Bám sát nhu cầu của doanh nghiệp trong hỗ trợ pháp lý

(PLVN) -Chiều 25/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2020 và 10 năm thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 – 2020 (Chương trình 585). Đồng chủ trì Hội nghị là Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu và Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Tú.

Chương trình 585 giúp doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, phòng rủi ro

Theo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 – 2014 và 2015 – 2020, sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, mặc dù gặp không ít khó khăn song Chương trình 585 đã từng bước khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Việc triển khai Chương trình 585 đã bám sát mục tiêu, nội dung đặt ra. Nhìn chung các mục tiêu của Chương trình 585 cơ bản đã đạt được.

Chương trình 585 đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, tạo lập các điều kiện cần thiết để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, phòng chống rủi ro và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.

 

Chương trình 585 đã phối hợp với các Bộ, Ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp triển khai các hoạt động cụ thể: tổ chức các lớp bồi dưỡng; tọa đàm nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp và người làm công tác pháp lý cho doanh nghiệp thông qua kênh truyền hình, đài tiếng nói…

Những kết quả triển khai thực hiện các hoạt động của Chương trình 585 đã để lại dấu ấn nhất định đối với cộng đồng doanh nghiệp, đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, khẳng định được vai trò và tác động tích cực của Chương trình 585, góp phần nâng cao vị thế của Bộ, Ngành Tư pháp trong cộng đồng doanh nghiệp.

 

Cụ thể, trên cơ sở hoạt động của Chương trình 585, Bộ Tài chính, Bộ Công thương… đã phối hợp với Chương trình 585 triển khai mạnh mẽ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong lĩnh vực mình quản lý; trên cơ sở Chương trình 585, UBND, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phối hợp với Chương trình 585 triển khai mạnh mẽ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các địa phương trọng điểm: Quảng Bình, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc…

Đối với các doanh nghiệp được thụ hưởng các hoạt động của Chương trình 585, các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được triển khai đồng bộ đã tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Thông qua các tọa đàm, chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ của Chương trình 585, các cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp, cán bộ pháp chế được cập nhật kiến thức về pháp luật kinh doanh, kỹ năng nghiệp vụ trong công tác pháp chế, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hạn chế rủi ro pháp lý trong kinh doanh.

Năm 2020, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong khuôn khổ Chương trình 585 đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả trên toàn quốc. Một số hoạt động được triển khai đã nhận được phản hồi tích cực từ dư luận xã hội, báo chí và đặc biệt từ chính cộng đồng doanh nghiệp, đối tượng thụ hưởng trực tiếp từ Chương trình 585.

Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cơ bản nhất trí với Dự thảo báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình 585 và Báo cáo Kết quả thực hiện các hoạt động năm 2020 của Chương trình 585. Thứ trưởng đánh giá cao các kết quả đã đạt được: Tổ chức được số lượng lớn các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, các hoạt động có nhiều nội dung mới, phong phú đa dạng, hiệu quả. Nhiều hoạt động có sự lan tỏa cao; Cải thiện và củng cố mối quan hệ pháp lý giữa doanh nghiệp và Nhà nước. Nhà nước rõ hơn về nhu cầu doanh nghiệp, từ đó xây dựng chính sách phù hợp. Doanh nghiệp nắm vững pháp luật hơn. Những kết quả trên có được nhờ sự tham gia hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp, sự nỗ lực cố gắng của các cơ quan đơn vị, cá nhân… 

 

Theo Thứ trưởng, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian tới cần tiếp tục bám sát nhu cầu của doanh nghiệp. Tìm mọi cách nâng cao chất lượng các hoạt động, đảm bảo được tính hữu ích cho doanh nghiệp, từ đó thu hút được các doanh nghiệp tham gia một cách tích cực, chủ động, tự nguyện. Khi xác định được nhu cầu của doanh nghiệp thì phải xây dựng nội dung, hoạt động, phương thức hỗ trợ sát với nhu cầu doanh nghiệp.  

Cố gắng kết nối, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, cá nhân và tìm mọi cách để lan tỏa kết quả, các sản phẩm chương trình để nhiều người thụ hưởng, tiết kiệm về mặt kinh phí. Cần nỗ lực thay đổi cách tiếp cận, mục tiêu, ý nghĩa của hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp chủ động tìm đến. Từng bước chuyển trang bị kiến thức pháp luật đơn thuần sang kỹ năng áp dụng pháp luật, kỹ năng xử lý các vướng mắc, tập trung mạnh vào việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho 1 doanh nghiệp nhưng nhiều doanh nghiệp có thể vận dụng được cách xử lý trên.

 

Cũng tại Hội nghị, đại diện Vụ Thi đua – Khen thưởng (Bộ Tư pháp) đã Công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 – 2020. Có 13 tập thể và 19 cá nhân nhận được bằng khen của Bộ trưởng.

Đọc thêm