Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật

(PLVN) - Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật là nền tảng không thể thiếu để xây dựng và duy trì một Nhà nước pháp quyền, đồng thời góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững và công bằng. Nâng cao năng lực thực thi pháp luật đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì một Nhà nước pháp quyền XHCN.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định, quan hệ giữa hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao năng lực thực thi pháp luật là mối quan hệ tương tác hai chiều. (Ảnh: Quochoi.vn)
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định, quan hệ giữa hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao năng lực thực thi pháp luật là mối quan hệ tương tác hai chiều. (Ảnh: Quochoi.vn)

Hai nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”.

Trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Đảng ta chủ trương không ngừng phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, trên cơ sở liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Nhà nước đại diện cho quyền làm chủ của Nhân dân, đồng thời là người tổ chức thực hiện đường lối của Đảng; có cơ chế để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tham gia quản lý xã hội.

Tổng Bí thư nêu rõ, chúng ta nhận thức rằng, Nhà nước pháp quyền XHCN về bản chất khác với nhà nước pháp quyền tư sản là ở chỗ pháp quyền dưới chế độ tư bản chủ nghĩa về thực chất là công cụ bảo vệ và phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chế độ XHCN là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số Nhân dân. Thông qua thực thi pháp luật, Nhà nước bảo đảm các điều kiện để Nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị, thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm hại lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân.

Trên cơ sở làm rõ khái niệm Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ những nhiệm vụ trọng tâm có liên quan cần phải tập trung thực hiện. Trong đó, Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả việc thực thi pháp luật.

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Nhà nước pháp quyền XHCN là một hình thái tổ chức của quốc gia, nơi mọi quyết định và hành động của Nhà nước đều dựa trên và tuân thủ pháp luật. Hoàn thiện hệ thống pháp luật đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng và duy trì Nhà nước pháp quyền XHCN.

Phân tích, ông Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm công bằng và bình đẳng trước pháp luật. “Một hệ thống pháp luật được hoàn thiện sẽ bảo đảm rằng mọi cá nhân và tổ chức đều bình đẳng trước pháp luật. Điều này không chỉ giúp tạo lập niềm tin của công dân vào hệ thống mà còn khuyến khích họ tuân thủ pháp luật. Niềm tin vào sự công bằng và bình đẳng trước pháp luật là một trong những yếu tố quan trọng giúp duy trì trật tự xã hội và sự ổn định chính trị”, ông Dũng nhấn mạnh.

Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng là để tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Hệ thống pháp luật đầy đủ và rõ ràng giúp tăng cường tính minh bạch trong quản lý và điều hành đất nước. Khi các quy định, quy trình được định rõ, cơ quan nhà nước và các quan chức phải tuân thủ, chịu trách nhiệm giải trình cho hành vi và quyết định của mình. Điều này giúp giảm thiểu tham nhũng và tăng cường quản lý nhà nước hiệu quả.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế và xã hội. Một hệ thống pháp luật ổn định và công bằng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh tế, thu hút đầu tư và thúc đẩy sự phát triển. Doanh nghiệp và nhà đầu tư cảm thấy an tâm khi họ biết rằng quyền và nghĩa vụ của họ được bảo vệ một cách công bằng và minh bạch thông qua hệ thống pháp luật. Đồng thời, giảm thiểu sự tùy tiện và lạm quyền. Bởi, khi hệ thống pháp luật được hoàn thiện sẽ hạn chế khả năng lạm quyền và sự tùy tiện trong hành xử của các quan chức nhà nước, qua đó góp phần ngăn chặn tham nhũng và tăng cường quản lý nhà nước.

Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng sẽ là tiền đề để tạo lập một xã hội dựa trên luật pháp. Một hệ thống pháp luật hoàn thiện là nền tảng cho việc xây dựng một xã hội dựa trên luật pháp, nơi mọi quyết định, từ các quy định đến việc giải quyết tranh chấp, đều dựa trên các nguyên tắc pháp lý đã được thiết lập.

“Những lập luận nói trên cho thấy, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật là nền tảng không thể thiếu để xây dựng và duy trì một nhà nước pháp quyền, đồng thời góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững và công bằng”, TS Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh.

Tăng cường niềm tin của công dân vào hệ thống tư pháp

Một hệ thống pháp luật ổn định và công bằng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh tế, thu hút đầu tư và thúc đẩy sự phát triển. (Ảnh minh họa - baochinhphu.vn)

Một hệ thống pháp luật ổn định và công bằng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh tế, thu hút đầu tư và thúc đẩy sự phát triển. (Ảnh minh họa - baochinhphu.vn)

Nêu bật vai trò quan trọng của việc nâng cao năng lực thực thi pháp luật trong việc xây dựng và duy trì một Nhà nước pháp quyền XHCN, TS Nguyễn Sĩ Dũng chỉ ra rằng, trong một Nhà nước pháp quyền XHCN, cần bảo đảm một cách công bằng, minh bạch và hiệu quả không chỉ ban hành pháp luật mà cả việc thực thi pháp luật.

