướng, thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết, tập trung trí tuệ, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức xây dựng, phát triển nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa hùng cường.
Chạm đến khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Trong bài viết, Tổng Bí thư nêu bật những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới. Đây là tiền đề để xây dựng Việt Nam “cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc”. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những thành tựu này thực sự đem lại những thay đổi lớn lao, rất tốt đẹp cho đất nước trong gần 40 năm qua, góp phần làm cho “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Tiếp tục trên chặng đường vinh quang dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vô cùng yêu dấu của chúng ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, Đảng ta, đất nước ta và dân tộc ta sẽ tiếp tục hướng tới năm 2030, kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng, nước ta trở thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đảng cũng đặt mục tiêu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng “cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Tạ Thị Yên cho rằng, chúng ta chỉ còn 6 năm để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước thu nhập bình quân đầu người trung bình cao. Để đạt mục tiêu này, chúng ta cần duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hiện nay thấp hơn so với kế hoạch. Nếu chúng ta không kịp thời khắc phục những yếu kém nội tại của nền kinh tế, đặc biệt là các yếu tố tăng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP), tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân thì việc đạt chỉ tiêu GDP bình quân đầu người vào năm 2030 như chiến lược đã xác định là khá thách thức.
Đây cũng là thách thức tương tự đối với mục tiêu tăng trưởng GDP và GDP bình quân đầu người vào năm 2045. Như vậy, bài toán đặt ra là chúng ta cần tăng tốc phát triển như thế nào để có thể đạt được mục tiêu đề ra. Theo Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên, để Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, đòi hỏi chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, cần huy động tốt các nguồn lực, góp phần khơi dậy khát vọng phát triển phồn vinh, hạnh phúc. “Các chính sách công nghiệp phải được coi là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vượt bẫy thu nhập trung bình”, bà Yên nhấn mạnh.
Muốn thế, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, số hóa để tăng năng suất lao động và thu nhập bình quân đầu người. Đồng thời, tận dụng được cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để phát huy được tiềm năng tăng trưởng nhanh. Đặc biệt là tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp mới như bán dẫn, vi mạch, trí tuệ nhân tạo, người máy, công nghiệp hydro, amoniac xanh. Đây có thể được coi là những động lực mới của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, xung đột về địa chính trị, địa kinh tế hiện nay.
“Thành tựu kinh tế - xã hội trong gần 40 năm đổi mới là cơ sở quan trọng để khẳng định Việt Nam có thể chạm đến khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Con đường phồn vinh, hạnh phúc đã mở và đang ở phía trước, ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”, Đại biểu Tạ Thị Yên tâm niệm.
Khơi dậy niềm tự hào về Đảng quang vinh, dân tộc Việt Nam anh hùng
|
Thành tựu kinh tế - xã hội trong gần 40 năm đổi mới là cơ sở quan trọng để khẳng định Việt Nam có thể chạm đến khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. (Ảnh minh họa: TH) |
Trao đổi trên báo chí về bài viết của Tổng Bí thư, Đại úy Đỗ Xuân Điềm, Chính trị viên phó, Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng Na Cô Sa, huyện Nậm Bồ, tỉnh Điện Biên cho rằng, đây là bài viết rất quan trọng, có giá trị khoa học, lý luận và tổng kết thực tiễn sâu sắc, khơi dậy niềm tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, dân tộc Việt Nam anh hùng.
Theo Đại úy Đỗ Xuân Điềm, bài viết của Tổng Bí thư nhấn mạnh nhiệm vụ “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đi đôi với giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn để phát triển đất nước”. Có thể nói, sự nghiệp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng, được Đảng ta xác định là nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa lâu dài đối với quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; do đó, rất cần có sự cống hiến và trách nhiệm của các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nghiên cứu bài viết của Tổng Bí thư, Đại úy Điềm xác định rõ hơn trách nhiệm, động lực và niềm tin của bản thân để nỗ lực cống hiến, đóng góp sức trẻ cùng toàn Đảng, toàn quân và Nhân dân ta xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Quốc gia.
Là thế hệ trẻ trong thời đại Hồ Chí Minh, khát khao lớn nhất của bản thân Đại úy Điềm cũng như của tuổi trẻ Đồn Biên phòng Na Cô Sa nói chung là được cống hiến hết mình cho Tổ quốc, phục vụ Quân đội, phụng sự Nhân dân bằng một niềm tin sắt son vào sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng; được rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành để có thể đóng góp một phần nhỏ bé vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh hơn, hiện thực hóa mong ước “dân tộc Việt Nam sánh vai các cường quốc năm châu” mà Bác Hồ đã đặt niềm tin và giao phó cho thế hệ trẻ Việt Nam...
Đề cập đến bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp Chính phủ tháng 1/2024 diễn ra vào đầu tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt bài viết rất quan trọng này, qua đó nêu cao tinh thần yêu nước, phát huy hơn nữa trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, của mỗi người dân, sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị; tiếp tục khẳng định những thành tựu, kết quả quan trọng, có ý nghĩa lịch sử sau gần 40 năm đổi mới, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay; hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển nhân dịp 100 năm thành lập Đảng.