Giải thích lý do nâng cao năng lực thực thi pháp luật lại rất quan trọng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho biết, thứ nhất là để bảo đảm sự tuân thủ pháp luật. Một hệ thống thực thi pháp luật mạnh mẽ giúp bảo đảm rằng mọi cá nhân, tổ chức và thậm chí là cơ quan nhà nước đều tuân thủ các quy định của pháp luật. Khi công dân tin tưởng rằng pháp luật sẽ được thực thi một cách công bằng và nghiêm minh, họ sẽ có động lực cao hơn để tuân thủ pháp luật, góp phần vào việc duy trì trật tự và ổn định xã hội.

Lý do thứ hai là để bảo vệ quyền và tự do của công dân. Bởi, năng lực thực thi pháp luật cao giúp bảo vệ quyền và tự do của công dân một cách hiệu quả. Năng lực thực thi pháp luật giúp các cơ quan nhà nước giải quyết nhanh chóng và công bằng các vấn đề, bảo vệ công dân khỏi sự lạm dụng quyền lực, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Lý do thứ ba là để tăng cường niềm tin vào hệ thống tư pháp. Khi công dân tin tưởng rằng mọi tranh chấp và vi phạm đều được xử lý một cách công bằng và kịp thời, họ sẽ cảm thấy an toàn hơn, có lập trường tích cực hơn đối với hệ thống pháp luật và chính quyền.

Dẫn chứng, ông Nguyễn Sĩ Dũng cho hay, ở New Zealand, việc thực thi pháp luật minh bạch và công bằng đã giúp tăng cường niềm tin của công dân vào hệ thống tư pháp. Sự rõ ràng và công bằng trong việc xử lý các vụ án, kể cả khi liên quan đến cảnh sát hoặc quan chức chính phủ, đã tạo nên một môi trường pháp lý được công chúng đánh giá cao. New Zealand được xem là một trong những quốc gia có chỉ số niềm tin vào hệ thống tư pháp cao nhất theo các cuộc khảo sát quốc tế.

Lý do thứ tư là để khuyến khích sự phát triển kinh tế. Một hệ thống thực thi pháp luật hiệu quả cũng là yếu tố then chốt tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế. Các nhà đầu tư và doanh nghiệp cần chắc chắn rằng hợp đồng và quyền sở hữu của họ được bảo vệ, và rằng bất kỳ tranh chấp nào cũng sẽ được giải quyết một cách công bằng, nhanh chóng. Điều này tạo ra môi trường kinh doanh ổn định và dự đoán được, thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng.

Lý do thứ năm là để phòng, chống và giảm thiểu tội phạm. Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, năng lực thực thi pháp luật mạnh mẽ giúp phòng, chống và giảm thiểu tội phạm hiệu quả. Khi các cơ quan thực thi pháp luật có đủ nguồn lực, đào tạo và công nghệ, họ có thể nhanh chóng phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, từ đó góp phần vào việc giảm tội phạm và tăng cường an ninh cho xã hội. Nêu kinh nghiệm tại Nhật Bản, ông Dũng cho rằng, việc thực thi pháp luật mạnh mẽ và kỷ luật cao trong xã hội đã giúp giảm thiểu tội phạm hiệu quả. “Cảnh sát Nhật Bản nổi tiếng được đào tạo kỹ lưỡng, có năng lực cao và sử dụng công nghệ tiên tiến trong công tác điều tra. Nhật Bản được biết đến với tỷ lệ tội phạm thấp, đặc biệt là tội phạm bạo lực, phản ánh hiệu quả việc thực thi pháp luật trong việc duy trì an ninh và trật tự xã hội”, ông nói.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định, quan hệ giữa hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao năng lực thực thi pháp luật là mối quan hệ tương tác hai chiều. Một hệ thống pháp luật hoàn thiện tạo điều kiện cho việc thực thi pháp luật hiệu quả, trong khi đó, việc thực thi pháp luật một cách hiệu quả giúp chỉ ra những điểm cần được cải thiện và hoàn thiện trong hệ thống pháp luật.

Đây là mối quan hệ tương tác và phụ thuộc lẫn nhau, nơi mỗi yếu tố đều ảnh hưởng và thúc đẩy sự phát triển của yếu tố kia, đồng thời góp phần vào việc xây dựng và duy trì một Nhà nước pháp quyền vững mạnh. Đây cũng chính là lý do tại sao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng coi hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao năng lực thực thi pháp luật là hai nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Đọc thêm